Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Loay hoay tìm lối đi

Ngày 1/7/2009, Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ hết hiệu lực. Như vậy là chỉ còn khoảng 9 tháng nữa để cho các DNNN hiện tại hoàn tất chuyển đổi hình thức hoạt động để phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Thế nhưng các doanh nghiệp vẫn tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp.

Doanh nghiệp than “tắc”!

Khảo sát ý kiến của nhiều doanh nghiệp nhà nước, đa số đều cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra khá mơ hồ và cảm thấy “bất lực” trước bế tắc ở nhiều khâu, họ không biết nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo bày tỏ: “Thực sự là rất khó để phân bua với xã hội rằng, đâu là trách nhiệm xã hội của DNNN và của các doanh nghiệp khác. Khái niệm về DNNN không còn mới nữa, nhưng đến giờ tại sao chúng ta vẫn chưa đưa ra được một cách làm tối ưu?”.

Hiện nay chưa có khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối
Phân tích những khó khăn, ông Bảo băn khoăn: phải chăng là do khung pháp lý chưa rõ ràng? “Dường như chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc thay đổi tên gọi từ DNNN thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần thôi. Nếu cứ tiếp tục hô hào, kêu gọi tái cấu trúc theo kiểu phong trào thì tôi e rằng chất lượng sẽ không cao”. Theo ông Bảo, tự thân các doanh nghiệp cũng đang phải luôn đổi mới phương thức kinh doanh để đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Ngay cả bản thân Petrolimex, ông Bảo cho biết, trong quá trình tổ chức lại tổng công ty này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế tiền lương, thu hút nguồn nhân lực… Hay như trường hợp của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt. Mặc dù tại thời điểm cổ phần hóa đã được xác định các khoản cần bán, cần thu. Thế nhưng sau hơn một năm cổ phần hóa, do thiếu nhất quán trong cơ chế nên Nhà nước vẫn tiếp tục cắt thêm một khoản lớn, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Thành (Trưởng ban chiến lược SCIC) cho biết, trên thực tế, đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận doanh nghiệp cũng như hoạt động bán vốn.
 
Theo ông Thành, nguyên nhân của những khó khăn trên chính là việc đơn vị này phải tiếp nhận quá nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Bà Lê Thị Hoa (Ủy viên HĐQT Vietcombank) nhấn mạnh đến những bất cập của các doanh nghiệp “hậu cổ phần hóa”.  “Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn nằm trong tình trạng “bình thì mới nhưng rượu thì cũ”. Nghĩa là ít có sự thay đổi về cơ cấu và cơ chế quản lý, năng lực điều hành…và tất nhiên là hiệu quả kinh doanh cũng không được cải thiện. Vẫn có tới gần 10% doanh nghiệp hậu cổ phần hóa tiếp tục nằm trong tình trạng thua lỗ”. Theo bà Hoa, nguyên nhân một phần là do tại một số DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối nhưng vẫn giữ tới trên 51%. Vì vậy sau khi cổ phần hóa Nhà nước vẫn nắm giữ quyền quản lý doanh nghiệp và những vết xe cũ vẫn tiếp tục được lặp lại, cổ phần hóa DNNN chỉ có ý nghĩa thay đổi một phần sở hữu vốn mà chưa tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ về chất trong quản trị, điều hành. “Hiện nay chưa có khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Điều này gây lúng túng cho không chỉ các doanh nghiệp được cổ phần hóa mà cả các cơ quan quản lý”.

TS Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng thừa nhận chính việc tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước hiện nay đã dẫn đến tình trạng “lấn sân” chéo do cơ quan quản lý Nhà nước này lại cùng tham gia chức năng chủ sở hữu của doanh nghiệp thuộc cơ quan khác. Chính điều này đã dẫn đến quản lý Nhà nước đối với DNNN bị “méo mó”, phân biệt và không thống nhất với doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài.

Cần những bước chuyển mình

Để cho việc tái cấu trúc được hiệu quả, bà Lê Thị Hoa cho rằng, các DNNN cần phải tiếp tục được soát xét, sàng lọc, sắp xếp lại. Các doanh nghiệp làm ăn yếu kém, không hiệu quả cần kiên quyết loại bỏ. Các công ty còn lại cần tiếp tục chuyển đổi hình thức sở hữu nhằm tạo ra sự thay đổi về mặt cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu suất kinh doanh và hiệu quả hoạt động nói chung. Nói cách khác là cần tiếp tục cổ phần hóa các DNNN.

Tuy nhiên bà Hoa cũng lưu ý, không nhất thiết phải cổ phần hóa bằng mọi cách mà cần phải chú trọng đẩy nhanh tiến độ đi kèm với đảm bảo chất lượng. “Trước hết là cần kịp thời bổ sung, hướng dẫn về một số nội dung trong quy định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần. Thứ hai là cần sớm xác định khung khổ pháp lý đối với các công ty cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối.” Thậm chí, bà Hoa còn khuyến nghị: “Theo tôi nghĩ là nên thay đổi nhận thức không còn tồn tại DNNN nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước nên hạn chế đến mức thấp nhất việc can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào quá trình quản trị điều hành của doanh nghiệp”.

Đối với những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất hết vốn nhà nước, nợ xấu ngân hàng nhiều năm không trả được, nhiều tài sản không xử lý được… theo ông Phạm Mạnh Thường (Phó TGĐ Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp) thì hình thức tái cơ cấu tốt nhất là thông qua hoạt động mua bán nợ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam hiện có thể lên tới 50 - 60 ngàn tỷ đồng và vì các lý do lịch sử nên đại đa số các khoản nợ xấu này lại nằm trong các ngân hàng thương mại nhà nước với con nợ chủ yếu là các DNNN. Điều này có nghĩa là, nếu không có cơ chế xử lý nợ xấu không thể cổ phần hóa được các doanh nghiệp này. Đặc biệt, trong số khoảng 1.500 DNNN còn lại phải cổ phần hóa từ nay đến trước 1/7/2010, sẽ có nhiều tổng công ty không cổ phần hóa được toàn tổng do các đơn vị thành viên không thể cổ phần hóa bởi những tồn tại về tài chính, điển hình như ở các tổng công ty hoạt động trong các ngành xây dựng công trình giao thông vận tải, đường thủy, chế biến thực phẩm…

Đến nay Công ty mua bán nợ của ông Thường đã tái cơ cấu thành công cho hơn 20 doanh nghiệp và hiện đang tiếp tục thực hiện cho hơn 50 doanh nghiệp khác. Trong đó khoảng một nửa là các DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa và nửa kia là các doanh nghiệp bị cổ phần hóa ép trước đây.

Tuy nhiên, ông Thường cho hay, hiện hành lang pháp lý cho hoạt động này còn rất thiếu và yếu. Vì vậy, theo ông rất cần có những quy định pháp lý đủ mạnh để các công ty mua bán nợ hoạt động một cách hiệu quả, kể cả việc ban hành một số nghị định của Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán nợ.

(Theo Ngọc Diệp // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Mùa Giáng sinh phẳng lặng
  • Không chỉ có Kindle
  • Doanh số bán lẻ tại Nhật giảm tháng thứ 13 liên tiếp
  • Trận chiến của những người khổng lồ
  • Quần áo thể thao từ... rác
  • Đằng sau vụ phá sản của CIT Group (Mỹ)
  • Treo đầu dê, bán thịt chó
  • Mua hàng trực tuyến 'hút khách' vì khuyến mại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com