Ba mạng lớn là MobiFone, VinaPhone và Viettel vẫn đang chiếm lĩnh thị trường dịch vụ viễn thông. Ảnh: Lê Toàn. |
Hiện Việt Nam có bảy mạng viễn thông di động đang cạnh tranh trên thị trường hơn 86 triệu dân. Mặc dù cánh cửa đang hẹp dần đối với một số mạng có số lượng khách hàng nhỏ nhưng về dài hạn, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà cung cấp khác nhắm đến việc khai phá, hứa hẹn sự sôi động của một thị trường viễn thông phát triển cao hơn, nhưng vấn đề là thời gian.
Vai trò dẫn đầu Kinh doanh dịch vụ viễn thông, ngoài những yếu tố cạnh tranh sống còn, còn là câu chuyện về tần số và tài nguyên, thuộc tầm quy hoạch vĩ mô. Nhiều năm nay vai trò dẫn đầu thị trường đang thuộc về Viettel và VNPT. Và thành quả của sự cạnh tranh trong những năm qua là các mạng di động này đã nhanh chóng phủ sóng toàn quốc, mang lại nhiều sự khác biệt cho khách hàng. Ngành viễn thông đang có những định hướng phát triển nhất định sau khi đề án mới ra đời của Chính phủ có những quyết định về vai trò của các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, trong đó Viettel và VNPT hiện đang sở hữu mạng lưới hạ tầng viễn thông và đã có những đầu tư rộng hơn trong lĩnh vực này. Việc cổ phần hóa MobiFone vốn im ắng lâu nay gần đây cũng lại được nhắc đến. Việc cạnh tranh lẫn nhau là tất yếu bên cạnh những nhiệm vụ mở rộng thị trường để rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng, kích thích nhu cầu để phục vụ cho sự tăng trưởng. Điều này cho thấy qua việc gia tăng phủ sóng của các mạng viễn thông thời gian qua khá là nhanh chóng. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang nhảy vào thị trường nội dung với việc cho ra đời nhanh hơn các dịch vụ. Tuy nhiên giai đoạn qua mới thấy nổi bật lên cuộc cạnh tranh miệt mài về giá cước và các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách thuê bao. Còn nhiều vùng trũng để khai thác khi mà số thuê bao di động dù ở ngưỡng gấp hai lần số dân, trong khi số khách hàng thực sự sử dụng các dịch vụ viễn thông ước tính chưa tới 50% số dân. Theo các chuyên gia, thị trường sẽ đi vào giai đoạn trưởng thành hơn khi các doanh nghiệp nhỏ đủ lớn đòi hỏi các nhu cầu về nền tảng di động, dịch vụ hành chính công phong phú và người tiêu dùng trở nên “thông minh hơn” để định giá các giá trị dịch vụ mình phải bỏ tiền ra sử dụng. Các mạng nhỏ giai đoạn qua đương đầu trên thị trường như đi qua khe cửa hẹp. Thị trường phân hóa khá rõ nét với sự lấn át của ba mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone trong khi sự phát triển èo uột của các mạng còn lại không làm nên tiếng vang. Sự trầm lắng của các mạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không đề cập đến năng lực đầu tư, khả năng tài chính để duy trì lượng khách hàng ổn định và đủ sức “đua” trong cuộc cạnh tranh dài hơi. Khi cộng đồng sử dụng đang “quyết định” sự tồn tại của họ, nếu không trường vốn, sự khó khăn sẽ như “con gà và quả trứng”: ít khách hàng-thiếu tiền dẫn đến việc hạn chế khả năng mở rộng hạ tầng-và như vậy lại thiếu khách hàng… Trong khi S-Fone hiện vẫn chưa giải quyết được khúc quanh của mô hình đầu tư BCC để chuyển sang liên doanh, thì EVN Telecom vốn hội đủ các yếu tố để bứt phá, được xem là nhà đầu tư có đủ năng lực cạnh tranh với Viettel và VNPT, thì dường như chuyển động chậm chạp và mảng di động đối với họ rõ ràng không phải là lợi thế. Hai mạng Beeline và Vietnamobile cũng đang hụt hơi. Thực tế cho thấy các mạng nhỏ này luôn có những bước đi sáng tạo để có thể trụ được trên thị trường với những gói dịch vụ khá hấp dẫn. Tuy nhiên với ưu thế đến hàng trăm triệu số SIM, chỉ cần một đợt khuyến mãi của mạng lớn thì hầu như các mạng nhỏ “đổ trước sóng lớn”. