Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chủ nhân giải Nobel kinh tế 2008, GS. Paul Krugman: Cần tìm cách phục hồi nền kinh tế và hướng đi sau khủng hoảng.

GS. Paul Krugman tại hội thảo

 

Ngày 21-5, tại Hội thảo “Tìm kiếm cơ hội, giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng” ở TP.HCM, GS. Paul Krugman cho rằng, hiện không cần phải dự báo về ảnh hưởng của khủng hoảng vì nó đã xảy ra rồi. Vấn đề của chúng ta hiện nay là tìm cách phục hồi nền kinh tế và hướng đi sau khủng hoảng.

Theo GS Paul Krugman nhận định, cuộc khủng hoảng hiện đã gần đến hồi kết thúc. Ban đầu chỉ là cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn của Mỹ và sau đó đã lan rộng ra toàn thế giới. Ở mọi lĩnh vực, nợ nần ngày càng tăng cao ở quy mô toàn cầu, chứ không chỉ ở lĩnh vực bất động sản và cho vay dưới chuẩn. Các định chế tài chính đã cho vay quá nhiều, thông qua hệ thống ngân hàng ngầm. Nếu hệ thống tài chính bị thả lỏng, có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng sẽ lan rộng. Hiện những hệ thống tài chính được đánh giá bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã sụp đổ, điều đó cho thấy cuộc khủng hoảng này đã chạm đáy và đang nằm im ở đó, chưa thể bật dậy được.

Người dân các nước hiện đang phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn khiến nền kinh tế bị co rúm lại. Lãi suất xuống 0% nhưng người dân vẫn không chịu chi tiêu và giảm đầu tư. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái. Dự báo, các quốc gia giàu có phải giảm chính sách tài khóa của mình. Việt Nam có thể có một chính sách trung hòa để khôi phục thị trường nội địa. Việc dựa vào các ngành thâm dụng lao động, giai đoạn phát triển ban đầu còn tốt, nhưng về sau sẽ không còn tác dụng. Việt Nam nên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao để sử dụng nguồn lực lao động hiệu quả.

Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là làm sao gia tăng giá trị thặng dư của các mặt hàng xuất khẩu, không nên can thiệp quá sâu vào cơ chế thị trường. Bên cạnh đó là vấn đề biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính.

Trong những tháng tới đây thất nghiệp vẫn cao, kinh tế vẫn trì trệ và gánh nặng nợ nần có thể đến mức các nền kinh tế phải thu hẹp lại. Nền kinh tế mở sẽ tạo điều kiện cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam phát triển. Tuy vậy, phải mất 5-10 năm Việt Nam mới có thể đi đến hoàn chỉnh như mong muốn. Một khó khăn nữa là nếu những nền kinh tế lớn như Mỹ thực hiện bảo hộ sẽ ảnh hưởng lớn đến GDP của Việt Nam.

GS. Paul Krugman cũng cho rằng, các nước cần có những giải pháp khác như xem xét lại chính sách vĩ mô, không can thiệp quá sâu vào thị trường… nhằm giảm bớt ảnh hưởng của khủng hoảng. Các nước châu Á đưa ra gói kích cầu rất mạnh, khiến nhiều chuyên gia ngộ nhận “chủ nghĩa bảo hộ” đang hình thành. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại, bởi hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đang quay lại gây dựng thị trường nội địa. Việc tung ra gói kích cầu quá mạnh trong thời điểm hiện nay liệu có khiến nguy cơ lạm phát có thể trở lại? Câu hỏi này đang được chính phủ các nước rất quan tâm.

Tuy nhiên, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2008 khẳng định, lạm phát khó có thể tái diễn mà thay vào đó là nguy cơ giảm phát nhiều hơn.

GS. Paul Krugman nhấn mạnh, khó có thể đưa ra giải pháp cụ thể hay đầy đủ cho tình hình kinh tế hiện tại. Mỗi nền kinh tế sẽ tự biết cách tìm ra giải pháp cho mình, trong đó Việt Nam được xem là điển hình. Việt Nam hiện có được mức tăng trưởng, sự bình ổn tốt hơn các nước ở châu Âu. Do đó, Việt Nam đang là một quốc gia thành công trong thời đại mới.

 

(Theo TRUNG ĐỒNG // Báo Bình Dương)

  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ
  • George Box và hành trình đến khoa học thống kê
  • John Mackey: nhà quản lí vĩ đại?
  • Học hỏi từ mọi người
  • Sử gia kinh tế hàng đầu Đặng Phong qua đời
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com