Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên thế giới giảm cả về số lượng và giá trị giao dịch trong năm 2009. Theo số liệu của Thomson Reuters, giá trị giao dịch M&A năm 2009 giảm 39,2% so với năm 2008.
Số lượng các thương vụ mua bán và sáp nhập năm 2009 cũng giảm đáng kể, vào khoảng 30.830 vụ, giảm 10,4% so với năm 2008. Tuy nhiên, hoạt động M&A tại Việt Nam lại có chiều hướng hơi khác với thế giới. Năm 2009, số thương vụ tại Việt Nam đạt 287 và giá trị giao dịch đạt 1,09 tỷ USD. Dù giá trị giảm nhẹ so với năm 2008, nhưng số thương vụ vẫn tăng lên 71%. Các thương vụ M&A trong năm qua chủ yếu (80%) là các thương vụ có quy mô vừa (từ 5 triệu USD đến 20 triệu USD).
Ngành tài chính ngân hàng và công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thương vụ M&A tại Việt Nam năm qua. Lĩnh vực bất động sản tiếp tục có một năm sôi động cả trong lĩnh vực FDI và mua bán dự án. Và trong năm 2009 cũng xuất hiện một vài thương vụ đáng chú ý trong ngành công nghệ thông tin - truyền thông và ngành dược phẩm - chăm sóc sức khỏe.
Loại hình M&A theo hướng nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam tuy không quá sôi động nhưng vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2009, điển hình như các thương vụ điển hình như Sab-Miller mua lại phần liên doanh của Vinamilk hay Motul mua lại Vilube.
Một xu hướng đáng được quan tâm trong năm qua là các công ty Việt Nam, trong đó có các công ty thuộc khối tư nhân, chủ động đóng vai trò là người đi mua (acquirer). Đây là điểm thú vị vì trước đây khi nói đến M&A hay nói đến đối tác chiến lược, người ta thường nghĩ ngay đến yếu tố nước ngoài. Theo thống kê của chúng tôi, số lượng các giao dịch doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40% tổng số giao dịch toàn thị trường. Giao dịch doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp nước ngoài, hoặc mua lại một bộ phận doanh nghiệp nước ngoài chiếm 4,62% tổng số giao dịch năm 2009. Tiêu biểu là trường hợp BIDV mua lại một ngân hàng tại Campuchia hoặc Viettel mua 18,9% cổ phần của Vinaconex và hướng đến việc tham gia mua lại vào các mạng di động ở thị trường các nước thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
2009 cũng là năm có nhiều thương vụ liên quan đến khối doanh nghiệp có liên quan đến vốn nhà nước; trong đó có các vụ sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí, siêu tổng công ty SCIC...
Triển vọng thị trường mua bán sáp nhập năm 2010
Nói về xu hướng năm 2010, chúng tôi cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng, nhìn về dài hạn, hoạt động M&A tại Việt Nam có nhiều tiềm năng và sẽ phát triển ở mức độ và chất lượng cao hơn nhiều so với những gì đang diễn ra hiện nay. Năm 2010, số thương vụ sẽ tiếp tục gia tăng; giá trị giao dịch sẽ tăng nhưng không quá đột biến, trừ khi một số doanh nghiệp nhà nước lớn lựa chọn đối tác chiến lược. Trong đó, xét về xu hướng, tới đây sẽ không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài vẫn mua doanh nghiệp trong nước, mà tiếp tục xuất hiện của những "người mua" là doanh nghiệp Việt Nam.
Triển vọng thị trường mua bán sáp nhập năm 2010 sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, các chính sách của Chính phủ, các động thái và chiến lược của nhà đầu tư.
Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức mới đây đều đưa ra những dự báo khá lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm 2010. Theo đó, GDP thế giới có thể tăng trưởng ở mức 2-3%, thương mại toàn cầu tăng 7-10%, giá dầu thô, lạm phát và lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp. Kinh tế trong nước rõ ràng đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi khá ấn tượng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, trong đó nổi cộm là vấn đề tỷ giá và nguy cơ lạm phát.
