Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tam thập lục kê: 13-24

TAM THẬP LỤC KẾ: 13 -25

13. Khích tướng kế (Kế chọc giận tướng giặc)
"Khích tướng kế" là kế chọc giận tướng giặc, làm tướng giặc nổi giận. Nổi giận sẽ mất sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được con người mình.
Mạnh Tử nói: "Nhất nộ nhi an thiên hạ".
Trong đời có nhiều sự việc được thành tựu bằng một cơn giận và cũng có nhiều việc thất bại bởi một cơn giận.
Bởi vậy cái kế khích tướng cũng là một trong những diệu kế, nếu đạt ra thì kiến thiên hạ, cùng thì mang họa vào thân.
Khích tướng còn là khơi dậy cái hùng khí của người khác để người ấy làm việc cho ta.
Đối tượng tốt nhất của kế khích tướng là những người có tính tình bạo tháo hay sẵn sàng phẫn nộ.
Tuân Tử bảo rằng: “Lời nói khéo êm như lụa, lời nói ác nhọn như giáo mác”.
Thuyết là tiến dẫn lời nói, cái nghĩa căn bản của thuyết làm cho người ta nghe theo. Hiệu quả của thuyết rất lớn. Bởi thế mới có câu: "Thiên hạ tĩnh, nhất ngôn sử chi động. Thiên hạ động, nhất ngôn sử chi tĩnh". (Thiên hạ đang yên lặng, một lời nói làm náo loạn. Thiên hạ đang náo loạn, một lời nói làm lắng dịu).
Căn bản mưu thuật của thuyết, theo Tuân Tử có bốn điều: Cơ, dũng, trí, biến.
- Cơ: Là xem thời độ thế, nhân lợi thuận tiện.
- Dũng: Là quyết đoán nói những điều không ai dám nói.
- Trí: Là biết rõ sự tình, tâm lý, giải quyết được thắc mắc, chế phục được người.
- Biến: Là biến hóa, trong các trường hợp bất trắc.
Mục đích của thuyết có năm điều:
- Làm cho người hiểu rõ.
- Làm cho người tin tưởng.
- Làm cho người đồng tình.
- Làm cho người phục.
- Làm cho người theo.
Đạt được năm mục đích trên thì kể như nắm chắc phần thắng trong tay.



14. Man thiên quá hải (Lợi dụng sương mù để lẩn trốn)
Kế "Man thiên quá hải" là lợi dụng lúc trời sương mù mà lẩn trốn, vượt qua hay hành động ngay trong lúc sương mù.
Man thiên, trời u ám không phải hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi như một quẻ trong Dịch lý đã nói. Man thiên, không thể ngồi đợi nó tới như sương mù do thời tiết thiên nhiên, mà phải tạo ra nó.
Kế "Man thiên" đem áp dụng thực hiện được cả hai mặt: tiêu cực lẫn tích cực.
Tích cực là đem ánh sáng đến cho một tình thế mờ mịt.
Tiêu cực là lẩn tránh một tai họa, là lợi dụng cơ hội sơ hở của địch để thoát bí.
Ở trận Xích Bích, Khổng Minh đã giải quyết vấn đề thiếu tên bắn cho các cung thủ bằng cách lấy mười chiếc thuyền lớn chất đầy rơm, đợi lúc trời sương mù, âm thầm đến trại Tào Tháo nổi trống la hét làm như tấn công. Tào sợ ngụy kế, không dám xông ra, chỉ bắn tên như mưa vào các thuyền rơm. Bằng một đêm đánh trống reo hò, không chết một người, Khổng Minh đã lấy được của Tào Tháo cả trăm ngàn mũi tên.



15. Ám độ trần sương (Đi con đường mà không ai nghĩ đến)
Kế "Ám độ trần sương" là bí mật đưa quân qua con đường mà không ai nghĩ rằng ta sẽ đi qua.
Kế này áp dụng giữa lúc hai bên đang đấu tranh, chiến đấu với nhau.
Mỗi bên đều ra sức giấu mục tiêu thật của mình rồi đưa ra mục tiêu giả mà lừa đối phương.
Đây là công việc rất phức tạp, có một quá trình khúc triết. Như "Tôn Tử Binh Pháp" viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh. Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định.
Muốn dụng kế này phải là người có tầm nhìn xa hiểu rộng và một khối óc tuyệt vời.



16. Phản khách vi chủ (Đổi vị khách thành vị chủ)
Kế "Phản khách vi chủ" là đổi địa vị khách thành địa vị chủ.
"Phản khách vi chủ" là trong đấu tranh đang ở vào thế bị động nên phải tìm kế hoạch đến chủ động, khách vốn là địa vị bị chi phối, mọi việc đều do chủ đặt định sắp xếp.
"Phản khách vi chủ" là nguyên tắc thường dùng trong đấu tranh. Có chủ động mới khống chế được cục diện. Không có chủ động, không thể thắng lợi.



17. Kim thiền thoát xác (Ve sầu vàng lột xác)
"Kim thiền thoát xác” là con ve sầu vàng lột xác.
Kế này dùng cho lúc nguy cấp, tính chuyện ngụy trang một hình tượng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác.
Kế "Kim thiền thoát xác" có một phạm vi rất rộng rãi và phổ biến, bất cứ ai ở hoàn cảnh nào cũng có thể sử dụng được.



