Lý Thư Phúc là một trong số 27 người giàu mới nổi lên ở Trung Quốc được đưa vào danh sách tỉ phú thế giới năm 2010 của tạp chí Forbes. Nhà sản xuất xe hơi tư nhân này từng làm giới doanh nghiệp ô tô quốc tế chú ý khi ông xúc tiến các thủ tục mua lại hãng xe Volvo lừng danh của Thụy Điển từ hãng Ford của Mỹ
Geely (Cát Lợi) là thương hiệu ô tô mà ông Lý Thư Phúc đang sản xuất. Nó cũng là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc (TQ). Người ta không hiểu tại sao các nhà sản xuất ô tô tư nhân dám nghĩ rằng chẳng những có thể cạnh tranh mà còn có hy vọng thắng các “đại gia” quốc doanh vốn có rất nhiều ưu thế chính trị và ưu tiên về tiền bạc. TQ hiện có 15 hãng ô tô nhưng chỉ có ba hãng xe tư nhân, trong đó hãng Geely tỏ ra thành công nhất.
Tỉ phú Lý Thư Phúc (bên phải) đang bắt tay đối tác Anh liên doanh sản xuất taxi TX4
ở London năm 2007. Ảnh: AP
Từ tủ lạnh đến mô tôNhật báo China Daily, xuất bản tại Bắc Kinh, cho biết tỉ phú Lý Thư Phúc (tài sản cá nhân: 1,8 tỉ USD) là một nhân vật gây tranh cãi nhiều trong giới kinh doanh TQ. Người đến từ Hàng Châu này có ba đức tính: dám nghĩ, có những ý tưởng sáng tạo và không khuất phục trước bất cứ trở ngại nào.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, Lý Thư Phúc không có điều kiện vào đại học. Sự nghiệp kinh doanh của ông Phúc bắt đầu từ một phần thưởng học tập nhỏ: 2.000 nhân dân tệ (5,589 triệu đồng) của cha. Ông lấy số tiền này mua một chiếc máy ảnh và mở tiệm chụp ảnh nhỏ.
Sau đó, ông sản xuất phụ tùng tủ lạnh. Nhu cầu lúc đó rất lớn nhưng nhiều nhà đầu tư thất bại vì các vấn đề kỹ thuật. Ông Phúc không nản lòng. Ông thành lập cơ sở sản xuất tủ lạnh ứng dụng kỹ thuật của các chuyên gia và xí nghiệp quốc doanh lớn. Sản xuất nhỏ, thương hiệu lạ nhưng sản phẩm của ông bán khắp cả nước. Lúc đó, ông Phúc mới 21 tuổi.
Năm 1993, nhà nước TQ bắt đầu siết chặt các tiêu chuẩn tủ lạnh. Chỉ có những xí nghiệp do nhà nước chỉ định được phép sản xuất tủ lạnh và linh kiện. Thiếu giấy phép sản xuất, ông Phúc đành đóng cửa cơ sở. Nhưng ông thấy sốc khi chứng kiến hai nhãn hiệu tủ lạnh Kelon và Midea thành công rực rỡ. Ông liền rút ra một bài học: Dễ dàng bỏ cuộc sẽ không bao giờ thành công.
Năm 1994, người TQ rất thích mô tô nhập ngoại đắt tiền. Nhận thấy điều này, ông Phúc quyết định mở nhà máy sản xuất mô tô. Muốn vậy, phải được Bộ Công nghiệp động cơ (MMBI) cấp phép. Nhưng có một thực tế là ít có công ty tư nhân nào được bộ cấp phép.
Không xin được phép, ông Phúc đi đường tắt mua lại một nhà máy sản xuất xe gắn máy quốc doanh gần khánh tận, sản xuất động cơ mô tô 4 thì. Mô tô Geely của ông Phúc từng xuất khẩu đi 22 nước, kể cả Mỹ, Đức và Ý là những nước sản xuất mô tô lừng danh thế giới.
Trong vòng 3 năm, mô tô Geely trở thành nhãn hiệu hàng đầu ở TQ. Geely trở thành công ty mô tô tư nhân lớn hàng thứ tư ở TQ. Thành công này khiến ông Phúc quyết tâm sản xuất ô tô.
Khi “người điên” làm ô tô
Công ty Mô tô Geely có 3 kỹ sư từng làm việc ở các nhà máy ô tô. Ông gọi họ lên văn phòng và trình bày ý tưởng sản xuất ô tô của ông. Cả bốn người trở thành nòng cốt của phòng nghiên cứu và phát triển ô tô.
Nhiều người nói ông điên mới nghĩ đến chuyện làm ô tô. Không ai tin rằng ông Phúc thành công. Ông yêu cầu một chuyên gia về linh kiện ô tô đang công tác trong một nhà máy ô tô Thượng Hải giúp đỡ. Sau khi nghe ông Phúc trình bày kế hoạch, ông chuyên gia này bỏ đi một nước.
Sau cùng, FAW – tập đoàn xe hơi số một TQ - nhận lời hỗ trợ phòng nghiên cứu và phát triển ô tô của ông Phúc. Khó khăn lớn nhất là bản quyền sản xuất của MMBI. Mỗi kiểu xe Geely phải được bộ này công nhận. Giấy phép sản xuất ô tô được kiểm soát rất chặt chẽ cho nên rất khó xin.
Ông mua cổ phần một nhà máy ô tô ở Tứ Xuyên đồng thời xây dựng nhà máy Geely đầu tiên ở thành phố Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang. Tháng 8-1998, kiểu xe nhỏ Haoqing ra đời. Một năm sau, ông cho xây một nhà máy thứ hai ở khu phát triển kinh tế Ninh Ba.
Ngay thời điểm đó, rất ít bạn bè ủng hộ ông Phúc. Các quan chức chính phủ và chuyên gia cũng nghi ngờ: Cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô rất quyết liệt, sẽ ít có cơ hội thành công nào cho ông Phúc.
Nhưng ông không nao núng. Ông tin tưởng rằng người TQ cần xe giá rẻ mà các hãng lớn không sản xuất vì lãi ít. Theo ông, các hãng lớn duy trì sản xuất lớn nhưng giá xe cao nên không bán được bao nhiêu.
Là một công ty tư nhân nhỏ, Geely chọn phương án sản xuất theo doanh số dự kiến. Mức sản xuất đầu tiên hạn chế ở con số 25.000 xe/năm. Như vậy, chi phí đầu tư ban đầu và các chi phí khác không lớn.
Vấn đề hóc búa nhất vẫn là giấy phép. Chính quyền chưa từng cho phép cơ sở tư nhân sản xuất ô tô. Hơn nữa, với tâm lý “tiền nào của nấy”, người dân vẫn chưa tin tưởng vào giá xe Geely vì nó thấp hơn giá xe liên doanh và xe nhà nước.
Vậy là ông Phúc phải gõ cửa hết cơ quan này đến cơ quan khác để xin giấy phép. Tháng 10-2001, 10 ngày trước khi TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ủy ban Hợp tác thương mại và kinh tế nhà nước công nhận ô tô của hãng Geely. Năm 2001, doanh số ô tô Geely tăng vọt. Theo tạp chí Forbes, năm 2009, ông bán được 330.000 chiếc Geely giá rẻ mang nhãn hiệu Haoqing, Merrie, Ulion, Meirenbao, Maple... chủ yếu ở TQ và cũng xuất khẩu được một số xe.
(Theo THẢO HƯƠNG // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com