Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

George Soros - kẻ khuynh đảo thị trường tài chính thế giới

Chỉ vài tháng trước khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, tỷ phú Soros nhận định, hệ thống tài chính đang ở trong tình trạng “siêu bong bong” và chỉ chờ ngày vỡ.

Trong cuốn sách mang tên “Mô hình mới của thị trường tài chính” (tạm dịch từ The new paradigm for financial markets), Soros mô tả hiện tượng “siêu bong bong” trên thị trường tài chính đã hình thành trong suốt 25 năm qua và chỉ ngày vỡ. Đây là cuốn thứ ba trong một series sách của Soros đề cập đến thảm họa đối với thị trường tài chính. Trong đó, tỷ phú đầu cơ viết một cách ẩn dụ: “Tôi đã đếm số lần sói tru. Lần đầu tiên là trong cuốn 'Thuật giả kim của thị trường tài chính', lần thứ hai là cuốn 'Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu' và lần thứ ba là trong cuốn sách này. Sau 3 lần sói tru, con sói thực sự sẽ đến”.

Tỷ phú cũng nhận định, hiện chưa có triển vọng về việc tìm ra giải pháp trong ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng tài chính. Soros cũng là người công khai phản đối mạnh mẽ nhất kế hoạch của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson dùng 700 tỷ USD để mua lại nợ xấu của các định chế tài chính.

Những nhận định của George Soros giờ vẫn được nhiều người tin theo. Ảnh: AP

Sự nghiệp của Soros có nhiều mảng tối, trong đó có những lần bị phạt vì đầu cơ tiền tệ hoặc bị cáo buộc về giao dịch nội gián. Năm 1988, Soros nhận được lời đề nghị tham gia nắm giữ ngân hàng khổng lồ của Pháp Société Générale. Soros từ chối, nhưng sau đó mua một lượng cổ phần của ngân hàng này trước khi thông tin về việc chuyển nhượng ngân hàng được công bố rộng rãi. Một năm sau, giới chức Pháp bắt đầu điều tra về vụ việc và đến năm 2002, một tòa án nước này kết luận hành vi của Soros là giao dịch nội gián và tuyên phạt vị tỷ phú 2,3 triệu USD, bằng đúng số tiền Soros kiếm được từ vụ mua cổ phần của Société Générale. Soros phủ nhận và nói rằng thông tin về vụ chuyển nhượng đã được công bố rộng rãi.

Mới đây, quỹ đầu tư Soros Management Fund bị cơ quan quản lý Hungary, nơi Soros sinnh trưởng, phạt 2 triệu USD vì thực hiện kế hoạch đầu cơ tấn công đồng nội tệ của nước này.

Song tên tuổi của Soros được biết đến nhiều nhất trên thị trường tài chính thế giới qua vụ đầu cơ đồng bảng Anh vào năm 1992. Vào ngày Thứ tư Đen tối 16/9/1992, Soros đột nhiên trở nên nổi tiếng khi bán khống lượng bảng Anh có giá trị tương đương trên 10 tỷ USD, và kiếm lợi từ việc Ngân hàng Trung ương Anh do dự lựa chọn hoặc nâng lãi suất nội tệ lên ngang bằng với lãi suất tại các nền kinh tế khác trong Tổ chức sử dụng chung cơ chế tỷ giá châu Âu, hoặc thả nổi đồng nội tệ.

Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải rút đồng bảng Anh ra khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và phá giá đồng bảng. Soros kiếm được khoảng 1,1 tỷ USD trong phi vụ này và được biết đến với biệt danh “kẻ phá hoại ngân hàng trung ương Anh”. Những người thân cận của Soros có lần tiết lộ, khi thấy những điểm yếu của đồng bảng trong thời điểm đó, Soros đã hối thúc những người dưới quyền tận dụng lợi thế của mình chuẩn bị cho cuộc “tấn công” vào đồng tiền này.

Chân dung biếm họa của Soros trên trang bìa tạp chí danh tiếng Time.

Năm 1997, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Soros một lần nữa “đánh” đồng tiền của các quốc gia, trong đó khu vực Đông Nam Á rơi vào tầm ngắm. Quỹ đầu cơ của Soros bị cáo buộc đã gây áp lực lên các đồng tiền để hưởng lợi trực tiếp từ chiến lược đầu cơ vào đồng tiền đó. Soros phản bác các cáo buộc và nói rằng quỹ của ông đơn thuần kiếm lợi từ chính những yếu kém của hệ thống tài chính thế giới mà ai cũng biết. Chiến lược đầu tư của quỹ này được dựa trên phân tích về các xu hướng kinh tế vĩ mô đang diễn ra hoặc được nhận định sớm diễn ra tại một số nước.