Thị trường chứng khoán trong năm 2010 sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên mức tăng có thể sẽ không mạnh và khó có một sự bùng nổ mạnh mẽ toàn diện của thị trường, do chính sách tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn so với năm 2009. Hiện nay, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam ước tính ở mức từ 15-16 lần. Đây không phải là mức quá cao so với tiềm năng của một thị trường mới nổi như Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hy vọng vào các quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn; ngoài ra việc quản lý phát hành riêng lẻ cũng sẽ giúp cho quy định pháp luật M&A tại Việt Nam ngày một hoàn thiện hơn...
Những thương vụ triển vọng cho năm 2010:
Năm 2010, giới đầu tư cũng đặt nhiều hy vọng vào sự xuất hiện đối tác chiến lược của các ông lớn như Vietcombank, Vietinbank, MobiFone... nhưng cũng có thể sự chờ đợi sẽ tiếp tục kéo dài như năm 2009. Ngoài ra, chúng ta có thể trông đợi vào một số thương vụ khá lớn, ví dụ: Viettel cũng đang hướng đến việc tham gia mua lại hoặc góp vốn vào các mạng ở thị trường các nước thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Xu hướng năm 2010, Viettel cũng có thể sẽ thực hiện 2 thương vụ lớn khác như mua lại 60% cổ phần của mạng di động Teletalk tại Bangladesh. Ban đầu, số tiền Viettel rót vào thương vụ này được cho là 250 triệu USD, nhưng gần đây con số này được nâng lên 300 triệu USD. Teletalk là mạng di động nhỏ nhất trong 6 mạng di động tại Bangladesh, có khoảng 1 triệu thuê bao (TB) trong tổng số khoảng 50 triệu TB di động tại đất nước này; Ngoài ra, hãng dự kiến chi ra 59 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của Công ty viễn thông Teleco tại Cộng hòa Haiti, đơn vị sở hữu mạng di động Teleco. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 4/2010.
Đại hội cổ đông của các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT hay CMC mới đây cũng thống nhất sẽ dành một phần nguồn vốn cho hoạt động M&A các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể kể một số vụ mua bán sẽ xuất hiện trong thời gian tới:
- Hãng Sapporo cho biết sẽ mua 65% cổ phần của Kronenbourg Việt Nam (KVL), một liên doanh 50-50 giữa công ty bia Đan Mạch Carlsberg Brewery A/S và Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba), với giá 25,35 triệu đôla Mỹ. Một quan chức của Kronenbourg Việt Nam cho biết hiện việc đàm phán đã hoàn tất và đang trong quá trình lo liệu thủ tục, dự kiến phải đến tháng 1-2010 mới hoàn thành và ký kết chính thức. Theo Sapporo, công ty này dự định sẽ đổi tên Kronenbourg Việt Nam thành Sapporo Việt Nam. Trong biên bản ghi nhớ với Carlsberg 11/2009, Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên Huế xác nhận sẽ hỗ trợ tập đoàn này mua lại 50% vốn góp của chính Ủy ban trong Công ty Bia Huế.
Công ty Bia Huế là đơn vị sản xuất bia hàng đầu tại miền trung Việt Nam với nhãn Huda. Công ty hiện có hai nhà máy với tổng công suất hằng năm lên tới 200 triệu lít. Vào năm 1995, Carlsberg đã mua 50% cổ phần hiện tại của công ty này.
- Một thông tin đáng chú ý nữa trong ngành viễn thông là: SK Telecom Việt Nam (SKTV) sẽ không tiếp tục đầu tư tại Việt Nam và Công ty Rutter Associates Korea của Hàn Quốc đang muốn tham gia vào liên doanh mạng di động S-Fone. Tuy nhiên, hiện Rutter Associates Korea và SPT đang trong giai đoạn đàm phán
(Theo Góc nhìn CEO // Vn Express)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com