Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Đấu” không nổi thì phải... tố

“Đấu” không nổi thì phải... tố
Vốn là một trong những thương hiệu đầu tiên của ngành giải khát, nhưng cuối cùng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các ông lớn ngoại.

Hầu hết thời gian tại cuộc hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt”, trên thực tế, lại được dành để các cơ quan quản lý, các chuyên gia và các doanh nghiệp trong nước “tố” về hiện tượng cạnh tranh... không lành mạnh giữa doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài FDI với doanh nghiệp nội địa.

Cạnh tranh có vai trò rất quan trọng và là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, hiện tại trên thị trường Việt Nam có vẻ như loại cạnh tranh tiêu cực không lành mạnh, thậm chí vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật hoặc những hành vi cạnh tranh làm phân hóa giàu nghèo, tổn hại môi trường đang có dấu hiệu bùng phát.

Theo Tổng cục Thuế Việt Nam, hiện đang có hơn 9.000 doanh nghiệp FDI từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động tại Việt Nam. Không thể phủ nhận những đóng góp của họ đối với việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như những đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, gần đây đang nổi lên hàng loạt vấn đề từ các đối tượng này, nhất là hiện tượng chuyển giá, báo lỗ, mà đáng lưu ý rằng tiếng là mới “phát hiện” nhưng thực ra đó là căn bệnh trầm kha nhiều năm nay.

Chỉ trong năm 2012, lỗ phát sinh của các đơn vị đã là 2.253 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 10 đơn vị có lỗ lũy kế kéo dài trong nhiều năm. Nghịch lý là một số doanh nghiệp nước ngoài dù báo lỗ nhưng vẫn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư vào các dự án mới với số vốn không nhỏ vì không có chế tài nào cho trường hợp này.

Điều này không những làm thất thu thuế doanh nghiệp mà còn tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng.

Trong báo cáo tổng kết 25 năm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn đề cập, một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý gây ra tình trạng lỗ giả lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trước sự cạnh tranh của các đại gia nước ngoài, hiện chỉ còn một số ít doanh nghiệp trong nước còn tồn tại. Đáng kể nhất là sự ra đi của thương hiệu Tribeco rơi vào tập đoàn Uni-President, cổ đông lớn nhất của Tribeco Sài Gòn trước khi giải thể. Vốn là một trong những thương hiệu đầu tiên của ngành giải khát, nhưng cuối cùng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các ông lớn ngoại.

Đương nhiên, trách người thì cũng phải ngẫm đến ta, việc hàng loạt các doanh nghiệp và thương hiệu Việt liên tục bị thôn tính, ngoài chuyện các đối tác nước ngoài giàu tiền, lắm mưu cũng không thể không đặt câu hỏi: phải chăng cũng do doanh nghiệp trong nước quá “ngố”, đấu không lại thì phải “tố” cho bõ tức?

Trong một nỗ lực tìm ra giải pháp cho vấn nạn này, buổi hội thảo diễn ra ngày 14/5 cũng đưa ra được một số ý kiến tham vấn đáng chú ý.

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, thì khi đã vào WTO, cạnh tranh là một trong những nguyên tắc quan trọng. Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, WTO đã có những hiệp định như: hiệp định chống trợ cấp, chống bán phá giá, tự vệ thương mại.

Đa số các nhà đầu tư FDI làm ăn nghiêm chỉnh và Việt Nam đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài như đối với doanh nghiệp trong nước. Hiện nay không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng vất vả với hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật trong hiệp định tránh đánh thuế hai lần để không đóng thuế.

Để đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh cần thực hiện một loạt các công việc như: sửa đổi một số văn bản pháp luật không đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất. Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý để kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh, bán phá giá, làm hàng giả, hàng nhái, chuyển giá và chuyển thuế. Tăng cường năng lực của các hiệp hội ngành nghề để phát hiện và kiến nghị với các cơ quan quản lý những biện pháp phù hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Về phía các doanh nghiệp, các đơn vị cần có chiến lược phát triển thị trường, thương hiệu và đăng ký thương hiệu những quốc gia mà họ xuất khẩu trước mắt và lâu dài.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

  • Vì sao Google không thể ngóc nổi đầu ở Nga?
  • Goldman Sachs, giữa kiêng nể và ganh ghét
  • Năm lý do TQ không giúp Mỹ chống Triều Tiên
  • Thương hiệu made in Vietnam: Không thể cao cấp ngay lập tức
  • Lợi đâu chẳng thấy
  • Starbucks gọi, sao Highlands chưa trả lời?
  • 700 đồng mua được cả một hãng hàng không
  • Chuyện Trung Nguyên “la làng” và cách bán cơm kiểu Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com