Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược kinh doanh hiệu quả (47) : Các dấu hiệu cảnh báo

 Các vấn đề khó khăn tác động đến chiến lược hiếm khi xuất hiện ngay tức thì nhưng luôn có một số dấu hiệu tiềm ẩn. Phần này sẽ trình bày hai dấu hiệu và cách phản ứng.


Sự xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới


Những chiến lược thành công và có khả năng mang lại lợi nhuận đều tạo ra một vấn đề nan giải không ai mong muốn, đó là thu hút các đối thủ cạnh tranh. Nếu không có những rào chắn ngăn cản bước chân của họ, thị trường cuối cùng sẽ trở nên đông đúc, và cuộc cạnh tranh khốc liệt sẽ làm tiêu hao lợi nhuận của nhiều người. Một số đối thủ mới nhập cuộc có thể thổi một làn gió mới và giữ thế thượng phong trên thị trường bằng cách hạ giá thành sản phẩm hay làm sản phẩm hay dịch vụ của họ tiện lợi hơn đối với khách hàng.


Hãy xem ví dụ về các tiệm cho thuê băng video đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều thành phố nhỏ và khu ngoại ô. Khi phim ảnh lần đầu tiên được ghi hình trên các băng VHS (và định dạng “Beta” của Sony), các doanh nghiệp nhỏ đã mở các tiệm cho thuê băng để phục vụ thị trường địa phương. Và nhiều tiệm đã kinh doanh rất phát đạt. Việc chen chân vào thị trường kinh doanh này tương đối dễ dàng do không đòi hỏi nhiều bí quyết kỹ thuật hoặc vốn. Khi thấy rõ ràng khả năng sinh lợi của những người kinh doanh đầu tiên, nhiều người khác đã đổ xô vào thị trường băng đĩa này, hạ giá và làm giảm doanh số của hầu hết các chủ tiệm. Cuối cùng thì thị trường cho thuê băng video của Mỹ bị các đại gia như Blockbuster và Hollywood Hits nuốt chửng (điều vẫn thường xảy ra ở Mỹ). Những ông lớn này có lợi thế về quy mô mà các đối thủ cạnh tranh nhỏ của địa phương không thể theo kịp. Nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường đầu tiên phải từ bỏ kinh doanh.


Sự thành công của một công ty là do công ty đã cung cấp một điều gì đó độc đáo, hoặc đã bán hay giao sản phẩm của mình theo cách được khách hàng đánh giá cao (như nhanh chóng và thuận tiện hơn). Những phẩm chất này làm cho công ty bạn trở nên khác biệt và đem lại một lợi thế cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh của sự khác biệt đó sẽ biến mất nếu một đối thủ mới gia nhập thị trường bắt đầu làm điều tương tự.


Bây giờ bạn hãy tự hỏi: “Những phẩm chất độc đáo của công ty hay của sản phẩm có dễ dàng bị sao chép không?”. Nếu câu trả lời là “Có” thì hãy sẵn sàng cho việc chia sẻ thị trường.


Sự lấn chiếm thị trường của những người bắt chước là điều rất phổ biến, và hiếm có doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nào lại có thể đóng chặt cánh cửa đó mãi mãi. Hãy xem trường hợp của Công ty Máy tính Apple và sản phẩm máy nghe nhạc kỹ thuật số iPod của họ. Apple đã giới thiệu iPod vào tháng 11 năm 2001. Đây không phải là thiết bị nghe nhạc đầu tiên, nhưng các ưu điểm thiết kế của nó cùng khả năng lưu trữ cả ngàn bài hát đã nhanh chóng đem lại thành công rực rỡ – thành công lớn nhất cho Apple kể từ dòng sản phẩm máy tính Macintosh. Công ty đã tìm cách bảo vệ sản phẩm của mình khỏi những kẻ bắt chước bằng cách đăng ký bằng sáng chế và cho nhiều nhà cung cấp thuê lại các hạng mục sản xuất của iPod theo các hợp đồng chặt chẽ. Theo điều khoản của các hợp đồng này thì Apple vẫn nắm phần lớn thị trường và duy trì nó thông qua việc phát hành các mẫu cải tiến mới. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng thể nào ngăn chặn các đối thủ khác, trong đó có cả các đại gia như Hewlett-Packard, Dell, Sony, và Samsung, tham gia vào thị trường.


Sau đây là một số biện pháp phòng thủ khả thi để ngăn cản các đối thủ đang tìm cách chen chân vào thị trường của bạn:


1. Thận trọng dựng lên rào cản đối với sự gia nhập thị trường. Ví dụ: một chủ nhà hàng thức ăn nhanh ở một thị trấn mua mọi khu đất có khả năng thu hút những đối thủ tiềm năng nhất.


2. Đừng tối đa hóa lợi nhuận. Nếu bạn là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, hãy tìm sự thống lĩnh thị trường không phải bằng cách tối đa hóa lợi nhuận. Điều này thật sự có ý nghĩa. Bằng cách lập một cơ cấu giá chỉ tạo ra lợi nhuận khiêm tốn, số đối thủ cạnh tranh muốn chen vào thị trường của bạn sẽ ít hơn.


3. Khai thác “đường cong kinh nghiệm” để biến chính bạn thành đơn vị dẫn đầu về chi phí thấp. Điều này đặc biệt quan trọng trong các ngành công nghệ. Nếu có thể học hỏi sớm hơn và nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ duy trì được lợi thế chi phí. Lợi thế đó có thể đủ mạnh để “đẩy” các đối thủ cạnh tranh ra khỏi cuộc chơi và ngăn bước chân của những người đang dự định chen chân vào thị trường của bạn.


Nếu không có biện pháp nào tỏ ra khả thi, bạn phải thay đổi chiến lược của mình sao cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn được khác biệt và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Bài thuộc chuyên đề: Chiến lược kinh doanh hiệu quả

  • Chiến lược kinh doanh hiệu quả (48) : Sự xuất hiện của công nghệ mới
  • Chiến lược kinh doanh hiệu quả (49) : Vai trò của nhà lãnh đạo trong việc thay đổi chiến lược
  • Gọi vốn đầu tư mạo hiểm: 10 điều cần tránh
  • Ảnh hưởng của bộ tiêu chuẩn ISO 9000 đối với hiệu quả của tổ chức
  • Sản xuất bố trí theo kiểu tế bào
  • Mua bán, sáp nhập và dịch vụ điều tra chi tiết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com