Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thương hiệu "Made in China" méo mó vì scandal

Giờ đây, người tiêu dùng khắp nơi hễ nghe tới tin làm giả hoặc chất lượng thấp ở những sản phẩm như sữa, thuốc đánh răng, siro trị ho, thức ăn thú cảnh, thuốc chống đông máu, linh kiện ôtô, trứng, thịt lợn, mật ong, thịt gà, bánh bao, dầu ăn, gạo..., thì họ đều nghĩ ngay tới Trung Quốc.

Hàng loạt vụ bê bối sản phẩm, trong đó có vụ sữa bột nhiễm hóa chất độc hại làm 6 em nhỏ tử vong và hàng nghìn em khác bị ốm, đã làm người tiêu dùng sợ hãi, tránh xa sản phẩm làm từ Trung Quốc cho dù giá cả có rẻ đến mấy.

"Tôi thực sự cảm thấy tức giận khi xem tin tức trên truyền hình", Sally Villegas, một bà mẹ có hai đứa con tại Australia, nói về vụ sữa bẩn xảy ra hồi tháng 9 tại Trung Quốc. "Nếu tôi đi mua hàng và chọn phải sản phẩm làm từ Trung Quốc, lập tức tôi sẽ để lại", Sally nhấn mạnh.

Bê bối melamine là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vấn đề an toàn sản phẩm của Trung Quốc (trong đó có cả việc đồ chơi nhiễm chì và độc tố trong thuốc chống đông máu heparin làm từ Trung Quốc đã gây ra tử vong cho một số người tại Mỹ và Đức, và khiến các nước tiến hành chiến dịch thu hồi lớn vào đầu năm nay).

Sau mỗi vụ bê bối, Trung Quốc đều đưa ra phản ứng giống nhau: Chiến dịch ngăn chặn, tiêu hủy sản phẩm kém chất lượng, phạt tù một số quan chức... Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực và hô hào từ Chính phủ nước này, các scandal vẫn tiếp tục xảy ra.

"Tôi chắc chắn rằng, sẽ còn nhiều hơn nữa. Đó là điều gần như chắc chắn. Không chỉ ở những lĩnh vực chúng ta đã thấy, mà còn ở nhiều phương diện khác", Duncan Innes-Ker, một nhà phân tích tại Bắc Kinh cho biết.

"Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều vấn đề nảy sinh từ sự phát triển mạnh mẽ, nhưng xuất phát từ một nền kinh tế lạc hậu, không hề có chuẩn an toàn nào như kiểu phương Tây. Hơn một nửa dân số chi tiêu chưa tới 2 USD/ngày", ông nhấn mạnh.

“Tránh” sản phẩm Trung Quốc

Jin Biao, phó Chủ tịch Tập đoàn sữa Yili ở Nội Mông, một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc thừa nhận rằng, vấn đề melamine đã làm "tả tơi" danh tiếng hàng hóa Trung Quốc tại nước ngoài.

"Sữa nhiễm bẩn là vấn đề quản lý của chúng tôi. Đầu tiên, chúng tôi phải giải quyết nó mà không cố đổ lỗi cho nông dân, hay xã hội hoặc đất nước", ông nói.

Yili có tên trong số 22 công ty sản xuất sữa nhiễm hóa chất melamine. Vụ việc này đã khiến các nước trên khắp thế giới thu hồi sản phẩm sữa hoặc liên quan tới sữa nhập từ Trung Quốc.

Tháng trước, Mỹ đã đưa ra cảnh báo nhập khẩu với các mặt hàng thực phẩm làm từ Trung Quốc, kêu gọi ngăn chặn ngay ở biên giới cho tới khi các nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng đó không phải là sản phẩm sữa, hoặc sản phẩm không có melamine.

"Tôi nghĩ, đó là bằng chứng rõ ràng nói với Trung Quốc rằng, vấn đề chất lượng không chỉ gây tổn hại cho một ngành công nghiệp nào cụ thể", Bộ trưởng Y tế Mỹ Mike Leavitt nói trong một chuyến thăm Thượng Hải gần đây. "Nó sẽ phá hỏng toàn bộ thương hiệu Made in China".

Tuy nhiên, phát biểu của người đứng đầu cơ quan Y tế Mỹ đã khơi dậy sự tức giận từ Trung Quốc.

Sau bê bối melamine, các siêu thị ở Đài Loan đã chứng kiến lượng hàng hóa tiêu thụ tăng vọt nếu có mác rõ ràng là "made in Taiwan".

Theo Matthew Crabbe, Giám đốc hãng nghiên cứu Access Asia, vấn đề tương tự cũng xảy ra ở môt số nước có thu nhập thấp. Đó chính là chuyện kiểm soát chất lượng.

Thông tin thiếu minh bạch

Thách thức với Bắc Kinh trong việc cố gắng lấy lại danh tiếng cho thương hiệu hàng hóa Trung Quốc đó là minh bạch thông tin khi những chính quyền địa phương ở cách xa trung ương hàng trăm km cố tình bưng bít sự việc.

Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang - nơi có Tập đoàn Tam Lộc là trung tâm bê bối sữa bẩn, ban đầu đã che giấu thông tin vụ việc.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chuyện này dù sao cũng đang thay đổi.

Anthony Hazzard, cố vấn an toàn thực phẩm của WHO tại Manila cho hay, ông vui mừng vì Trung Quốc bắt đầu chia sẻ thông tin sau vụ melamine.

"Sự cởi mở và chia sẻ thông tin sẽ củng cố niềm tin", ông nói với báo giới tại Bắc Kinh. "Dĩ nhiên, trong lúc này, niềm tin còn méo mó, nhưng cách duy nhất để tái thiết niềm tin là xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng hiệu quả từ các trang trại cho tới bàn giấy".


(Theo Báo Bình Dương)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com