Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhường sân cho hàng ngoại

Ngay đầu năm 2011 doanh nghiệp đã đối mặt với chuyện không vui: lãi suất vay vốn vọt lên 20%/năm. Vay 1 tỉ đồng sau một năm trả lãi 200 triệu đồng. Kinh doanh gì để huề vốn đã là một bài toán khó, nói gì đến kinh doanh có lãi. Lãi suất vay vốn không chỉ mới tăng từ sau tết mà đã gây khó cho doanh nghiệp từ những tháng cuối năm 2010, đặc biệt tăng mạnh thời gian gần đây.

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng khát khao mở rộng quy mô sản xuất, nhưng nghịch lý là ngày càng có nhiều doanh nghiệp thay vì đầu tư mở rộng thì lại đem vốn gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Ngoài lãi suất 14%/năm như quy định, ngân hàng còn rất nhiều ưu đãi khác cho những doanh nghiệp có nguồn tiền gửi với số lượng lớn. Ngược lại, có nhiều doanh nghiệp để duy trì hoạt động phải tìm mọi cách vay vốn ngân hàng với lãi suất vượt 20%/năm.

Mặt bằng lãi suất có lợi cho người gửi nhưng bất lợi cho người vay này đang đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nước ngoài ngay trên chính sân nhà. Rất nhiều doanh nghiệp được hỏi đều nói ráng “gồng” để chờ thời cơ mới hoặc để nuôi lao động chứ làm ăn gì được khi lãi suất ngân hàng đã “nuốt chửng” hết lợi nhuận. Trong khi đó hiện nay hệ thống ngân hàng vẫn lúng túng không biết làm sao để giảm lãi suất.

Để ý trong ba năm gần đây cứ đến quý 4 và đầu quý 1 là hàng hóa nước ngoài lại ồ ạt vào Việt Nam để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Lượng hàng này chủ yếu được các công ty thương mại nhập vào để tiêu thụ trong nước. Vì sao doanh nghiệp không sản xuất mà phải nhập hàng nước ngoài? Lý do là vì lãi suất cao, nếu vay vốn thì hàng hóa sản xuất không thể nào cạnh tranh được với hàng ngoại. Mặt khác, những năm gần đây các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vào thời điểm cuối năm vì thời điểm này ngân hàng thường ngưng cho vay vì đã đạt chỉ tiêu tăng tín dụng hoặc để ổn định thanh khoản.

Như vậy vô hình trung doanh nghiệp VN trở nên yếu thế trên chính sân nhà. Mà trên sân nhà đã không cạnh tranh được thì nói gì đến chuyện vươn ra thị trường thế giới. Nhìn xa hơn, doanh nghiệp tạm dừng đầu tư, sản xuất thì công ăn việc làm của nhiều người lao động sẽ đi về đâu và còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác. Việc kêu gọi người dân ý thức dùng hàng Việt là đúng, nhưng liệu với giá cả hàng Việt cao hơn hẳn (do phải vay vốn với lãi suất cao) thì người tiêu dùng có chấp nhận dùng hàng Việt hay không. Khảo sát nhiều vùng nông thôn toàn thấy hàng Trung Quốc vì giá rẻ hơn hẳn so với hàng Việt.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà mấu chốt để giải đáp đang nằm ở việc điều hành chính sách tiền tệ. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải có những biện pháp kéo mạnh lãi suất xuống, trong đó không thể thiếu giải pháp tiếp thêm vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng nên điều tiết linh hoạt sao cho việc bơm tiền không những không tạo ra lạm phát mà còn thu hút được nguồn tiền, vàng, ngoại tệ hiện đang nằm ngoài hệ thống ngân hàng.

Song song với những giải pháp mang tính kinh tế, cũng cần thông báo rõ chủ trương của cơ quan điều hành về lộ trình giảm lãi suất sắp tới. Khi đó người gửi tiền sẽ không chờ đợi lãi suất cao hơn như hiện nay và doanh nghiệp cũng mạnh dạn tính toán làm ăn. Có thể nói rằng trong ba năm qua nhiều doanh nghiệp đã gồng gánh hết sức để duy trì hoạt động. Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ cũng kêu gọi các doanh nghiệp thành viên duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên sức chịu đựng của doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có hạn. Hiện các doanh nghiệp đang co cụm, nếu không có sự hỗ trợ mạnh và đúng thời điểm thì quá trình “gượng dậy” sau này sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

ÁNH HỒNG ghi

VÕ QUỐC THẮNG
(chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam)

(Tuổi trẻ)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Hợp tác công - tư, chiếc đũa thần?
  • Viettel đầu tư ra nước ngoài: “Kỹ thuật đi trước”
  • Làm giàu từ 0 đồng
  • 30 triệu đồng kinh doanh sản phẩm gì?
  • Những con số đáng nhớ về Internet 2010
  • Những cú lội ngược dòng của nhà mạng
  • Doanh nghiệp “tự bơi” với tỷ giá
  • Viễn cảnh Apple tăm tối ra sao, nếu Steve Jobs nghỉ hẳn?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com