Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Bắt' doanh nghiệp để trị cán bộ

Vụ việc vừa xảy ra ở tỉnh Sơn La. Lãnh đạo tỉnh này cũng không giấu giếm, khi thẳng thắn thừa nhận việc bắt giữ xe chở mùn cưa gỗ bách xanh của một doanh nghiệp không chỉ nhằm vào doanh nghiệp mà mục đích chính là để thanh lọc cán bộ.

Chiếc xe tải mang BKS 29L-6335 và số hàng bị tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm Mộc Châu hơn 5 tháng qua

Bắt sai 

Sự việc xảy ra ngày 14-11-2009, khi người của Cty Cổ phần Kiều Trang (gọi tắt DN Kiều Trang) đang bốc hàng là mùn cưa và củi vụn cây bách xanh có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào lên xe tải Huyndai 8,5 tấn BKS 29L - 6335 thì bị cán bộ thuộc Hạt Kiểm lâm Mộc Châu (Sơn La) bắt giữ, lập biên bản.

Tại thời điểm lập biên bản, không có mặt chủ doanh nghiệp, trên xe có 85 bao mùn cưa với tổng trọng lượng 2,6 tấn. Tại thời điểm đó, lái xe của Cty là ông Vũ Tiến Lượng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng, nên kiểm lâm đã lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính với lý do vận chuyển lâm sản là sản phẩm gỗ bách xanh thuộc nhóm N2a trái phép.

Ngày 17-4, đại diện doanh nghiệp Kiều Trang làm việc với kiểm lâm Mộc Châu, trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp liên quan đến lô hàng bị bắt giữ (gồm hợp đồng mua bán với đối tác ở Lào, tờ khai hải quan, biên lai thu lệ phí hải quan...) và đề nghị được trả lại xe cùng số mùn cưa, củi vụn bị bắt giữ. Tuy nhiên, kiểm lâm Mộc Châu không giải quyết trả xe và hàng.

Theo ông Đoàn Mạnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu, đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử trên địa bàn tỉnh có trường hợp doanh nghiệp kinh doanh lâm sản bị điều tra kéo dài như vậy.

Ông Phong cho biết về trình tự, với vụ việc đơn giản thì trong vòng 10 ngày cơ quan kiểm lâm phải ra quyết định xử phạt hành chính.

Với vụ việc phức tạp, cần lấy lời khai, củng cố bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm thì trong vòng 30 ngày phải xử lí. Quá thời gian trên thì phải làm văn bản lên cấp có thẩm quyền gia hạn tạm giữ.

Qua 30 ngày tiếp theo mà không có kết luận thì không được ra quyết định xử phạt. Trong khi đó, vụ việc này đã quá thời hạn hơn 3 tháng, nhưng đến nay tỉnh Sơn La vẫn chưa thể xử lý.

Theo ông Nguyễn Xuân Nghiệp, Giám đốc DN Kiều Trang, số hàng trên DN ký hợp đồng nhập khẩu tại một xưởng mộc của ông Khăm U Đông ở huyện Sốp Bâu, Hủa Phăn, Lào với số lượng nhập khẩu 30.000 tấn.

Từ khi bị bắt giữ đến nay, do không có phương tiện nên toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp đã bị ngừng trệ hoàn toàn. Hơn 10 nhân viên của DN phải buộc nghỉ việc.

“Cùng với đó doanh nghiệp chúng tôi đang bị đối tác là Cty Cổ phần Thương mại E&C (Cty E&C) đã ký hợp đồng vận tải số 01 ngày 5-11-2009 cho thuê xe tải mang BKS  29L - 6335 với giá 15 triệu đồng/ngày. Phía Cty E&C đã chuyển tiền tạm ứng 100 triệu đồng cho chúng tôi và nay họ đang đòi chúng tôi phải trả toàn bộ tiền đặt cọc và tiền lãi cũng như tiền phạt do không có xe như hợp đồng”- Ông Nghiệp cho biết.

Trong một văn bản, trả lời và hướng dẫn một doanh nghiệp khác về thủ tục vận chuyển phế liệu sau chế biến, ông Nguyễn Văn Cương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT cho biết: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 về kiểm tra, kiểm soát lâm sản ban hành kèm theo Quyết định số 59 của Bộ NN&PTNT thì phế liệu gỗ, lâm sản khác sau chế biến (bao gồm mùn cưa, phoi bào, đầu mẩu, củi vụn) không phải kiểm tra thủ tục vận chuyển, cất giữ, chế biến.

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Cừ, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Sơn La cho rằng, đây chỉ là một văn bản trả lời, hướng dẫn doanh nghiệp chứ không phải văn bản quy định pháp luật và khẳng định việc kiểm lâm bắt giữ xe hàng là đúng (?).  Không biết ông Cừ căn cứ vào quy định nào, để khẳng định việc bắt giữ là đúng.

Ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Hải quan Lóng Sập, đơn vị làm thủ tục hải quan lô hàng cũng khẳng định, lô hàng của Cty Kiều Trang đã được làm thủ tục đầy đủ, theo đúng quy định. “Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã làm việc với chúng tôi, kiểm tra hồ sơ lưu nhưng không phát hiện vấn đề gì”, ông Minh nói.

