Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người “hất cẳng” McDonald’s khỏi Canada

Những thành quả mà Ron Joyce đã đạt được trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm không chỉ mang lại những thành công to lớn cho sự nghiệp của cá nhân ông mà còn là những kinh nghiệm để đời về khả năng vận dụng một cách hiệu quả phương thức chuyển nhượng franchise, marketing và sự gắn kết giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

Sinh ra tại miền quê Nova Scotia trong một ngôi nhà không có hệ thống ống dẫn nước và sưởi ấm bằng củi đốt, Ron Joyce ngày nay đã sở hữu một khu nghỉ dưỡng sân golf trị giá hơn 60 triệu USD, là cổ đông chiến lược của công ty dầu khí Petro Andina (Argentina), đồng thời là ông chủ của một công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê máy bay tầm cỡ.

Những thành công ấy của Ron Joyce bắt nguồn từ việc sáng lập một cửa hàng bán cà phê rất nhỏ có tên Tim Horton’s (hay Tim Hortons ngày nay) mà hiện đã trở thành thương hiệu thành công nhất cũng như được ưa thích nhất tại Canada.

Thiết lập “khái niệm mới” cho Canada

Quả là không quá khi có không ít người đã ví Canada là “Đất nước của Timbit” (Timbit là tên một loại bánh rán nhỏ của chuỗi cửa hiệu franchise Tim Hortons). Lý do đơn giản nằm ở chỗ chuỗi các cửa hiệu Tim Hortons ngày nay có mặt ở hầu hết mọi ngóc ngách ở quốc gia này.

Tính đến thời điểm ngày 1/7/2007, riêng tại Canada đã có tới 2.733 cửa hàng, và tại Mỹ là 345, chưa kể thêm một cửa hàng hoạt động tại ngoại vi Kandahar, Afganistan; và gần đây là một cửa hàng nữa được khai trương ở nước ngoài, tại Dublin, Ireland.

Tim Hortons cũng đã ký bản thoả thuận với chuỗi bán lẻ SPAR tại Anh cho sản phẩm cà phê và bánh rán tại các máy thanh toán tự động trong hệ thống 16 cửa hàng của công ty này. Tim Hortons cũng là niềm tự hào của người dân Canada khi “hất cẳng” được McDonald’s, trở thành nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm lớn nhất Canada.

Tại Canada, chuỗi bán lẻ Tim Hortons trong năm 2005 chiếm tới 22,6% thị phần trong ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhanh, 76% thị phần cho sản phẩm bánh nướng (dựa trên số lượng khách hàng), và 62% là con số thị phần của công ty đối với thị trường cà phê.

Có nhiều điều thú vị về tầm ảnh hưởng và tiếng tăm của Công ty Tim Hortons tại Canada. Đơn cử có thể kể tới là việc Đội cảnh sát kỵ binh Hoàng Gia Canada thậm chí còn đặt mã sóng radio không chính thức cho chuỗi cửa hiệu Tim Hortons là 10-99, hay “Tango Hotel”.

Ngoài ra, vào ngày 10/8/2004, thuật ngữ double-double dùng tại các cửa hiệu Tim Hortons cho đồ uống cà phê với 2 phần kem và 2 phần đường cũng đã được đưa vào lần ấn bản thứ hai của cuốn Từ điển Canadian Oxford.

Để Tim Hortons có được vị trí như ngày nay, công lao đóng góp lớn nhất thuộc về nhà quản lý tài ba và năng nổ của chuỗi cửa hiệu trong suốt hàng chục năm từ con số không, Ron Joyce. Dưới sự lãnh đạo của Ron Joyce, mỗi ngày, trung bình ngành kinh doanh với đồ thực phẩm có giá tính đến từng xu lại mang về cho Tim Hortons con số lợi nhuận khổng lồ là 6 triệu USD.

Vậy thì nhờ đâu mà cậu bé vùng nông thôn Nova Scotia, lớn lên nhờ khoản trợ cấp ít ỏi của Chính phủ, lại có thể trở thành nhà kinh doanh thành công vượt bậc như ngày nay?

Niềm đam mê chiến thắng số phận

Sinh năm 1930 tại Tatamagouche, Nova Scotia, Ronald Vaughan Joyce là con trai trong một gia đình nghèo có 3 con. Cha mất khi Joyce lên ba, trợ cấp xã hội trở thành nguồn thu nhập duy nhất cho toàn bộ gia đình khi ấy.

Vào năm 16 tuổi, Joyce bỏ trường trung học để tìm kiếm vận may ngoài xã hội. Chỉ với 35 USD trong túi, Joyce tới Hamilton, Ontario kiếm việc ở một vài nhà máy trước khi ông quyết định gia nhập lực lượng Hải quân Hoàng gia Canada năm 1951. Sau một năm đóng quân ở vùng biên giới Hàn Quốc và Nhật Bản, Joyce trở về Hamilton, chuyển sang ngành cảnh sát.

