Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên ở Việt Nam có thêm một doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ viễn thông, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn. Đây cũng là bước đi đột phá mở đường cho giai đoạn phát triển đầy năng động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội và của Công ty Viễn thông Viettel khi đó.
Năm 2003, Viettel đã lắp đặt tổng đài đưa dịch vụ điện thoại cố định vào kinh doanh. Với triết lý xã hội hóa dịch vụ viễn thông, Viettel đã phổ cập điện thoại cố định đến 64/64 tỉnh, thành phố, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Xác định dịch vụ di động sẽ là dịch vụ cơ bản của một nền kinh tế đang phát triển, Viettel tập trung mọi nguồn lực để xây dựng mạng lưới và khai trương vào ngày 15-10-2004, với thương hiệu 098. Đây là sự kiện được dự báo sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trên thị trường thông tin di động Việt Nam. Vào thời điểm đó, thương hiệu Viettel đã khiến hàng triệu người chú ý, bởi lần đầu tiên dịch vụ viễn thông được giảm giá, thị trường viễn thông bước vào cuộc cạnh tranh lành mạnh... Đến nay, Viettel luôn được đánh giá là mạng di động có tốc độ phát triển thuê bao và mạng lưới nhanh nhất với những quyết sách, chiến lược kinh doanh táo bạo. Năm 2005, Viettel được Chính phủ cho phép thành lập Tổng Công ty Viễn thông Quân đội vào dịp tròn một năm sau khi khai trương mạng 098. Thời điểm này, Viettel đã hoàn thành trạm phát sóng thứ 1.300 và chào mừng khách hàng thứ một triệu, doanh thu đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2004...
Trước xu hướng hội nhập, năm 2007, Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) được thành lập kinh doanh đa dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: internet, điện thoại cố định và di động. Mục tiêu phát triển của Viettel trong giai đoạn mới là trở thành nhà cung cấp viễn thông số 1 tại Việt Nam và có tên tuổi trên thế giới. Sau một năm, Viettel Telecom đã có được vùng phủ sóng lớn nhất, với 98% dân số và 20 triệu khách hàng. Năm 2007, lần đầu tiên Viettel trở thành DN viễn thông Việt Nam lọt vào top 20 mạng di động phát triển nhanh nhất thế giới (tốc độ tăng trưởng lớn nhất với mức tăng trưởng năm sau cao gấp 2,5 lần năm trước) và đạt vị trí 62/100 nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất thế giới theo đánh giá của tổ chức Wireless Intelligence. Năm 2008, năm được đánh giá là thành công vượt ngưỡng biên giới quốc gia với việc: chào đón khách hàng thứ 28 triệu trên toàn hệ thống, chiếm 40% thị phần; khẳng định tên tuổi của mình trên bản đồ viễn thông thế giới, với một loạt giải thưởng: xếp hạng thứ 83 trong số 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới, là 1 trong 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất ở các quốc gia đang phát triển. Tiếp đó, năm 2009, Viettel được nhận giải thưởng "Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thị trường mới nổi khu vực châu Á - Thái Bình Dương", được Tổ chức Wireless Intelligence xếp hạng đứng thứ 31 trong gần 800 mạng viễn thông trên thế giới về thuê bao di động. Cũng trong năm 2009, Viettel được Thủ tướng Chính phủ cho phép trở thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Trong bối cảnh nền
kinh tế thế giới vẫn còn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái, Viettel tiếp tục duy trì tăng trưởng cao, đạt mức 81% (tăng trưởng toàn ngành gần 61%); doanh thu đạt 60,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 42% doanh thu của ngành). Trong năm 2010, Viettel đã khai trương mạng 3G tại 63 tỉnh, thành phố với vùng phủ sóng về đến tất cả các trung tâm huyện.
Để đạt được mục tiêu trở thành nhà cung cấp các dịch vụ viễn thông tốt nhất, năm 2010, Viettel tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng viễn thông trong nước. Viettel cũng tiếp tục hoàn thành quang hóa đến xã, xây dựng mỗi xã một trạm thu phát sóng, đưa điện thoại Homephone về các hộ gia đình, bảo đảm các nhiệm vụ cho an ninh - quốc phòng như phủ sóng toàn bộ quần đảo Trường Sa và khu vực biển Đông, triển khai cáp quang vùng biên giới...