Cách nhìn của giới đầu tư quốc tế cũng như lãnh đạo các nền kinh tế về Soros không đồng nhất, bởi với nhiều người, Soros như một tội đồ vì đã “đánh” các đồng tiền để kiếm lợi. Song người ta đều nhìn nhận Soros là một nhà đầu tư huyền thoại, với những nhận định xác đáng về sức khỏe nền tài chính thế giới. Cựu chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) Paul Volcker từng nói: “George Soros đã tạo nên dấu ấn trên thị trường tài chính với tư cách một nhà đầu cơ đại tài, đủ khôn ngoan để rút lui ngay cả khi trò chơi vẫn ở phía trước. Lợi nhuận khổng lồ ông kiếm được hiện được sử dụng để thúc đẩy thay đổi tại những nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi”.

Sinh trưởng trong một gia đình người Hungary gốc Do Thái, George Soros di cư sang Mỹ từ những năm 1950. Cha của ông, Tivadar Soros, là một nhà văn có tiếng tại Hungary. Trước khi sang Mỹ, Soros từng sống tại nhiều nước châu Âu và học Triết học.

Đặt chân tới Mỹ năm 1956, Soros khởi nghiệp từ vị trí nhân viên môi giới tại hãng tài chính F.M. Mayer và là nhà phân tích cho Wertheim and Company cho tới giữa những năm 1960. Trong thời gian này, Soros nghiên cứu một triết lý đầu tư của riêng mình có tên “reflexibity” (tạm dịch: cơ chế phản xạ), với quan điểm cách định giá thị trường của chính những người tham gia thị trường sẽ tác động tới giá trị đã được xác định trên cơ sở sổ sách. Đây về sau trở thành nguyên lý cơ bản của hoạt động của các quỹ đầu cơ do Soros điều hành.

Năm 1973, Soros từ bỏ vị trí phó chủ tịch một tập đoàn đầu tư tại New York và lập hãng đầu tư riêng,về sau hãng này chuyển đổi thành Quỹ Quantum. Ông tuyên bố muốn kiếm đủ tiền từ thị trường tài chính để hỗ trợ sự nghiệp viết sách và nghiên cứu triết học của mình, và dự kiến mỗi năm kiếm được 500.000 USD là chấp nhận được. Nhưng hoạt động đầu tư của Soros sau này chủ yếu được gắn liền với Soros Fund Management.

Với lượng tài sản trị giá khoảng 11 tỷ USD, Soros hiện là người giàu thứ 29 tại Mỹ theo bảng xếp hạng của Forbes, với hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ đầu tư chứng khoán, đầu cơ ngoại hối, kinh doanh. Vị tỷ phú này cũng là một nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động chính trị.

Hiện tỷ phú 79 tuổi này nắm giữ Soros Management Fund, Viện xã hội mở, và từng là một thành viên của Ban lãnh đạo của Hội đồng quan hệ quốc tế của Mỹ. Với 2 người vợ, và cả 2 đều đã ly dị, Soros có 5 người con.

Ông cũng là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Từ những năm 1970 đến nay, Soros liên tục đóng góp cho các quỹ hỗ trợ sinh viên người da màu học đại học, đặc biệt tại Nam Phi. Tạp chí Time ước tính, tổng số tiền Soros đã chi cho các chương trình xã hội tại Mỹ, châu Phi và Nga vào khoảng 6 tỷ USD.

George Soros cũng được biết đến với những phát ngôn gây chấn động, đặc biệt đối với chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Georrge Bush. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post năm 2003, Soros tuyên bố việc đánh bật ông Bush ra khỏi vị trí tổng thống là “tâm điểm của cuộc đời tôi” và đây là một “vấn đề sinh tử”. Vị tỷ phú này còn nói sẽ sẵn sàng đánh đổi cả gia sản của mình cho mục tiêu này.

Soros đã thực hiện đúng như tuyên bố này, khi năm 2004, ông là một trong những người đóng góp lớn nhất cho các đối thủ của ông Bush trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Thống kê của Trung tâm phản ứng chính trị Mỹ cho thấy, Soros đã đóng góp tổng cộng 23,5 triệu USD cho trên 500 tổ chức nhằm vận động cho việc đánh bại ông Bush. Song ông Bush vẫn tái đắc cử và có nhiệm kỳ thứ hai.

(Theo Ngọc Châu // Vn Express)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Top 10 nhân vật CNTT và truyền thông của thập kỷ
  • 40 Gương Thành Công 40: Trí Nhớ Tầm Thường Cũng Có Thể Thành Thiên Tài
  • 40 Gương Thành Công 39: Nhờ Vô Khám Mà Họ Thành Danh Sĩ
  • Tỷ phú tự thân trẻ nhất châu Á
  • 40 Gương Thành Công 38: Đời Cơ Hàn Của Các Nhạc Sĩ
  • 40 Gương Thành Công 37: Henry Ford
  • 40 Gương Thành Công 36: Ernestine Schumann – Heink
  • 40 Gương Thành Công 35: James Buchanan Duke
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com