Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện về “Henry Ford” của Trung Quốc

Chủ tịch Geely Lí Thư Phúc - tinkinhte.com
Chủ tịch Geely Lí Thư Phúc - Ảnh: Reuters.

Lý Thư Phúc, nhà sáng lập và hiện là chủ tịch của Tập đoàn ôtô Geely Triết Giang của Trung Quốc, là người có nhiều điểm tương đồng với Henry Ford, người sáng lập tập đoàn ôtô Ford của Mỹ.

Với xuất thân từ nông dân, không có “người đỡ đầu”, ý tưởng xây dựng một nhà máy ôtô của Lý Thư Phúc được cho là quá viển vông. Nhưng ngày nay, thương hiệu ôtô Geely của ông đang được bán rất chạy ở 22 nước.

Lý Thư Phúc cho biết mục tiêu của Geely là đạt sản lượng 2 triệu xe/năm vào năm 2015 từ con số 100.000 xe trong năm 2004. Thư Phúc hy vọng 1,4 triệu chiếc trong số 2 triệu chiếc sản xuất hàng năm sẽ được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.

Từ tủ lạnh đến xe máy

Geely - theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là Cát Lợi - bắt đầu sản xuất ôtô năm 1998. Dựa vào tự lực, Geely sản xuất những loại xe rẻ tiền như Haoqing, Merrie, Ulion, Meirenbao, Maple, Beauty Leopard và China Dragon.

Cũng giống như Henry Ford của Mỹ, tâm điểm hướng tới trong định hướng của Lý Thư Phúc là thị trường rộng lớn với các mẫu mã phổ biến như Free Cruiser và Geely Kingkong, và giá thành khá khiêm tốn, chỉ khoảng 40.000 NDT (5.859 USD).

Khi ông bắt đầu phát triển sự nghiệp trong ngành sản xuất mô - tô, một số người nghĩ rằng chắc chắn ông sẽ thất bại nhưng Lý Thư Phúc đã thành công. Khi ông rút lại gói tài trợ dành cho đội bóng đá Quảng Châu vì không tin tưởng vào những người trọng tài, sau đó, ông phải chịu áp lực từ nhiều phía. Khi ông theo đuổi giấc mơ sản xuất ôtô, nhiều người bảo là ông bị điên. Từ trước đó, chưa từng có một công ty tư nhân nào xuất hiện trong ngành này.

Trong văn hóa kinh doanh của Trung Quốc, Lý Thư Phúc chịu nhiều lời hiềm khích. Những suy nghĩ táo bạo, những ý tưởng sáng tạo và cá tính mạnh mẽ của ông khiến nhiều người ngạc nhiên, những người vốn quen với những thông lệ và thói quen kinh doanh kiểu cũ.

Ngồi ghế chủ tịch của hãng sản xuất ôtô tư nhân đầu tiên của Trung Quốc, Lý Thư Phúc đã tạo một bước đột phá mạnh mẽ, góp phần đưa ôtô Trung Quốc dấn bước trên thương trường quốc tế. Việc Trung Quốc gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thúc đẩy hình ảnh của các doanh nghiệp Trung Quốc nhưng không ai có thể phủ nhận rằng sự thành công của Lý Thư Phúc được xây dựng từ khả năng sáng tạo và tính quyết đoán của ông.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Triết Giang, Trung Quốc, cũng giống như những học sinh của thuở ấy, ông không đủ điều kiện để học đại học. Ý chí vươn lên vẫn không ngừng thôi thúc trong lòng, vì thế, Thư Phúc quyết định bắt đầu kinh doanh năm 1984 với số tiền 2.000 Nhân dân tệ được bố cho làm vốn.

Ông quyết định làm các linh kiện cho tủ lạnh. Vào thời điểm đó, nhu cầu về các loại linh kiện này đang bùng nổ, do đó, các nhà đầu tư rất chú ý đến mặt hàng này, nhưng rất nhiều người trong số họ đã từ bỏ kế hoạch đầu tư vào mảng này do các vấn đề về kỹ thuật.

Tuy nhiên, Lý Thư Phúc không rút lui. Ông tìm đến các chuyên gia hàng đầu và học hỏi kinh nghiệm của những nhà máy lớn. Để rồi sau một thời gian “tôi luyện”, Lý Thư Phúc đã có thể thành lập nhà máy của riêng mình. Các sản phẩm của ông được bán trên khắp đất nước Trung Quốc. Đây là bước đi thành công đầu tiên của Lý Thư Phúc, lúc đó, ông mới tròn 21 tuổi.

Năm 1989, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra những quy định mới đối với ngành điện lạnh. Chỉ có những nhà máy được chỉ định mới được phép sản xuất tủ lạnh và các linh kiện lắp ráp. Kết quả là, Thư Phúc không có đủ điều kiện để sản xuất và ông bị buộc phải đóng cửa nhà máy.

