Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những giải pháp tạm thời

Công nhân trong nhà máy của Công ty Dệt may Thành Công. Ảnh: LÊ TOÀN.

Không ngần ngại gạt bỏ những dự án đầu tư mới, mở rộng nhà xưởng, xúc tiến thương mại tìm khách hàng ở nước ngoài… trong bản kế hoạch kinh doanh năm 2011 của công ty, giám đốc một doanh nghiệp ngành may nói:“Chúng tôi sẽ tiếp tục mất đi nhiều cơ hội phát triển, nếu lãi suất trong năm 2011 vẫn cao như hiện nay”.

Cùng tâm trạng với vị giám đốc nói trên, chưa bao giờ việc lập kế hoạch kinh doanh trong năm mới của các doanh nghiệp mang nhiều nỗi âu lo như hiện tại. Tìm vốn kinh doanh ở đâu trong năm 2011 đang là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp.

Tự cứu mình…

Nhiều doanh nghiệp đang làm hết mọi cách có thể để quay vòng nhanh được đồng vốn và hy vọng lãi suất trong năm 2011 sẽ giảm.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, với mức lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã dừng các dự án đầu tư mở rộng trong năm 2011. Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành may, lao động của ngành này cũng đang lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp dù muốn mở rộng cũng khó có khả năng tuyển được lao động.

Giải quyết những khó khăn về vốn trong năm 2011, vào thời điểm hiện tại, May Sài Gòn 3 đã chủ động đàm phán với các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu. Theo đó, toàn bộ nguyên phụ liệu nhập khẩu của công ty được đối tác cho phép trả chậm. Số tiền trả sẽ được tính vào lượng thành phẩm xuất khẩu của công ty mỗi tháng.

“Việc đàm phán kéo dài thời gian trả chi phí nguyên phụ liệu sẽ giúp công ty đỡ áp lực về vốn trong năm 2011. Bù lại, đối với những đơn hàng lớn, công ty sẽ giảm giá thành phẩm cho những nhà nhập khẩu, với mức giảm từ 3-5%”, ông Hồng cho biết với giải pháp này, doanh nghiệp không phải trả lãi mà còn có thể “cột” khách hàng gắn kết với công ty lâu dài hơn.

Tận dụng hiệu quả nguồn vốn, tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động cũng là cách để doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Nước giải khát Tân Quang Minh (Bidrico), tùy vào đặc điểm doanh nghiệp, thị trường, khả năng cạnh tranh mà doanh nghiệp sẽ có những phương cách khác nhau. “Mặt hàng nào bán chạy nhất của công ty, chúng tôi yêu cầu khách hàng trả tiền trước. Vì họ cần hàng bán, họ trả tiền liền, đồng vốn của công ty cũng quay vòng nhanh hơn”, ông Hiến nói.

Ngược lại, những mặt hàng bán chậm, có thể cho khách hàng thời gian thanh toán lâu hơn. Doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng chiến thuật giá theo thị trường. Đặc biệt, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm có thể tối đa hóa lợi nhuận, tích lũy nguồn vốn trong những tháng làm hàng Tết. Đẩy mạnh bán hàng, giảm lượng hàng tồn kho cũng là cách quay vòng vốn hiệu quả, tránh phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Cũng tích cực đàm phán với các đối tác để kéo dài thời gian thanh toán nguyên vật liệu là cách làm của Công ty cổ phần Kiếng Đình Quốc (DQ Corp). Bên cạnh đó, theo ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị DQ Corp, công ty đang kêu gọi các cổ đông tham gia góp vốn tự có cho việc kinh doanh năm 2011 nhằm giảm bớt áp lực từ vốn vay ngân hàng.

Đây cũng là thời điểm mà doanh nghiệp trong cùng ngành nghề đẩy mạnh liên kết cùng nhau chia sẻ đơn hàng, ứng vốn trước cho nhau để thực hiện những đơn hàng lớn. Phân công lao động, mỗi doanh nghiệp thực hiện một công đoạn trong chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tối ưu hóa giá trị sản phẩm cũng đang được các doanh nghiệp thực hiện.

Giám đốc một công ty gỗ cho biết, ông vừa chia sẻ một đơn hàng lớn xuất khẩu bàn ghế nội thất cho các doanh nghiệp trong ngành. Thời gian trước, công ty của ông thực hiện mọi công đoạn để tạo ra thành phẩm xuất khẩu. Với đơn hàng này, công ty có thế mạnh về gỗ, nên chỉ thực hiện khung ghế, bàn, những công đoạn liên quan đến nguyên vật liệu khác như nệm mút, sắt… đã được chia lại cho một doanh nghiệp khác trong ngành.

Tìm vốn ở đâu?