Bắt theo chỉ đạo của chủ tịch tỉnh

Trao đổi với phóng viên, ông Bàn Đức Quang, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu cho biết, vụ này bắt giữ theo chỉ đạo qua điện thoại của ông Phạm Ngọc Cừ, Phó chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Sơn La, nên phải chuyển toàn bộ hồ sơ báo cáo tỉnh và Chi cục kiểm lâm, Hạt không có đủ điều kiện xác định đúng sai.

“Hồ sơ vụ việc đã chuyển cho PC15 Công an tỉnh Sơn La, nhưng đến nay sau hơn 5 tháng chưa có thông báo kết luận trả lời chính thức về mức độ sai phạm nên cũng không biết trả lời các anh thế nào”, ông Quang Nói.

Làm việc với phóng viên, ông Phạm Ngọc Cừ cũng nói thẳng: “Chúng tôi bắt vụ này theo chỉ đạo của đích thân chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Chí Thức và Chi cục kiểm lâm chỉ là một trong sáu thành viên đoàn liên ngành xác minh vụ việc”.

Được biết, trong vụ này còn có cả Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Sơn La tham gia, chỉ đạo. Ông Hoàng Dương, Phó ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Sơn La, cho biết: “Vụ việc xuất phát từ chính anh em kiểm lâm bức xúc về việc một số cán bộ kiểm lâm ở Mộc Châu làm ngơ, dung túng cho một vài đối tượng trong việc buôn bán lâm sản trái phép”.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói gì?

Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Vụ việc của Cty Kiều Trang xuất phát từ đơn tố giác doanh nghiệp này có dấu hiệu khai thác gỗ, buôn bán bất hợp pháp với hình thức giả mạo giấy tờ, lấy danh nghĩa là nhập khẩu gỗ từ bên Lào sang để xuất khẩu.

Từ việc tố giác ở cơ sở này, tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng, ban chống tham nhũng kiểm tra tố giác của dân về những việc tham nhũng, buôn bán bất hợp pháp ở khu vực đó. Tôi là chủ tịch tỉnh thì phải chỉ đạo, còn gì nữa”.

Việc điều tra đến nay ra sao rồi, thưa ông?

Vụ việc của doanh nghiệp Kiều Trang tôi đã giao cho công an điều tra. Ở đây có dấu hiệu Cty Kiều Trang câu kết với một số đối tượng cán bộ, ví dụ như hải quan, biên phòng, hợp pháp thủ tục pháp lý. Mà vì cái dấu ở trong hợp đồng không phải là dấu của xưởng mộc bán hàng cho Kiều Trang mà là dấu của ông trưởng bản. Vì thế nó không khớp. Cái này có dấu hiệu có sự cấu kết giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng nên tôi chỉ đạo theo hướng như thế.

Tôi đã có văn bản giao cho cơ quan công an xác minh, không biết họ đang làm đến đâu. Cái quan trọng chúng tôi muốn trị là những người vào hùa với doanh nghiệp làm thủ tục giả để khai thác gỗ ở khu vực Tân Lập, Mộc Châu.

Mục tiêu không phải là trị doanh nghiệp mà quan trọng là tìm ra đầu mối, thanh lọc cán bộ. Nếu hồ sơ nhập khẩu là giả thì dứt khoát phải thay một loạt cán bộ. Bởi giữa doanh nghiệp Kiều Trang này với một số cán bộ kiểm lâm ở Mộc Châu có vấn đề với nhau, bảo kê cho nhau. Tôi chỉ đạo nhiều vụ rồi, chỉ đạo làm vậy chính là chống tham nhũng.

Việc kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, nếu sau này không tìm ra chứng cứ kết tội, trong khi doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế thì sao, thưa ông?

Theo quy định, tang vật, phương tiện liên quan đến vi phạm thì bị tạm giữ. Dấu hiệu vi phạm ở đây, theo tôi là đã rõ nhưng do thời gian quá dài rồi nên trước mắt sẽ chỉ đạo trả xe cho doanh nghiệp.

Anh em có nói doanh nghiệp Kiều Trang này có anh em trong kiểm lâm hay công an gì đó nên vụ đầu tiên không bắt được. Cái quan trọng là tìm ra số cán bộ trong các cơ quan nhà nước câu kết với doanh nghiệp. Mình muốn trị là trị cái đó. 

(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Kỳ án Maddie phần 1: Vụ mất tích bí ẩn
  • Kỳ án Maddie: Kỳ 2: Nghi can có 2 dòng máu
  • Kỳ án Maddie: Kỳ 3: Khổ nạn của cha mẹ bé Maddie
  • Vụ án Daimler: Hối lộ kiểu Đức - Kỳ 1: Hối lộ có hệ thống
  • Vụ án Daimler: Hối lộ kiểu Đức - Kỳ 2: Thử thách lớn cho tổng thống Nga
  • Vụ án Daimler: Hối lộ kiểu Đức - Kỳ 3: Trường hợp của Latvia và Trung Quốc
  • Vụ thu hồi đất của ông Lê Phúc Thủy ở Long Biên – Hà Nội: Dừng việc cưỡng chế trước phiên tòa
  • Kinh hoàng công nghệ chế biến dầu ăn (I)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%