Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sáng tạo và cùng liên kết

Giới thiệu sản phẩm tại một số siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Mai Trần.

Đổi mới trong tư duy, chắt chiu từng cơ hội của thị trường, liên kết hỗ trợ nhau để đưa ra những sản phẩm mới phù hợp nhu cầu của khách hàng là cách làm của nhiều doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn đồng thời giúp doanh nghiệp vươn lên dành phân khúc thị trường mới.

Nỗ lực sáng tạo

Tại tỉnh Bình Thuận, nông dân thường dùng bóng đèn tròn để thắp sáng ruộng thanh long mùa nghịch. Hơn 95% bóng đèn ở những ruộng thanh long này đều là bóng đèn sợi đốt, công suất 75W. Tuổi thọ của loại bóng đèn này không những ngắn mà tỷ lệ bóng hư hỏng lên đến 10%. Nhìn thấy cơ hội từ thị trường, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã đưa ra bóng đèn compact thay thế bóng đèn tròn.

“Từ những dữ liệu thu thập và điều tra thực tế tại Bình Thuận, Long An, những địa phương trồng nhiều thanh long, chúng tôi đã đưa ra sản phẩm bóng đèn thay thế cho bóng đèn sợi đốt”, ông Trần Quốc Toản, Phó tổng giám đốc Công ty Điện Quang, cho biết.

Sản phẩm bóng đèn thay thế phải có ánh sáng vàng, dùng được ở những nơi có độ ẩm cao, chống được ẩm ướt khi nông dân tưới thanh long, tiết kiệm điện năng và có độ bền cao. Việc đề ra những “tiêu chuẩn” cụ thể này đã giúp Điện Quang sớm đưa ra sản phẩm mới. Công ty đã phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tiến hành nhiều thử nghiệm đèn compact thay thế bóng đèn tròn dùng trong nông nghiệp.

“Thai nghén” một sản phẩm mới không phải là điều dễ dàng, nhưng để người tiêu dùng chấp nhận sử dụng đại trà và tin tưởng sản phẩm bóng đèn thay thế, Điện Quang đã phải nỗ lực trong việc quảng bá và phân phối sản phẩm.

Theo ông Toản, một sản phẩm mới có chất lượng, giá rẻ sẽ không thành công, nếu người tiêu dùng không thể tìm mua. Sản phẩm mới của công ty đã được “phủ” đến hàng chục ngàn cửa hàng điện gia dụng trên cả nước. Công ty cũng tổ chức phân phối trực tiếp sản phẩm cho nông dân với giá cấp 1 (giá đại lý) thông qua các tổ chức, hội nông dân.

Để người tiêu dùng làm quen với sản phẩm mới, công ty đã tổ chức giới thiệu sản phẩm ở Bình Thuận, Đà Lạt về những tính năng cũng như lợi ích của sản phẩm, tặng bóng đèn cho nông dân dùng thử, tổ chức những hội thảo về việc ứng dụng bóng đèn compact trong nông nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có những cách làm riêng, nhưng yếu tố sáng tạo trong quá trình tiếp thị sản phẩm vẫn luôn được nhiều doanh nghiệp chú trọng.

Công ty cổ phần Bột thực phẩm Tài Ký đã áp dụng khá nhuần nhuyễn yếu tố ẩm thực đi liền với văn hóa để quảng bá cho sản phẩm. Bà Bùi Thị Thúy Loan, Giám đốc Công ty Tài Ký, cho rằng văn hóa ẩm thực là một nét riêng của mỗi dân tộc. Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ, nghi lễ, vẫn tồn tại phong cách ẩm thực bình dân. Đó là những món ăn dân dã đã có từ xưa như bánh xèo, bánh cuốn, bánh canh, bánh bèo... Dựa vào yếu tố này, Công ty Tài Ký đã đưa ra thị trường những loại bột để làm những món ăn dân dã, giúp người tiêu dùng không phải làm những công việc vất vả khi làm bánh như ngâm gạo, xay bột như trước đây.

Giúp nhau vượt khó...

Việc quảng bá sản phẩm ra thị trường cũng cần những cách làm mới, thực tế nhiều doanh nghiệp đã làm tốt điều này. Không những nỗ lực sáng tạo để đưa ra những sản phẩm mới, nhiều doanh nghiệp còn vượt khó bằng cách liên kết, hỗ trợ nhau trong việc giới thiệu sản phẩm.

Tại những chương trình dùng thử sản phẩm ở các siêu thị, doanh nghiệp đã làm cho người tiêu dùng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác thông qua những cách “tiếp thị trực quan” khá sáng tạo và mới mẻ. Chẳng hạn, Công ty Bột Tài Ký, Bếp ga Namilux, Nhôm Kim Hằng và Gốm sứ Minh Long đã phối hợp với nhau trong chương trình đổ bánh khọt ở các siêu thị. Bánh được làm từ bột của Tài Ký, đổ bằng khuôn của Kim Hằng, dùng bếp ga của Namilux và trình bày lên đĩa của Minh Long.

Không biết những chiếc bánh khọt được “gột” lên từ bốn thương hiệu này có hấp dẫn người tiêu dùng hay không, nhưng chính sự liên kết này đã đi vào tâm tưởng người tiêu dùng, khi họ chứng kiến cuộc trình diễn sản phẩm mới lạ trên.

Trong thời gian qua, không còn những chuyến đi bán hàng ở nông thôn của từng công ty mà nhiều doanh nghiệp đã cùng tham gia những chuyến bán hàng về các tỉnh. Doanh nghiệp cùng hỗ trợ chi phí, cùng tiếp cận một đại lý để đưa nhiều mặt hàng vào phân phối. Việc liên kết không còn là khẩu hiệu suông mà đã được các doanh nghiệp vận dụng cụ thể trong thực tế kinh doanh.

Thậm chí một số doanh nghiệp địa phương, những doanh nghiệp thâm nhập thị trường nông thôn trước cũng sẵn sàng giới thiệu những đại lý tốt cho những doanh nghiệp mới tham gia. Câu chuyện ông chủ doanh nghiệp Bột Vĩnh Thuận chủ động “dắt tay” từng doanh nghiệp đi giới thiệu với các đại lý uy tín ở thị trường nông thôn để đưa hàng vào phân phối được xem là một hình ảnh đẹp về tính liên kết trong thời gian qua.

Đại diện một doanh nghiệp nói vui rằng: “Nếu có câu chuyện 1.001 chuyện bán hàng về nông thôn, đây sẽ một câu chuyện hay trong cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nhãn hàng riêng của siêu thị: Cạnh tranh hay hợp tác?
  • Thị trường thông tin di động: Tăng vốn có phải là cứu cánh?
  • McDonald's và bài học về đầu tư mạo hiểm
  • Groupon học được gì từ Facebook?
  • Những nữ đại gia đã "đi qua" song sắt
  • Vocarimex: Gà nhà đá nhau
  • Barrick bắn một mũi tên trúng hai đích
  • Các thương vụ M&A “đình đám” trong những những tháng đầu năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com