Joyce tiếp cận với ngành thực phẩm khi quyết định mua chuỗi franchise Dairy Queen để bắt đầu nghiệp kinh doanh. Trong khoảng thời gian này, Joyce có cơ hội gặp gỡ với Tim Horton, ông chủ của một cửa hiệu cà phê và bánh ngọt nhỏ mang tên mình trong vùng. Là một huyền thoại trong môn thể thao hockey, điều hành tiệm cà phê không phải là sở trường của Tim Horton.

Vào năm 1956, Joyce bỏ việc nhà nước về kinh doanh franchise cho cửa hiệu Horton’s. Sau khi Tim Horton mất trong một tai nạn vào đầu năm 1974, Joyce mua lại số cổ phần của Horton từ vợ của ông và trở thành ông chủ của chuỗi cửa hiệu Horton’s.

Do trước đây, Joyce thường xuyên phải quán xuyến công việc vì Tim Horton không có nhiều kinh nghiệm trên thương trường để giúp đỡ ông, Joyce nhận thức được chính xác những gì cần phải làm để có được một chuỗi franchise thành công. “Triết lý của tôi là những chủ cửa hàng franchise phải được coi như đối tác kinh doanh”, Joyce chia sẻ.

Coi chủ cửa hàng là đối tác, Joyce nổi tiếng với việc sẵn sàng đưa ra những chương trình hỗ trợ hấp dẫn như tổ chức những buổi họp thảo luận, thiết lập đường dây điện thoại miễn phí và cung cấp dịch vụ định giá nhằm mục đích tạo điều kiện hết mức cho những chủ cửa hiệu Tim Hortons (ngày nay, thương hiệu Tim Horton’s được rút gọn thành Tim Hortons).

Thêm vào đó, với chính sách mở và công bằng, chỉ với khoảng 500.000 USD và 25% tài sản thay cho khoản vay nợ, bất kỳ ai cũng đều có cơ hội mở một cửa hiệu franchise Tim Hortons. Những hoạt động này, đúng như dự kiến của Joyce, đã thực sự tạo nên sức hấp dẫn cho thương hiệu Tim Hortons bởi cho tới ngày nay, mạng lưới cửa hàng đã phủ khắp các tỉnh thành của Canada cũng như mở rộng ra nước ngoài.

Để có được những thành công rực rỡ như ngày nay, có thể đi ngược lại với quan niệm của nhiều người, nhưng Ron Joyce luôn coi công việc kinh doanh là ý nghĩa quan trọng nhất, thậm chí trên cả gia đình riêng. Có thể hai người vợ trước đây của ông có nhiều điều phàn nàn về ông, nhưng không thể nghi ngờ về sự miệt mài làm việc của Joyce.

Với Ron Joyce, niềm đam mê của đời mình là Tim Hortons: “Đó là thế giới của tôi”. Joyce có thể làm việc liên tục trong nhiều giờ liền cho tới khi một đầu việc được hoàn tất, ông “nghiện” làm việc tới mức “đến giờ ngủ cũng khiến tôi bực mình”.

Là một nhà lãnh đạo quyết đoán, những ý tưởng mới luôn được Ron Joyce đưa vào thực hiện một cách nhanh chóng nhất có thể, gần như ngay lập tức. Hành trang với những ý tưởng đó chắc chắn luôn là tư tưởng vô cùng tích cực, sự tập trung hoàn toàn về mặt trí lực để hoàn thành công việc. Về công việc, Joyce có hai nguyên tắc để chia sẻ.

Thứ nhất, kể cả khi mọi việc xem chừng đã hoàn hảo thì vẫn có cách khiến chúng trở nên hoàn hảo hơn: “Một khi bạn nghĩ bạn đã hoàn thành tốt mọi việc rồi, bạn sẽ thất bại nhanh chóng”. Để có thể giúp những chủ cửa hiệu Tim Hortons đạt được thành công cao nhất, Joyce cho rằng cơ sở hạ tầng là rất quan trọng nhưng vấn đề đào tạo, hỗ trợ và phục vụ cũng như tạo lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, hợp lý mới chính là mục tiêu cao nhất. Thứ hai, việc gì cũng là việc của mình.

Ron Joyce cười trong khi cho biết: “Tôi sẽ nướng bánh từ 3 giờ sáng bởi vì đó là điều kiện để có được mẻ bánh ngon. Nếu rác chưa được đổ, tôi sẽ làm việc đó. Nếu cửa hiệu không được sạch sẽ, chính tay tôi sẽ lau dọn”. Theo Joyce, dù thế nào đi chăng nữa, những việc nhỏ nhất cũng giúp việc vận hành chuỗi cửa hiệu một cách có hiệu quả. Khi tất cả mọi người trong nhóm làm việc đều chia sẻ nguyên tắc này, đều có trách nhiệm với doanh nghiệp thì thành công chắc chắn trong tầm tay.