Đối với ngành xuất khẩu gỗ, nhiều doanh nghiệp đang phải chạy vạy tìm nguồn vốn để nhập khẩu nguyên liệu gỗ mà nhiều nguồn tin dự báo giá sẽ tăng trong năm 2011. “Đây là thời điểm doanh nghiệp phải mua dự trữ gỗ nguyên liệu. Nhưng mức lãi suất cao như hiện tại đã làm cho doanh nghiệp điêu đứng”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu gỗ Minh Phương, âu lo. Thêm vào đó, việc đàm phán tăng giá bán với những nhà nhập khẩu vẫn đang bế tắc vì khủng hoảng nợ ở châu Âu và kinh tế Mỹ phục hồi chậm.

Để có vốn lưu động, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến dịch vụ cho thuê tài chính. Với giải pháp này, các doanh nghiệp khi thuê tài chính cũng không bị vướng thủ tục thế chấp tài sản như khi phải vay vốn ở các ngân hàng. Doanh nghiệp không cần ký quỹ đảm bảo hay tài sản thế chấp mà còn có thể được tài trợ đến 100% vốn đầu tư.

Lãi suất hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Một số doanh nghiệp đã lỡ ứng trước vốn đầu tư để trang bị thêm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất vẫn có thể bán lại cho công ty cho thuê tài chính và sau đó công ty sẽ cho doanh nghiệp thuê lại. Doanh nghiệp vừa có vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn được sử dụng tài sản. Kết thúc thời hạn thuê, doanh nghiệp được quyền ưu tiên mua lại tài sản với giá trị danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm mua lại.

Giải pháp này chỉ “chữa cháy” cho nguồn vốn thiếu hụt tạm thời. “Lãi suất cho thuê tài chính thấp hơn lãi suất ngân hàng chút ít, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ở mức cao so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều rủi ro”, ông Hạnh phân tích.

Một kênh dẫn vốn khác cho các doanh nghiệp, theo ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng gia dụng quốc tế ICP, là các quỹ đầu tư. Tùy vào đặc thù của từng doanh nghiệp, với kế hoạch kinh doanh tốt, ngành hàng có khả năng phát triển trong tương lai, doanh nghiệp hoàn toàn có thể hướng đến các quỹ đầu tư kêu gọi góp vốn.

Dù làm mọi cách để giải quyết bài toán vốn trong năm 2011, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, “tất cả chỉ là giải pháp tạm thời”. Điều họ kỳ vọng là lãi suất phải giảm sau Tết Nguyên đán, khi lạm phát được kiểm soát và nhu cầu vốn của thị trường sau quí 1-2011 giảm. Nếu lãi suất vẫn ở mức cao, khả năng doanh nghiệp bị phá sản không còn là dự báo vì thực tế nhiều doanh nghiệp đã ngưng sản xuất, chiếm dụng vốn của đối tác, nợ xấu cũng tăng cao.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Dự báo lãi suất sẽ giảm còn 12%/năm trong quí 1-2011

Những tín hiệu của thị trường cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ ổn định trong năm 2011. Dù còn khó khăn ít nhiều, nhưng trong năm 2011, dự báo kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi trở lại. Dòng vốn quốc tế trên thị trường sẽ được luân chuyển dễ dàng và sôi động hơn. Dự báo lượng vốn FDI trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 16% trong năm 2011, vốn FDI của Việt Nam cũng có thể đạt được mức tăng này.

Vốn FDI vào Việt Nam trong ba tháng gần đây tiếp tục tăng cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Mặc dù lạm phát hiện tại tương đối cao nhưng lạm phát cơ bản (lạm phát do chính sách tiền tệ gây ra) còn thấp nên không quá lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô. Nếu giá xăng dầu trong nước ổn định quanh mức 85-90 đô la Mỹ/thùng thì lạm phát có thể giảm xuống mức 7-8% trong năm 2011. Đây là cơ hội để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất và tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng.

Nếu doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng với mức lãi suất chấp nhận được và kinh doanh hiệu quả thì sẽ thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Hoạt động ngân hàng cũng sẽ trở nên sôi động và an toàn hơn. Lãi suất tiền đồng hiện nay đã đạt đỉnh và dự báo lãi suất huy động giảm xuống mức 12%/năm trong quí 1-2011 và khoảng 10%/năm quí 3-2011. Khi đó lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng sẽ giảm còn khoảng 13-14%/năm. Những diễn biến nói trên sẽ tạo đà phát triển tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2011.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Năm 2011: Mặt bằng bán lẻ sẽ sôi động
  • Airbus tiếp tục dẫn đầu về doanh số
  • Facebook & Google: Ai hơn ai?
  • Xu hướng “lên mạng” của các nhà bán lẻ
  • Gia sư trên mạng
  • Apple công bố doanh thu 'khủng'
  • Xúc tiến đầu tư: Tốn sức, chưa hiệu quả
  • Cơ hội kinh doanh mùa Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com