Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chất lượng doanh nghiệp tư nhân: Nhìn từ góc độ quản trị điều hành

Công tác quản trị - điều hành DN được coilaf một trong những biện pháp "đầu tư" phát triển DN một cách bền vững

Luật DN được ban hành đã tạo nên những cú hích lớn cho sự phát triển bùng nổ của các DN khu vực kinh tế tư nhân trong thập niên vừa qua. Sự lớn mạnh của khu vực tư nhân có thể thấy rất rõ qua số lượng DN ngày càng tăng và những đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển về số lượng của khu vực DN này là điều dễ nhận thấy. Tuy nhiên, quản trị điều hành cũng còn nhiều vấn đề.

Phải khẳng định, Luật DN đã đánh dấu bước tiến nhảy vọt trong quá trình hoàn thiện khung quản trị Cty và là cơ sở tốt cho việc nâng cao trình độ quản trị, chất lượng điều hành của các DN tại khu vực tư nhân. Quyền của các cổ đông đã được quy định tương đối đầy đủ, cụ thể và các cổ đông về cơ bản đã được xử lý công bằng. Thực tế cũng cho thấy trình độ quản trị điều hành của các DN tư nhân đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước năm 2000. (Nguyễn Đình Cung : “Quản trị Cty cổ phần ở VN”, GTZ – CIEM, 2008.) Các DN lớn và chuyên nghiệp đã dần dần ứng dụng khung quản trị phù hợp với các thông lệ quản trị tốt đã được thừa nhận và nâng cao chất lượng điều hành của mình. Tuy nhiên chất lượng của công tác quản trị Cty tại các Cty tư nhân vẫn còn là một vấn đề lớn.

Hình thức điều hành DN mang nặng tính gia đình

Mô hình quản lý, điều hành tiên tiến trên thế giới (như bộ quy tắc quản trị của OECD) có nền tảng là sự tách biệt giữa quản lý với sở hữu vốn trong các Cty cổ phần hay TNHH. Tuy nhiên, VN vừa không có truyền thống trong việc phát triển các mô hình tổ chức kinh doanh, lại xa lạ với mô hình của các Cty theo kiểu hiện đại. Nếu có, đó chính là truyền thống đóng kín trong nội bộ gia đình, dòng tộc nhằm giữ bí mật gia truyền trong kinh doanh. Quan hệ giữa các cổ đông trong nhiều Cty tư nhân hiện nay thậm chí cũng thường thu hẹp trong phạm vi quan hệ gia đình, xã hội như họ hàng, dòng tộc, bạn bè, đồng hương... Mối quan hệ giữa các cổ đông trong Cty do vậy, bị chi phối rất nhiều bởi quan hệ bên ngoài quan hệ vốn góp.

Với mô hình này, có vai trò nhất trong Cty chính là người ông, người cha, người có vai vế nhất trong dòng tộc... chứ không phải là người góp vốn nhiều nhất. Và để huy động vốn, các Cty tư nhân VN thường ít tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng hay thông qua thị trường chứng khoán. Cách tiện lợi nhất vẫn là vay vốn thông qua anh em, bạn bè, người quen.

Đại bộ phận Cty tư nhân ở VN có quy mô nhỏ, mang tính gia đình; người chủ sở hữu thường đồng thời là người quản lý, giám đốc, quản đốc, cán bộ kỹ thuật... của Cty. Người chủ sở hữu trong Cty (đặc biệt là các Cty cổ phần hoặc TNHH thuộc sở hữu tư nhân) cùng một lúc thực hiện hàng loạt chức năng và vai trò khác nhau trong tổ chức kinh doanh của DN. Ngoài quan hệ góp vốn cùng kinh doanh, họ còn có quan hệ huyết thống, họ hàng, bạn bè hết sức thân thiết... Vì vậy, trong quản lý nội bộ và tổ chức kinh doanh rất khó phân biệt rõ ràng về mặt pháp lý quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của người chủ, người quản lý và người lao động; "tính phi chính thức" trong quá trình ra quyết định... đang chi phối quản lý, điều hành của phần lớn các Cty cổ phần. Nhiều người chủ, người quản lý DN thường tập trung phần lớn thời gian và sức lực của mình vào thực hiện các công việc chuyên môn kỹ thuật của kinh doanh hơn là công việc quản lý.