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ trong cuộc hội nghị mới đây tại TP.HCM đã nhận định rằng chính phủ đang có những quyết tâm lớn cho việc phát triển ngành CNTT-TT, trong đó viễn thông là “nền tảng năng động” cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ các công ty và khu vực, đặc biệt là viễn thông, là quan trọng để Việt Nam xây dựng được một nền tảng hạ tầng hiện đại và có sức cạnh tranh. Tuy nhiên để có một ngành công nghiệp viễn thông đặc thù, giai đoạn mới cần tạo ra thị trường năng động mà ở đó có sự tương tác giữa các mô hình, chẳng hạn như các công ty mạnh (như Viettel hay VNPT) song song với việc phát triển đông đảo lực lượng doanh nghiệp nhỏ. Khi “hệ sinh thái” phong phú thì thị trường công nghệ sẽ bứt phá lành mạnh, thay vì chỉ tập trung khai thác các dịch vụ cơ bản như hiện nay. Dùng công nghệ thúc đẩy sự cạnh tranhSPT đang tìm kiếm đối tác đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh với định hướng công nghệ CDMA. Ảnh: Lê Toàn.
Khi hạ tầng 3G chưa khai thác hết công năng thì năm giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G LTE đã được cấp cho VNPT, FPT Telecom, Viettel, CMC và VTC. Còn nhiều vấn đề để bàn đến một công nghệ mới vốn chưa được xác lập rõ ràng trên thị trường toàn cầu. Xét cả về công nghệ hay kinh doanh, hiện LTE và WiMAX vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp để triển khai ở Việt Nam. Tuy nhiên xét ở giai đoạn dài hạn, các doanh nghiệp đang muốn tham gia thị trường viễn thông vốn luôn là mảnh đất hấp dẫn nhưng chưa được sở hữu tần số 3G có thể nghĩ đến các cơ hội mới cho mình.
Thị trường trong tương lai sẽ biến chuyển khó lường hơn. Và nhiều nhà cung cấp thiết bị, nhà đầu tư tài chính, nhà cung cấp dịch vụ… luôn “dõi mắt” vào những biến chuyển này để tìm kiếm cơ hội. Trong giai đoạn mới, các nhà đầu tư công nghệ và tài chính còn có nhiều khả năng tham gia thị trường dưới nhiều hình thức như đối tác chiến lược, mua cổ phần của các nhà mạng thay vì chỉ hợp đồng kinh doanh hay liên doanh với tỷ lệ góp vốn nhất định vốn ở giai đoạn cũ. Trong khi có những nhà đầu tư muốn sở hữu tần số thì cũng có những nhà đầu tư nhắm vào “mạng ảo” sẽ ra đời và “ký sinh” vào hạ tầng của các nhà khai thác. Chẳng hạn, FPT vốn đang dẫn đầu về lĩnh vực công nghệ thông tin và đang cạnh tranh mạnh mẽ thị phần Internet với Viettel và VNPT rõ ràng không giấu tham vọng có mặt ở thị trường di động. Ông Trương Đình Anh - Phó tổng giám đốc FPT, cho biết đang sẵn sàng thử sức ở lĩnh vực mới nếu có cơ hội. Tuy nhiên lâu nay FPT Telecom đã thử nghiệm WiMax và gần đây là 4G cùng với các điểm ngắm đầu tư vào các mạng di động nhỏ hơn đang hoạt động trên thị trường. Vấn đề là thời điểm thích hợp và bài toán về hiệu quả kinh doanh. SPT vốn thất bại ở mô hình BCC hiện cũng đang tìm kiếm đối tác đầu tư trong khi chờ Chính phủ “bật đèn xanh” cho mô hình liên doanh. Ông Hồ Hồng Sơn, Tổng giám đốc SPT, nguyên là Giám đốc điều hành mạng S-Fone, cho biết định hướng công nghệ CDMA EVDO 1X vẫn tiếp tục được củng cố và