Rõ ràng, iPhone không hẳn là chiếc điện thoại vượt trội so với các đối thủ nếu xét về kích thước màn hình, tốc độ vi xử lý hay các tính năng công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù đã có rất nhiều cố gắng từ phía các nhà sản xuất nhưng hiện tại chẳng có một chiếc điện thoại nào có thể “hạ gục” được iPhone ở thị trường này.
Yếu tố thành công của iPhone chính là nằm ở khoản đầu tư của người sử dụng trong nhiều năm với vô số phim, nhạc, chương trình truyền hình, ứng dụng, podcast mà đơn thuần không thể xem trên các thiết bị số khác do việc khóa giới hạn của iTunes. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới kho lưu trữ dịch vụ khổng lồ mà Apple cung cấp cho dòng máy này. Trên thực tế, nhiều người sử dụng, kể cả khi đã cầm iPhone trong tay, vẫn chẳng hiểu tại sao mình lại gắn bó với nền tảng này đến vậy dù cho những chiếc điện thoại thông minh khác có màn hình đẹp hơn, mỏng nhẹ hơn, tốc độ cao hơn… hay nhiều tính năng khác. Bên cạnh giá trị của nội dung số, không thể phủ nhận việc mỗi thiết bị của Apple đều là cánh cửa rất hấp dẫn dụ dỗ người sử dụng vào thế giới do hãng này tạo ra. Song song với chất lượng màn hình, cảm ứng, thiết kế tốt, những tính năng chỉ có mặt khi kết hợp các thiết bị của Apple cũng là điểm quan trọng để người sử dụng đi từ sản phẩm này sang sản phẩm khác với cùng một logo thay vì có lựa chọn khác. Có thể thấy rõ điều này khi sử dụng iPhone trên Mac so với khi sử dụng iPhone trên máy tính cá nhân. Bên cạnh đó, khả năng quản lý dữ liệu đơn giản chỉ bằng việc cắm iPhone vào máy tính rồi đồng bộ hóa toàn bộ e-mail Mobile Me, lịch làm việc, ứng dụng, nhạc, phim… mà không cần phải sao chép hay sử dụng ứng dụng hỗ trợ phức tạp như trên nhiều nền tảng di động khác cũng là ưu thế lớn mà Apple thiết lập được. Điều này góp phần không nhỏ giúp iPhone đứng vững kể cả khi những đối thủ khác tung ra nhiều mẫu máy với phần cứng hay giá cả hấp dẫn hơn nhiều. Trên thực tế màn hình dù to hơn chút ít hay bộ vi xử lý có nhanh hơn cũng không thể bù đắp lại được việc mất mát kho dữ liệu số mà người sử dụng đã tích cóp nhiều năm trời cũng như những thói quen sử dụng – vốn rất dễ dàng. Hãy làm một phép tính đơn giản: Với khoảng 1.000 bài hát (trung bình 1 đô-la Mỹ/bài) và 100 ứng dụng App Store (trung bình dưới 5 đô-la/ứng dụng) – chưa kể sách, phim, chương trình truyền hình… – người sử dụng đã đầu tư một số tiền khá lớn vào chiếc điện thoại của mình chứ không chỉ vài trăm đô-la cho bản thân chiếc máy. Tổng giá trị “đầu tư” nếu được tính toán cụ thể từ khi mua iPhone cho đến khi hài lòng với các nội dung số đi kèm có thể gây sốc và đây chính là mấu chốt khiến cho việc chuyển đổi không còn chút thú vị nào. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận việc iPhone thực sự là một mẫu điện thoại nổi trội với những tính năng tuyệt vời mà người sử dụng chưa từng có trước đó. Điều này càng khiến cho họ tự tin nâng khoản đầu tư của mình vào các nội dung đa phương tiện – nghĩa là cũng thắt chặt hơn nữa mối ràng buộc nền tảng này. Đây cũng là lý do giúp Apple sẽ có thị phần lớn trong thị trường sách điện tử vài năm tới. Nhiều tác giả hẳn cũng sẽ cố gắng phát hành tác phẩm của mình trên e-book song song với việc phát hành chúng theo kiểu truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình một nhà sản xuất sử dụng thiết bị số có sức hút lớn để thu hút người sử dụng đầu tư vào các nội dung để sử dụng trên đó không phải là chuyện lạ. Khoản đầu tư này càng lớn, việc chuyển đổi nền tảng sẽ càng gây “tổn thất” hơn. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn đã chi vài ngàn đô-la cho vài trăm ứng dụng trên App Store của iPhone, hẳn bạn sẽ không muốn chuyển qua dùng máy Android hay Windows Phone 7. Trên thực tế, mô hình này cũng đang được các nhà sản xuất khác bắt chước, chỉ có điều là hiệu quả đạt được lại không như mong đợi. Một trong những “tiền bối” rất thành công của chiến lược này chính là Microsoft. Bản thân MS DOS và Windows chưa bao giờ được coi là hệ điều hành tối ưu nhưng chúng rõ ràng được cộng đồng đón nhận rộng rãi và thống trị thế giới máy tính để bàn trong hàng chục năm qua. Song song với đó là vô số các ứng dụng mà bản thân chúng cũng đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì vị thế của hệ điều hành. Nếu bạn muốn dùng Microsoft Office hay Adobe Photoshop một cách tử tế, bạn không thể sử dụng Linux. Bên cạnh đó, với việc nền tảng game của Apple được ra mắt trong năm nay, Apple sẽ càng có lợi thế trong việc giữ chân người sử dụng. Nếu là một game thủ và chơi các trò chơi trên iPhone, bạn sẽ không dễ dàng chuyển được các save game hay thành quả của mình qua được các nền tảng khác dù cho một tựa game có thể xuất hiện trên iPhone, PSP hay DS Lite cùng một lúc. Có thể thấy, động thái này sẽ lại đặt thêm một lớp khóa mới nhằm giữ chặt người sử dụng trong cái gọi là “ngôi nhà táo”.
(Theo Nguyễn Thúc Hoàng Linh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com