Thiếu chiến lược dài hạn và niềm tin

Trong bối cảnh hệ thống pháp lý chưa ổn định, môi trường kinh doanh còn nhiều “trắc trở”, các DN VN nói chung chưa xây dựng được các kế hoạch kinh doanh lâu dài và bền vững với những mục tiêu, sứ mệnh được xác định rõ ràng. Triết lý phát triển, chiến lược, định hướng phát triển dài hạn... vẫn là những yếu tố xa vời với đại bộ phận các DN. Thay vào đó, nhiều DN lại ưa chuộng các cơ hội đầu tư ngắn hạn, nhất thời...

Như báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hàng năm, hệ thống pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư thiểu số của VN còn yếu kém. Vì vậy, các DN tư nhân, trước hết là các Cty cổ phần tư nhân, chưa có được lòng tin từ các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nhỏ; qua đó, không thu hút và không hấp dẫn được đối với những người đầu tư dài hạn từ bên ngoài. Thị trường chứng khoán đã có vài năm phát triển mạnh nhưng rõ ràng đó chưa phải là kênh dẫn vốn từ các nhà đầu tư nhỏ vào hoạt động kinh doanh.

Thiếu động lực để minh bạch hoá

Thực tế hiện nay đã và đang có quan niệm đối với các Cty tư nhân VN là càng công khai hóa, càng minh bạch hóa trong quản lý tài chính thì Cty càng chịu thiệt thòi hơn so với các Cty khác. Thậm chí, nỗ lực minh bạch hóa thông tin về DN nhiều khi không bảo vệ quyền lợi của các cổ đông mà có thể có tác dụng ngược lại khi dễ bị các Cty khác cạnh tranh không lành mạnh, giá trị Cty bị giảm sút, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Trong hệ thống tiêu chuẩn tốt về quản trị, minh bạch hoá hay công khai hoá là một tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng và hiệu quả để bảo vệ các cổ đông. Thông tin đầy đủ và kịp thời về tình hình Cty có thể giúp các nhà đầu tư đưa ra các quyết định mua và bán, qua đó giúp thị trường phản ánh giá trị của Cty trong phương thức quản lý, điều hành hiện tại. Nếu thị trường xác định phương thức quản lý, điều hành hiện tại không tốt thì giá cổ phiếu sẽ giảm, mở đường cho những thay đổi trong quản lý, điều hành. Thông tin đầy đủ và kịp thời cũng cho phép các nhà đầu tư đưa ra các đánh giá thận trọng về chất lượng quản lý để cân nhắc sử dụng ảnh hưởng từ quyền sở hữu nhằm tạo ra sự thay đổi trong cung cách quản lý.

Tuy nhiên, sự kém minh bạch, thiếu công khai về quản lý tài chính trong các Cty tư nhân ở VN hiện nay là hiện tượng khá phổ biến. Rất nhiều Cty tư nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Số DN báo cáo tài chính theo quy định của Luật DN chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp trên tổng số DN. Các báo cáo tài chính gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh cũng rất sơ sài, hình thức, số liệu thường thiếu chính xác và không đầy đủ. Vì vậy, ý nghĩa và tính hữu ích của chúng trong công khai hóa tài chính rất thấp. Việc lập sổ sách kế toán vẫn chủ yếu đối phó với các cơ quan thuế, chưa phải để phục vụ cho công tác quản lý tài chính DN, chưa phải để "công khai hóa" giúp những ai quan tâm đều có thể hiểu đúng và đủ về thực trạng tài chính Cty, về các điểm mạnh, yếu của Cty.

Bên cạnh đó, nhiều Cty cổ phần không có khả năng, đủ nhân lực để thực hiện việc công khai, minh bạch về tài chính, đáp ứng yêu cầu của các cổ đông, chủ nợ và các nhà đầu tư. Nhiều Cty tư nhân ở VN rất yếu kém về quản trị tài chính kế toán, trong khi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong quản trị DN.