Hối tiếc không có nghĩa là đầu hàng

Mỗi khi nhắc tới Ron Joyce, ai cũng sẽ phải nói tới thành công của ông tại Tim Hortons. Tuy nhiên, đó vẫn là chưa đủ nếu không kể tới thất bại đáng tiếc nhất của ông vào giữa thập niên 90. Thời điểm đó, với số lượng cửa hiệu của Tim Hortons lên tới con số 1.000 và tầm hoạt động đã phủ trên hầu hết các tỉnh thành của cả nước, Tim Hortons trở thành đối tác mơ ước của không ít tên tuổi lớn tại Canađa. Và một trong số đó phải kể tới là Wendy’s International Inc.

Tranh thủ cơ hội Ron Joyce có ý định liên kết để thực hiện các chiến lược dài hơi mới cho Tim Hortons, doanh nghiệp Wendy’s International Inc. đã tìm kiếm được bản hợp đồng liên kết hoạt động với Ron Joyce. Theo đó, Ron Joyce sẽ sở hữu 16,5 triệu cổ phiếu của Wendy, 14% cổ phần và một vị trí trong Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh cùng khoản tiền lương vô cùng hậu hĩnh, 850.000 USD.

Mặc dù là cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp nhưng vị trí của Ron Joyce trong chính chuỗi các cửa hiệu của mình dần bị lu mờ do ý đồ thâu tóm của các thành viên lãnh đạo của Wendy. Cách thức quản lý của doanh nghiệp dần bị thay đổi theo hướng giảm hiệu quả khi tiến vào thị trường Mỹ trong khi những tất cả những ý kiến của Ron Joyce lại bị phớt lờ. Ron Joyc nhanh chóng trở thành người đối đầu với các thành viên lãnh đạo khác đến từ Wendy và ông cũng hiểu ra rằng “mình đã mắc phải sai lầm lớn nhất 35 năm kinh doanh qua”.

Mất gần 1 năm buồn chán với sai lầm đó, ông đã phải thốt lên rằng “Tôi đã bán đi tất cả những gì tôi đã tâm huyết xây dựng lên. Mặc dù đã là quá muộn nhưng tôi vẫn rất tiếc vì sai lầm này và nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ không bao giờ bán Tim Hortons”.

Cuối cùng, Ron Joyce đã bỏ lại sau lưng tất cả và ra đi chỉ với vỏn vẹn 250 triệu USD. Với suy nghĩ “Hối tiếc không đồng nghĩa với đầu hàng”, Ron Joyce đã quyết định đầu tư hầu sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Ngay sau khi rời Tim Hortons, Ron Joyce đầu tư ngay 60 triệu USD vào xây dựng khu nghỉ dưỡng resort, sân golf tiêu chuẩn năm sao, dự án bất động sản tại khu vực bở biển của Nova Scotia và dịch vụ cho thuê máy bay.

Bằng những tính toán hợp lý và một bầu nhiệt huyết kinh doanh của mình, những dự án đầu tư mới này đều phát triển rất tốt và mang lại cho Ron những khoản lợi nhuận lớn. Đặc biệt, những khu resort đều được thiết kế theo mô hình các ngôi nhà của những người nổi tiếng như Frank Mckenna, Anne Murray hay cựu Tổng thống Mỹ Clinton đã trở thành một trong những điểm thu hút khách lớn nhất tại Canada.

Trên cơ sở những thành công đó, Ron Joyce tiếp tục tiến hành chương trình đầu tư vào lĩnh vực khai thác và kinh doanh dầu khí tại Petro Andina, Argentina. Bằng những khoản đầu tư mạnh tay của mình, Ron Joyce đã tạo đà cho Petro Andina đạt những bước phát triển rất lớn. Theo thống kê, năm 2007, sản lượng khai thác của Petro Andina đạt trung bình 60.000 thùng dầu mỗi ngày. Theo dự tính, năm 2008, con số này sẽ tăng lên tới 10.000 thùng mỗi ngày. Mới đây nhất, Ron Joyce đã khẳng định: “Tôi là người nắm giữ nhiều cổ phần nhất tại Petro Andina và đầu tư vào lĩnh vực dầu khí vẫn sẽ là một cuộc chơi mới đối với tôi”.

Nổi tiếng với tài năng trong kinh doanh, Ron Joyce còn được đông đảo người dân Canada biết tới trong vai trò là một nhà từ thiện. Từng có câu nói bất hủ: “Nhân loại đều cùng một nhà, cống hiến luôn là điều thiêng liêng cần phải làm và kiếm tiền cho mục đích cá nhân không phải là mục đích chính của tôi. Tôi quyết tâm làm giàu để có thể có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội và tôi không muốn chết đi mà mang theo của cải, do đó, tôi sẽ hết những gì mình có trước khi giã từ cõi đời này”, Ron Joyce đã có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng.

Ông từng đóng góp 10 triệu USD cho Trường McMaster University tại Hamilton, Ontario; xây dựng Quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo Tim Horton Children’s Foundation. Với những công lao to lớn đó, Ron Joyce từng được nhận Giải thưởng Gary Wright Humanitarian Award năm 1991; Giải thưởng Humanitarian Award Recipient của Tổ chức Chữ thập đỏ Canada năm 2005...

(Theo VNEconomy)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com