18. Không thành kế (Kế bỏ trống cửa thành)
"Không thành kế" là kế bỏ thành trống, thành bỏ ngỏ.
Kế này có hai loại:
- Một là lúc tình thế cực khẩn cấp, nguy hiểm như treo trên sợi tóc, buộc phải dùng nghi binh để lừa dối đối phương mà dựa vào đó để trốn thoát.
- Hai là rút lui với đầy đủ kế hoạch dụ cho địch quân xâm nhập rồi mới bao vây tiêu diệt.
"Không thành kế" thực ra là một cách tạo nghi âm cho đối phương, mục đích là không cho đối phương sớm có một quyết định.



19. Cầm tặc cầm vương (Dẹp giặc phải bắt tướng giặc)
"Cầm tặc cầm vương" là dẹp giặc phải bắt chúa giặc.
Phương pháp bắt chúa giặc thật thiên biến vạn hóa, không cứ bằng sức mạnh hay bằng trí khôn. Các kế khác như "Điệu hổ ly sơn", "Mỹ nhân kế" hay "Man thiên quá hải" đều có thể dùng cho kế "Cầm tặc cầm vương". Để đối phó với một nhân vật anh hùng, thì dù một quả đạn mà giết hay dùng mỹ nhân kế mà nhử thì cũng như nhau.
Nhưng đa số âm mưu cầm vương được hiệu quả bằng kích thích anh hùng và mỹ nhân kế.
"Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc" là vậy.
Việt Vương thua trận rồi, mà chỉ dùng một nàng Tây Thi đã đủ giam cầm Phù Sai. Lý Viên muốn đoạt quyền của Xuân Thân Quân, nên đã cho cô em là Lý Yên sang làm tì thiếp. Đó là những cách gián tiếp để cầm vương.



20. Ban chư ngật hổ (Giả làm con heo để ăn thịt con hổ)
Kế "Ban chư ngật hổ" là giả làm con heo để ăn thịt con hổ.
Lão Tử nói: “Người cực khôn khéo mà làm ra vụng về”, cũng như câu "đại trí nhược ngu". Người đi săn thường học tiếng heo kêu rồi tự giả làm heo để nhử con hổ.
Đối với kẻ thù, ta hãy giả ngu như một con heo, trên bề mặt cái gì cũng thuận chịu, lúc nào cũng cười, lúc nào cũng cung kính để cho địch mất hết nghi âm. Chờ thời cơ chín, tìm thấy chỗ nhược của kẻ thù mà đập đòn sấm sét.
- Dùng việc không gì quan trọng bằng bí mật.
- Hành động không gì quan trọng bằng thừa lúc bất ý.
- Dò xét không gì quan trọng bằng làm cho địch không hay biết.
- Bên ngoài ra vẻ loạn mà bên trong rất có cơ ngũ.
- Tỏ ra đói mệt nhưng thật là no khỏe.
- Làm ra ngu xuẩn nhưng rất tinh tường.
Những câu trên đây chính là căn bản lý luận của kế "Ban chư ngật hổ" vậy.



21. Quá kiều trừu bản (Qua cầu rồi phá cầu)
"Quá kiều trừu bản" là qua cầu rồi thì phá cầu, ý nói một người sau khi đã thành công, muốn hưởng thụ một mình nên giết hại hoặc xa lánh những người bạn đã đồng lao cộng khổ với mình.
Kế "Quá kiều trừu bản" thường trái ngược với kế "Ban chư ngật hổ". Qua cầu cất nhịp là lúc đắc thời đắc thế đem thuộc hạ ra mà khai đạo. Còn giả tiếng heo là kế áp dụng giữa lúc ở vào thế kẹt.
Đứng trên lập trường đạo lý thì cất nhịp cầu là một hành động vong ân bội nghĩa.
Lưu Bang nổi danh là người qua cầu cất nhịp lớn nhất trong lịch sử. Lúc Lưu Bang hàn vi còn đi ăn cắp gà, thôi thì Bang nói đủ các điều ngon ngọt dễ nghe để tựu chúng lập đảng. Đến khi nên cơ nghiệp rồi, lo việc củng cố quyền thế, Lưu Bang chẳng ngại gì hết, đổi lại thái độ, nghi ghét triều thần.
Người thứ nhất mà Lưu Bang lôi chém là Hàn Tín, rồi đến Bành Việt, Anh Bố, bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái.
Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng học đạo tu tiên.



22. Liên hoàn kế (Kế móc nối nhau)
"Liên hoàn kế" là nối liền với nhau thành một dây xích.
"Liên hoàn kế" còn là vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền cho đối phương hoặc gây thành phản ứng nhiều mặt.
Mỹ nhân kế là vũ khí phổ biến nhất cần thiết cho việc dùng "Liên hoàn kế". Vì người đẹp ví như nước, anh hùng ví như bùn, nước làm cho bùn nhão ra.
Từ ngàn xưa, đa số anh hùng đã vì thương hoa tiếc ngọc nên bỏ lãng nhiệm vụ.
Tuy vậy, vẫn phải phân biệt "Mỹ nhân kế" với "Liên hoàn kế".
Liên hoàn kế là một hình ảnh của thực tiễn, bất cứ việc gì xảy ra cũng gây thành phản ứng dây chuyền. Việc xảy ra hôm nay cũng không tự dưng mọc ra, nó phải là kết quả dây chuyền từ những sự việc trước.