Nhưng sau đó, Lý Thư Phúc đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy sự thành công của Kelon và Midea, hai nhà máy cũng đã từng “dở sống dở chết” như ông khi bị buộc phải đóng cửa. Thư Phúc có được một bài học quan trọng – nếu dễ dàng từ bỏ, sẽ không bao giờ thành công.

Năm 1994, những chiếc xe máy nhập khẩu đắt đỏ được bán rất chạy ở Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, Thư Phúc quyết định sản xuất xe máy. Tuy nhiên, cũng theo quy định của Chính phủ Trung Quốc, các doanh nghiệp phải xin được giấy phép từ Bộ Cơ khí và Công nghiệp xây dựng (MMBI) trước khi được phép sản xuất xe máy. Các công ty tư nhân nhỏ gần như rất khó lấy được giấy phép này.

Không chịu chùn bước, Thư Phúc trực tiếp đến MMBI để xin giấy phép. Thế nhưng, ông đã “trượt ngay từ vòng gửi xe”. Bước tiếp theo, ông đến Hàng Châu và mua lại một nhà máy xe máy của Nhà nước đang ở trên vực phá sản. Trong quá trình xoay sở với nhà máy này, Thư Phúc nhìn thấy cơ hội thành công cho dòng xe máy động cơ bốn thì. Và sau đó, xe máy của Thư Phúc được bán ở 22 nước, bao gồm cả Mỹ, Đức và Italia.

Trong vòng 3 năm, doanh thu của xe máy thương hiệu Geely được xếp đầu bảng trong số những xe máy “Made in China”. Bản thân doanh nghiệp Geely cũng trở thành công ty tư nhân lớn thứ tư của Trung Quốc. Đấy cũng là lúc, Lý Thư Phúc quyết định sản xuất xe hơi.

Chiếc xe hơi Geely đầu tiên

Từ công ty xe máy của mình, Lý tìm ra được 3 kỹ sư đã từng có kinh nghiệm làm việc cho các nhà máy ôtô. Ông gọi họ lên gặp và giới thiệu với họ về ý tưởng sản xuất xe hơi của mình. Lý Thư Phúc và 3 kỹ sư đó đã trở thành lực lượng nghiên cứu và phát triển chủ chốt của Geely.

Sau khi đến thăm các nhà máy ôtô và những trường đại học có đào tạo kỹ sư cơ khí chuyên ngành ôtô, Lý Thư Phúc trở về với một ý tưởng táo bạo hơn. Thay vì sản xuất những chiếc xe hơi đơn giản, ông muốn thiết kế thương hiệu của riêng mình.

Những chiếc xe hoàn chỉnh đầu tiên được lắp kính siêu dẻo dai, trông giống một chiếc Benz 320. Tuy nhiên, một vấn đề đã phát sinh. Loại kính siêu dẻo dai lại dễ dàng bị biến dạng. Thất bại này khiến Thư Phúc phải sắp xếp lại kế hoạch của mình. Để đảm bảo chất lượng cho những chiếc xe của mình, ông quyết định sử dụng những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.

Nhưng chẳng có ai cho rằng giấc mơ này của ông sẽ thành hiện thực. Một lần Thư Phúc tìm đến sự giúp đỡ của một chuyên gia đang làm việc tại một công ty ở Thượng Hải. Sau khi nghe xong câu chuyện của Thư Phúc, vị chuyên gia này đã quay lưng lại và bước đi. Thư Phúc vẫn kiên nhẫn chờ đợi một lúc nhưng vị chuyên gia này đã không quay lại.

Cuối cùng, Tập đoạn FAW của Trung Quốc, nhà sản xuất xe ô tô hàng đầu Trung Quốc đã đồng ý hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phát triển của Geely. Thế nhưng, Geely lại phải đương đầu với những vấn đề về quyền sản xuất.

Một lần nữa, Thư Phúc lại cần đến giấy phép của MMBI. Theo cơ quan này, doanh nghiệp của Lý Thư Phúc cần phải xin giấy phép cho từng loại xe ôtô mà họ muốn sản xuất. Trong đó giấy phép sản xuất xe hơi được kiểm soát rất ngặt nghèo và vì thế rất khó để xin được loại giấy phép này.

Năm 1997, một người bạn kể cho Thư Phúc nghe về một nhà máy sản xuất ôtô nhỏ ở Tứ Xuyên. Nhà máy này đã được phép sản xuất xe hơi cỡ nhỏ. “Có thế chứ, chúng ta hãy thử xem” là lời đáp lại của Thư Phúc sau khi được kể về nhà máy này.

Ông đã thành lập một liên doanh với nhà máy ở Tứ Xuyên. Ông có định hướng sản xuất các loại xe hơi kiểu Benz nhưng đã bị từ chối. Tại thời điểm đó, Thư Phúc không hề có bất cứ giấy phép nào để sản xuất bất kỳ loại xe hơi nào. Ông vẫn kiên trì thiết kế nhiều loại xe hơi khác nhau. Cuối cùng, Thư Phúc cũng nhận được giấy phép sản xuất xe hơi của MMBI.