cung cấp 3G ở nền công nghệ này mặc dù có thể đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của mạng 3G. Bên cạnh đó sẽ đánh giá xem thị trường 3G ở Việt Nam thời gian tới, khi có tín hiệu bùng nổ sẽ tìm giải pháp tham gia khai thác. Phương thức tối ưu, theo ông Sơn mà S-Fone đặt ra có thể là giải pháp mạng ảo. Xa hơn nữa là theo dõi bước phát triển công nghệ thế giới để tranh thủ chuyển đổi mô hình kinh doanh ở thời điểm thuận lợi, mà hiện là chuẩn 4G LTE. Mạo hiểm và thận trọng Theo các chuyên gia, việc đầu tư cho công nghệ luôn có tính mạo hiểm cao, vì thế các mô hình cần được tính toán kỹ và thận trọng. Chẳng hạn việc đầu tư cho 3G của các mạng hiện chưa cho thấy ưu thế dịch vụ và hiệu quả khác biệt. Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia viễn thông, các tiếp cận cần được quan tâm ở cả góc độ thị trường lẫn công nghệ. Ở góc độ thị trường, chẳng hạn nếu đầu tư cho LTE, việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước sớm tiếp cận với công nghệ mới để đánh giá chất lượng, tiềm năng chuẩn bị cho những cơ hội phát triển, đặc biệt là sản xuất các thiết bị, ứng dụng... cho thị trường trong nước và xuất khẩu cần được khích lệ. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu rõ về các điều kiện quan trọng như công nghệ lõi, bản quyền, nguồn linh kiện, tính cạnh tranh... trước khi đầu tư vì tính phức tạp và khắt khe của lĩnh vực này. Ở góc độ tiếp cận công nghệ mới, sẽ có nhiều rủi ro khi hiện tiêu chuẩn 4G vẫn chưa rõ từ Tổ chức Viễn thông quốc tế (ITU), vì vậy các môi trường và tiêu chuẩn tương thích cần thiết chưa thật sự hình thành. Về tài nguyên quốc gia cho 4G, cho dù đã có nhiều tần số khác nhau được thảo luận nhưng vẫn chưa có kết luận (các) tần số nào sẽ được ITU chọn để triển khai. Từ đó, nếu chọn một (hay vài tần số) để triển khai vào thời điểm này có thể sẽ phải chuyển dịch phù hợp với thế giới và nếu chuyển dịch tần số sẽ rất tốn kém, từ thiết bị mạng cho đến thiết bị đầu cuối. Từ việc chưa có tiêu chuẩn toàn cầu, tính kinh tế là không cao vì bị giới hạn về giá thiết bị đắt và ít sự lựa chọn cho thị trường - đây là điều quan trọng để cân nhắc vì Việt Nam vẫn đang là một thị trường tiêu thụ chứ chưa sản xuất và cung cấp ra thị trường thế giới. Xét ở môi trường thực tế Việt Nam về 3G để tiến lên 4G, sự khác biệt cơ bản và quan trọng nhất giữa 3G và 4G so với 2G băng rộng, mà mọi ứng dụng, nội dung cần tận dụng tài nguyên của 3G hay 4G phần chính là từ CNTT. Hiện nay, hạ tầng cơ sở CNTT và hành lang pháp lý cho sự phát triển thương mại điện tử và chính phủ điện tử Việt Nam vẫn chưa có để phát triển các ứng dụng, nội dung số, vì vậy băng thông 3G vẫn chỉ dành cho các dịch vụ rất cơ bản như truy cập Internet, chat, e-mail... Các dịch vụ chính yếu như mCommerce, eWallet, định vị, M2M... vẫn phải còn cần rất nhiều thời gian để xây dựng. Theo ông Diệp, nếu tận dụng tối đa tài nguyên và hạ tầng của 3G và làm bệ phóng hiệu quả cho 4G trong tương lai thì việc ưu tiên vẫn là: (1) tập trung nguồn lực để phát triển CNTT phục vụ chính phủ điện tử, thương mại điện tử, giáo dục và y tế điện tử...; (2) các mạng 3G cần tối ưu hóa (network optimization) và tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà cung cấp ứng dụng, nội dung để phát triển những ứng dụng mCommerce, eCommerce, M2M...
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com