23. Dĩ dật đãi lao (Lấy khỏe để đối phó với mệt)
Kế "Dĩ dật đãi lao" là lấy sự thanh thản để đối phó với hấp tấp, nhọc nhằn; dưỡng sức mà đợi kẻ phí sức.
Kế này viết ở trong thiên "Quân Tranh" của bộ "Tôn Tử Binh Pháp": "Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi mệt" nghĩa là trên chiến thuật phải tìm nắm trước địa vị chủ động để ứng phó với mọi tấn công của địch.
Cũng có ý nói nên chuẩn bị chu đáo, dễ dàng lấy cái thế bình tĩnh xem xét tình hình biến hóa mà quyết định chiến lược, chiến thuật. Đợi địch mỏi mệt, tỏa chiết bớt nhuệ khí rồi mới thừa cơ xuất kích.
Tôn Tử gọi thế là: "Ẩn sâu dưới chín từng đất, hành động trên chín từng trời".
Sử dụng sách lược này đòi hỏi thái độ tuyệt đối trầm tĩnh ứng biến, đo được ý kẻ thù, hoàn cảnh kẻ thù, thực lực kẻ thù. Nếu thời cơ chưa chín thì đứng yên như trái núi. Khi cơ hội vừa tới thì lập tức lấp sông, chuyển bể.
Tư Mã Ý ngăn Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn.
Chu Du phóng hỏa tại Xích Bích.
Tào Tháo đại phá Viên Thiệu nơi Quan Độ.
Tạ Huyền đuổi Bồ Kiên ở Phi Thủy.
Tất cả đều lấy ít đánh nhiều, thế kém vượt thế khỏe. Tất cả đều là kết quả sử dụng tài tình sách lược "Dĩ dật đãi lao".



24. Chỉ tang mạ hòe (Chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe)
"Chỉ tang mạ hòe" là chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe. Ý nói vì không tiện mắng thẳng mặt nên mượn một sự kiện khác để tỏ thái độ.



25. Lạc tỉnh hạ thạch (Ném đá vào người dưới giếng)
"Lạc tỉnh hạ thạch" là ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng.
Rơi xuống giếng lại còn ném đá vào đầu nạn nhân. Nếu đứng trên quan điểm đạo đức Khổng - Mạnh thì phải là hành động không chính nhân quân tử, nhưng nếu coi là một mưu kế thì hành động này lại là một hành động sáng suốt.
Căn bản triết lý của "Lạc tỉnh hạ thạch" là chi phối được thì mới chiếm đoạt được, và nhân từ với kẻ thù tức là tàn nhẫn với chính ta.
Lưu Bị lúc nào hé miệng cũng nói những điều nhân từ, lúc nào cũng chảy nước mắt, nhưng ông lại là người cũng giỏi thủ đoạn "Lạc tỉnh hạ thạch" nhất.
Chẳng vậy mà khi Lã Bố vốn là người làm nhiều ân huệ đối với Lưu Bị, nào việc bắn kích ở Viên Môn, nào việc cho Lưu Bị nương tựa ở căn cứ mình... Đến lúc Lã Bố bị bắt sau khi thất trận Từ Châu, Tào Tháo trong lòng còn đôi chút thương mến muốn dụ dỗ Lã Bố, Lưu Bị ngại Tào Tháo có thêm một mãnh tướng nữa nên đã ghé tai Tào Tháo mà nhắc khéo: “Ông không nhớ chuyện Đinh Nguyên và Đổng Trác hay sao?” (Đinh Nguyên và Đổng Trác đều nhận Lã Bố làm con nuôi, nhưng đều bị chết vì tay Lã Bố.
Lưu Bị đã không kể đến ơn nghĩa, lại còn đưa đòn độc "Lạc tỉnh hạ thạch" hạ Lã Bố. Như vậy, Lã Bố làm sao khỏi chết!

(Nguồn: vnthuquan)

Bài thuộc chuyên đề: Tôn Tử binh pháp

  • Những ý tưởng kinh doanh khôi hài ở châu Á
  • Có “cửa” nào cho Tràng Tiền Plaza?
  • Sẵn sàng khởi nghiệp và sẵn sàng thất bại
  • Tan ý định khởi nghiệp vì khủng hoảng
  • Bí quyết thành công của tỷ phú đứng sau thương hiệu Zara
  • Tam thập lục kê: 26-36
  • Nghiên cứu về binh pháp Tôn tử - Phương pháp 4 làm chủ
  • Nghiên cứu về binh pháp Tôn tử - Tôn vũ đã cầm quân bao nhiêu lần
  • Nghiên cứu về binh pháp Tôn tử - Các loại địa hình chiến đấu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com