Một năm sau, Thư Phúc mua tất cả cổ phần của nhà máy Tứ Xuyên và xây dựng nhà máy Geely đầu tiên ở tỉnh Triết Giang. Tháng 8/1998, thương hiệu xe hơi Haoqing được sản xuất rất thành công. Một năm sau, ông thành lập nhà máy ôtô Geely thứ hai ở Khu phát triển kinh tế Ninh Ba tại Triết Giang.

Đấu tranh để đạt thành công

Khi lần đầu tiên Thư Phúc tham gia vào ngành công nghiệp ôtô, rất ít người bạn ủng hộ ý tưởng của ông. Các quan chức của chính phủ và các chuyên gia nói với Thư Phúc: “Anh không đủ khả năng xây dựng một nhà máy ô tô đâu, còn nếu anh có đủ khả năng xây dựng nhà máy, anh lại không thể tìm được thị trường cho xe của mình, ngành ô tô đang bị cạnh tranh khốc liệt và anh không có cơ hội để thành công đâu”.

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn trên và Thư Phúc quyết định tiếp tục phát triển ý tưởng của mình. Ông tin chắc rằng, người tiêu dùng Trung Quốc cần đến những chiếc xe hơi kinh tế mà các nhà máy lớn rất do dự không muốn sản xuất bởi vì lợi nhuận rất thấp.

Những nhà máy được gọi là lớn đó sản xuất rất nhiều loại xe nhưng mức giá quá cao đã làm giảm doanh thu của ngành. Vì vậy, họ chưa bao giờ nhận ra nhu cầu thật của thị trường. Kế hoạch kinh doanh của họ không hiệu quả vì chi phí sản xuất cao và doanh số bán hàng thấp.

Là một công ty tư nhân, Geely đã lựa chọn dòng xe phù hợp với doanh số bán hàng đã tính trước. Năng lực sản xuất bước đầu chỉ được đặt ở mức 25.000 chiếc, nhờ đó giảm được mức đầu tư ban đầu và các chi phí liên quan.

“Sản xuất xe hơi không kỳ diệu như nhiều người nghĩ. Một chiếc xe hơi không đơn thuần chỉ là 4 bánh xe, một bánh lái và một động cơ. Công nghệ sản xuất xe hơi ở mức rất cao. Xem ra, tôi cần phải mua công nghệ, linh kiện và chịu tốn tiền cho các kỹ sư”- Thư Phúc nói.

Sự thật không đơn giản như vậy. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ cho phép một công ty tư nhân sản xuất xe hơi. Vì thế, Geely không thể xúc tiến các sản phẩm mới hay thậm chí nâng cấp các xe hơi cỡ nhỏ đã từng sản xuất. Thêm vào đó, người tiêu dùng không tin tưởng ở giá bán, khi mức giá này thấp hơn mức giá của các loại xe do nhà nước sản xuất và các dòng xe liên doanh.

Lý Thư Phúc phải tìm đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau để xin giấy phép cho công ty của ông “được sống”. Ông đã từng nói rất chân thành với một quan chức: “Xin hãy để cho tôi được thử. Đây là giấc mơ của tôi. Tôi sẽ trả giá cho mọi thứ và chấp nhận đương đầu với rủi ro. Chỉ cần cho tôi một cơ hội, thắng hay thua tôi xin chịu”.

Ngày 30/10/2001, 10 ngày trước khi Trung Quốc chính thức gia nhập WTO, ủy ban hợp tác thương mại và kinh tế của chính phủ đã công bố thừa nhận loại xe do Geely sản xuất. Geely trở thành một trong những nhà máy sản xuất xe hơi chính thức của Trung Quốc.

Thêm vào đó, việc các nhà máy xe ô tô nhà nước giảm giá bán đối với loại xe hơi cỡ nhỏ đã thúc đẩy thị trường cho xe ô tô của Geely. Cuối năm 2001, Geely đạt doanh số tăng vọt. Và xu hướng đi lên tiếp tục cho đến tận ngày nay.

Cổ phiếu của Geely trên thị trường chứng khoán Hong Kong đã tăng hơn 8 lần kể từ năm 2006, trong đó đột phá là bước nhảy hơn 4 lần trong năm nay với niềm tin lớn về vụ mua lại thương hiệu Volvo, vốn có doanh số bán hàng rất lớn trên các thị trường ôtô lớn nhất thế giới và là một trong những hạng mục đầu tư chủ chốt của Goldman Sachs.

(Theo Mạnh Khanh // Vneconomy)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Ông chủ của Fannie Mae và Freddie Mac có thể được nhận tới 6 triệu USD
  • Dilip Shanghvi, tỷ phú quyền lực trong ngành dược phẩm
  • Khám phá tư duy của những doanh nhân "siêu" sáng tạo
  • Lời khuyên của chủ tịch hãng Starbucks
  • Triệu phú Bellum Tan: Điều khiển đồng tiền
  • Brenda C. Barnes đến với thành công từ một "mớ hỗn độn"
  • Chuyện lương bổng của CEO thế giới
  • Những doanh nhân trẻ châu Á xuất sắc nhất năm 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com