Người Mỹ chúa mê kem. Một trong những mác kem nổi tiếng nhất ở Mỹ là Ben&Jerry. Một trong những bí quyết thành công mấu chốt của Ben&Jerry là biết chế ra những mùi vị kem hết sức lạ.
Hai ông chủ Ben&Jerry |
Một điều đặc biệt là hầu như đó là sáng tạo của chính Jerry, và thường bỏ qua bước tìm hiểu thị hiếu thị trường. Nghĩa là có ý tưởng rồi mạnh tay làm ngay.
Ben Cohen và Jerry Greenfield là những người bạn nối khố, và họ chào đời cách nhau có 4 ngày cùng vào năm 1951 tại thành phố Brooklyn thuộc New York (Mỹ). Có thể nói không ngoa rằng kem “chảy” trong dòng máu của hai chàng trai này từ hồi bé, vì hồi học cấp ba Ben đã lái xe thùng chở kem.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, cậu cứ nhảy hết trường đại học này sang trường cao đẳng khác, rồi cuối cùng tặc lưỡi chọn con đường công danh bằng nghề dạy đúc gốm ở một nông trang thuộc vùng Adirondack, New York. Và cũng tại đây Ben bắt đầu võ vẽ học cách làm kem.
Còn con đường sự nghiệp của Jerry xem chừng có vẻ truyền thống hơn chút đỉnh. Lĩnh tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học xong, Jerry thi vào trường đại học Oberlin, khoa y. Những năm sinh viên, anh làm thêm ở quầy kem trong căng tin nhà trường.
Ra trường, Jerry quay về New York và trở thành nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm, đồng thời nộp đơn thi vào trường y nhưng không được chấp nhận. Chính hồi làm ở phòng thí nghiệm, Jerry cùng thuê căn hộ ở khu Mahattan với Ben, và thế là hai ý tưởng lớn gặp nhau.
Sau khi chuyển về sống vài năm ở vùng Bắc Carolina, Jerry khăn gói quay lại với Ben tại Saratoga Springs, New York, và họ quyết chí cùng bắt tay vào kinh doanh ngành hàng thực phẩm.
Thoạt đầu đôi bạn định thử bán món bánh sừng, nhưng rồi đổi ý vì thấy máy móc quá đắt tiền, thế là họ xoay sang bán kem. Ngắm nghía các địa điểm một hồi, hai chàng trai thấy rằng Burlington là một vị trí lý tưởng để mở hiệu kem vì đó là một thành phố sinh viên, mà lại chưa có ai kinh doanh mặt hàng này.
Họ chi ra... 5 đô la cho một khóa học làm kem cấp tốc và năm 1978, cửa hàng kem đầu tiên mang tên Ben&Jerry, cải tạo lại từ một trạm xăng, long trọng khai trương ra mắt khách hàng.
Chẳng bao lâu quầy kem trở nên đông khách bởi chủng loại phong phú và đặc biệt có những mùi vị rất “độc chiêu”. Người ta tìm tới đây không chỉ để thưởng thức kem, mà còn để hẹn hò, gặp gỡ, chuyện trò với nhau.
Không bỏ qua cơ hội vàng, Ben và Jerry lập tức biến quầy hàng thành một “câu lạc bộ sinh viên” bằng cách tổ chức chiếu phim miến phí, rồi khuyến mãi kem vào những dịp sinh nhật nhà hàng, một truyền thống đẹp còn được giữ đến tận ngày nay.
Năm 1980, hai chủ nhân hiệu kem bắt đầu sản xuất ra kem cốc loại một panh (đơn vị đo lường bằng 0.57 lít ở Mỹ) và bán cho các cửa hàng thực phẩm quanh vùng.
Ben&Jerry không chỉ là tấm gương thành công của ngành kinh doanh bán kem. Hai người còn là tác giả của một loạt các dự án xã hội: - Thành lập cửa hàng bách hóa bán các mặt hàng làm từ vật liệu tái chế. - Thành lập “Đội xanh” vào năm 1989, tập trung vào đề tài giáo dục môi trường cho nhân viên trong công ty. - Công ty dùng xe bus được lắp đặt hệ thống pin mặt trời, với mục đích quảng cáo cho nguồn năng lượng sạch. - Công ty lập ra bản cam kết sẽ thực hiện việc theo dõi rác, nước thải và bảo vệ năng lượng. |
Tới năm 1981, họ càng đẩy mạnh hướng kinh doanh kiểu này, bởi kết quả khả quan trông thấy. Những năm 80 người Mỹ bắt đầu biết tới các mác kem như Super Fudge Chunk và Cherry Garcia, các sản phẩm “đặc chủng” của Ben&Jerry.
Tính tới năm 1987, tổng doanh thu do bán kem của hai chàng trai bạo phổi và năng động này là... 32 triệu đô la. Năm 1988, họ được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trao cho danh hiệu “Những doanh nghiệp nhỏ của năm”, và tới cuối năm đó công ty bán kem đã hoạt động trên khắp 18 bang trên nước Mỹ.
Vào những thập kỷ 80, các loại kem “đi đầu” là Chunky Monkey, Rainforest Crunch và Economic Crunch. Ngày 19/10/1987, khi thị trường chứng khoán Mỹ trải qua “ngày thứ hai đen tối” (chỉ số Dow Jones giảm tới 23%), Ben và Jerry đã quyết định mang kem tới Wall Street phục vụ miễn phí.
Tất nhiên con đường phát triển của công ty không phải lúc nào cũng êm ái như vị ngọt của kem. Giữa những năm 80, Ben&Jerry đụng độ với Haagen-Dazs về độc quyền phân phối, dẫn tới việc kiện tụng với công ty mẹ của Haagen-Dazs là the Pillsburry Company. Cộng với việc công ty ngày một lớn dần, việc tổ chức quản lý cần tới tầm nhìn xa trông rộng hơn.
Hai người chủ bèn mở một cuộc thi với chủ đề “Tôi chính là giám đốc của công ty!”, và tới năm 1995 Robert Holland, người từng đầu quân cho McKinsey&Co, được tuyển vào vị trí chèo lái của Ben&Jerry.
Ban đầu không khỏi có những ý kiến hoài nghi cho rằng đây là một sai lầm, bởi khách hàng đã quen gắn hình tượng của kem với chính Ben&Jerry, và sự xuất hiện của một vị tướng lạ lẫm sẽ làm mất đi phong cách đặc trưng của hãng kem truyền thống.
Bước tiếp theo là Ben&Jerry tìm kiếm vị thế của mình trên thị trường kem. Nói gì thì nói, cho dù công ty có nổi danh nhờ các vị kem đặc biệt và lạ miệng, thì người Mỹ từ xưa tới giờ vẫn quen với một khẩu vị truyền thống của kem, đó là kem vani.
Thật thiếu sót nếu bỏ qua thị phần béo bở này. Và công ty cho ra thị trường một dòng sản phẩm kem có hương vị truyền thống hơn, để giành lại phần khách hàng vốn e dè với những loại kem “lạ miệng”.
Holland giữ chức giám đốc công ty tới năm 1996, sau đó Perry Odak lên nắm giữ cương vị lãnh đạo của Ben&Jerry. Doanh thu năm 1997 lên tới 174 triệu đô la.
Năm 2000, nhà sản xuất khổng lồ Unilever đã mua lại mác Ben&Jerry với giá 326 triệu đô la, nhưng Ben và Jerry vẫn có quyền quản lý chi nhánh sản xuất kem bên trong tập đoàn.
( Theo TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com