Một thực tế khá phổ biến hiện nay đã hình thành nên một quan niệm đối với các Cty tư nhân VN là càng công khai hóa, càng minh bạch hóa trong quản lý tài chính thì Cty càng chịu thiệt thòi hơn so với các Cty khác. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, nỗ lực minh bạch hóa thông tin về DN nhiều khi không bảo vệ quyền lợi của các cổ đông mà có thể có tác dụng ngược lại khi dễ bị các Cty khác cạnh tranh không lành mạnh, giá trị Cty bị giảm sút, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Chẳng hạn khi DN công khai đầy đủ các thông tin về kinh doanh của mình, dễ bị các đối thủ cạnh tranh khác bắt chước chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược thị trường..., tranh giành không lành mạnh các nguồn cung ứng nguyên liệu và khách hàng của Cty. Khi công khai hoá, các Cty còn phải bỏ thêm các chi phí về kế toán, kiểm toán... Chưa kể đến việc trong bối cảnh "tranh tối, tranh sáng" của môi trường kinh doanh hiện nay, việc trung thực và công khai trong kinh doanh nhiều khi làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ của Cty. Trong bối cảnh VN hiện nay, để bảo vệ các cổ đông của Cty, dường như minh bạch hóa luôn phải đi cùng với công bằng và bình đẳng trong kinh doanh.

Những vấn đề như phân định rạch ròi giữa tài sản Cty và tài sản cá nhân của người góp vốn, chủ DN, bảo vệ lợi ích cổ đông thiểu số, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quản trị DN vẫn chưa được thực hiện tốt và chưa được hỗ trợ bởi một hệ thống công bố thông tin, báo cáo minh mạch của các DN. Điều này vẫn đang diễn ra tại nhiều DN tư nhân, kể cả các DN tư nhân lớn và đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những vấn đề này thực sự cần được xử lý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các DN dân doanh tại VN.

Chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân được đánh giá qua nhiều góc độ. Tuy vậy, việc đánh giá nhìn nhận qua chất lượng của công tác quản trị điều hành trong DN, của việc tuân thủ các quy định về môi trường, tiêu chuẩn lao động, các vấn đề trách nhiệm xã hội, về các hoạt động nghiên cứu, phát triển, sáng tạo và trình độ tiếp thu, chuyển giao công nghệ mới cũng là điều kiện cần thiết. Tinh thần tích cực tham gia xây dựng chính sách, xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng, không có tham nhũng cũng thể hiện được chất lượng của các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Về các phương diện này hẳn là còn rất nhiều hạn chế mà các DN tư nhân cần cải thiện hơn.

Thiết nghĩ, quản trị điều hành DN chính là cách “đầu tư cho tương lai” bền vững nhất. Nếu các DN VN chưa thực sự thay đổi cách tư duy của mình thì sự lớn mạnh của các DN VN vẫn chỉ dừng lại ở mức: “mèo nhỏ bắt chuột con”...

* Chỉ 48,3% công ty CP, TNHH có các hướng dẫn, cẩm nang đầy đủ quy định công tác điều hành doanh nghiệp. Tỷ lệ này của FDI là 80%, quốc doanh là 50%. Đáng lưu ý là DNTN và cơ sở sản xuất là 0%.

* Trong số này 100% các DN FDI xem đây là quy định bắt buộc, trong khi 28,7% CP, TNHH và 50% DNTN và cơ sở sản xuất (CSSX) cho là chỉ có tính tham khảo.

* 26,8% DN, Cty CP, TNHH và 33,3% DNTN, CSSX nhờ vợ hoặc chồng hỗ trợ điều hành DN, Cty (ba việc chính là nắm giữ tiền bạc, quản lý nhân viên và mua sắm nguyên vật liệu). Các DN FDI là 0%.

* 32,3% DN giao quyền cho nhân viên dưới theo tình huống, thỉnh thoảng giao (không có quy chế phân quyền).

(Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp)

Đậu Anh Tuấn - Chuyên gia phân tích chính sách - Phó ban Pháp chế VCCI

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Quản trị, quản lý tác nghiệp, chìa khóa để mở chiến lược
  • Những kho báu tiềm ẩn trong công ty
  • Nhà quản lý khủng hoảng
  • JD hay JP?
  • Nâng cao hiệu quả môi trường của doanh nghiệp
  • Khủng hoảng có thể thúc đẩy hội nhập?
  • Nhân lực quản trị doanh nghiệp: Tìm ở đâu?
  • Biến doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com