Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tính ưu việt của Đại học Harvard

Như mọi người đều biết, Harvard là một trong những đại học nổi tiếng và có uy tín nhất thế giới. Đây là nơi quy tụ những giáo sư giỏi và đón nhận những thế hệ sinh viên ưu tú nhất của Mỹ và của thế giới. Hai phương châm lớn nhất của đại học này là tạo mọi điều kiện để những học sinh ưu tú nhất đến học dù xuất thân từ thành phần nào, và khi xét tuyển sinh viên vào học, nhà trường chú ý đến những ứng viên có tiềm năng phát huy vai trò lãnh đạo.

Cùng với điều kiện học tập lý tưởng, các phương châm đó đã làm cho Harvard trở thành nơi sản sinh số Tổng thống Mỹ nhiều nhất trong các đại học, nhiều nguyên thủ ở các quốc gia trên thế giới, cũng như nhiều lãnh đạo trong hành chính, doanh nghiệp và các lĩnh vực khác.

Được thành lập năm 1636, Đại học Harvard hiện nay có 6.700 sinh viên cấp đại học và 12.300 sinh viên trên đại học (thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ). Có 1.900 giáo sư (kể cả phó giáo sư và giảng viên). Cho đến nay đã có 43 giáo sư lĩnh giải Nobel (kể cả các giáo sư đã mất hoặc đã về hưu). Như vậy trung bình có một giáo sư trên 11 sinh viên. Về tổ chức, giáo dục ở bậc đại học do Harvard College (có thể dịch là Trường đào tạo bậc đại học Harvard) phụ trách, trên đại học thì chia thành các trường chuyên môn như Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School), Trường Luật Harvard, Trường Hành chánh Kennedy, Trường Y, v.v… 

Trong lúc cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mỹ chuyển dần sang cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngày 10-11-2008, Giáo sư Drew G. Faust, Hiệu trưởng Đại  học Harvard, đã viết lá thư gửi cho các giáo sư, sinh viên và cán bộ quản lý của trường để nói đến những khó khăn về thu nhập, về ngân sách mà đại học sắp phải đối diện trước những khó khăn chung của kinh tế Mỹ, đồng thời khẳng định quyết tâm giữ vững phương châm cơ bản về giáo dục và nghiên cứu tại một đại học hàng đầu thế giới.

Cũng như các đại học hàng đầu khác ở Mỹ, hơn 1/3 thu chi hằng năm của Harvard tùy thuộc vào đóng góp của xã hội (gồm những người đã tốt nghiệp, những nhà mạnh thường quân, v.v..). Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể những đóng góp này.

Nhưng, trong thư nói trên, bà Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Như chúng ta đã lên kế hoạch, ta phải khẳng định lập trường kiên định là giúp đỡ sinh viên về mặt tài chính. Ở cấp đại học 4 năm, ta phải làm sao cho những sinh viên xuất chúng xuất thân từ tầng lớp thu nhập thấp và trung bình của xã hội có thể đến học ở Harvard.
 
Giống như trước đây, những gia đình có thu nhập dưới 60.000 USD một năm (Ở Mỹ, đây là những gia đình có thu nhập thấp) sẽ không phải đóng đồng học phí nào khi gửi con em đến học ở Harvard. Những gia đình thu nhập dưới 180.000 USD/năm (thuộc giới trung lưu) sẽ không chi quá 10% thu nhập khi học ở đại học chúng ta” (Tiền học phí mỗi năm của Harvard hiện nay là 32.557 USD, kể cả các phí tổn khác như ký túc xá, v.v..  thì mỗi năm sinh viên của các gia đình khá giả, giàu có phải đóng 47.215 USD).

Mấy dòng có tính cách thời sự này nói lên phương châm rất hay của Harvard là đón nhận sinh viên ưu tú nhất đến học, bất kể xuất thân từ thành phần nào, và nhà trường sẽ miễn học phí cho sinh viên nghèo. Ban giám hiệu quyết tâm duy trì phương châm giáo dục này, dù thu nhập sẽ bị giảm nhiều, bằng cách cắt giảm tối đa các chi phí quản lý và hoãn lại một số dự án nghiên cứu hoặc mở rộng trường.

Đầu tháng 6-2008, tôi có dịp tham dự Lễ tốt nghiệp của Đại học Harvard.  Buổi sáng dành cho sinh viên tốt nghiệp bốn năm ở đại học. Buổi chiều, các trường chuyên môn (Trường Luật, Trường kinh doanh, Trường Y, v.v...) tổ chức riêng cho sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ.  Trong nghi lễ công nhận những sinh viên vừa tốt nghiệp có một điểm đáng chú ý.

Trưởng khoa của khoa mình phát biểu danh sách sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp và hiệu trưởng phát biểu chính thức thông qua danh sách đó. Lúc đó sinh viên chính thức được tốt nghiệp. Trong phần phát biểu của trưởng khoa có câu sau: Thưa bà Hiệu trưởng, đây là danh sách các sinh viên trong khoa chúng tôi, những sinh viên đã hoàn thành xuất sắc việc học tập theo yêu cầu của nhà trường, và là những sinh viên đã cho thấy có tiềm năng lãnh đạo ở các lĩnh vực xã hội sau khi ra trường. Năng lực lãnh đạo của sinh viên tốt nghiệp được đặc biệt chú trọng.

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2008 đã làm rộn lên không khí phấn chấn, sôi nổi trong xã hội Mỹ và trên thế giới. Nhưng có lẽ không nơi đâu hào hứng, sôi nổi bằng Đại học Harvard. Obama là Tổng thống thứ tám của Mỹ tốt nghiệp ở Harvard (thạc sĩ luật), sau John Adams (1735-1826), John Quincy Adams (1767-1848), Rutherforrd

B. Hayes (1822-1893), Theodore Roosevelt (1858-1919), Franklin Delano Roosevelt (1882-1945), John F. Kennedy (1917-1963) và George W. Bush (1946).  Tổng thống Obama có phu nhân cũng tốt nghiệp ở Harvard (cả hai vợ chồng Obama đều tốt nghiệp Trường Luật Harvard).
 
Nhìn ra thế giới, hiện nay, Tổng thống của Mexico, Liberia, Columbia, và Thủ tướng Singapore là những người đã tốt nghiệp bậc đại học, hoặc thạc sĩ, hoặc tiến sĩ ở Đại học Harvard. Cố Thủ tướng Bhutto của Pakistan, cựu Thủ tướng ở Norway, Cook Islands, Mongolia, cựu Tổng thống Ireland, Costa Rica, Ecuador, và hai cựu Tổng thống của Mexico cũng là những người tốt nghiệp Harvard. Cựu sinh viên Harvard còn có đương kim Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và nhiều lãnh đạo các cơ quan quốc tế, các doanh nghiệp lớn ở Mỹ và trên thế giới.
Harvard, những ngày cuối năm 2008

(Theo báo Đà Nẵng)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • 10 "chiêu" giao việc thành công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com