Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dấu hiệu lộ liễu của một vụ... tham nhũng lớn

Dòng tiền “khủng” và những ký kết rối rắm đã tạo đường cho 122 tỷ đồng trong số gần 200 tỷ đồng tiền mua xi măng, sắt thép phục vụ công trình (Thủy điện Tà Thàng, tỉnh Lào Cai) “chui” vào tài khoản của một cá nhân “nhạy cảm”…
 
Câu chuyện khuất tất về tiền bạc trong những hợp đồng kinh tế thông thường được những người có liên quan che giấu rất kỹ càng. Nhưng trong phi vụ này lại được họ thực hiện một cách lộ liễu, công khai. Dấu hiệu của một vụ án tham nhũng lớn ẩn dấu đằng sau quá trình tố tụng vụ án kinh tế xuất hiện.
Dòng tiền “khủng” và những ký kết rối rắm

Ngày 19/8/2009, công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai (bên A) đã ký một lúc 2 hợp đồng mua sắt thép và xi măng với công ty TNHH Cán thép Tam Điệp và công ty cổ phần Xi măng Hướng Dương (bên B). Tổng giá trị 2 hợp đồng là 194.607.040.000đ; thanh toán 100% giá trị sau khi ký kết. Giá trị “khủng”, thanh toán cực gọn, bên A đã làm cho bên B thực sự bị thu hút. Giám đốc của “đại gia phố núi” này có tên là Trần Đức Việt, trụ sở đóng tại 65 Phan Đình Phùng, thành phố Lào Cai.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 19/8, khi cả 2 hợp đồng ký đều chưa ráo mực, bỗng xuất hiện ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex). Ông Thăng đến với danh nghĩa đại diện cho bên A và ký với 2 công ty ở Ninh Bình “Bản cam kết” điều chỉnh giá xi măng và thép theo đơn giá thấp xuống khiến tổng giá trị 2 hợp đồng chỉ còn 146.330.000.000đ, chênh lệch tới 48.377.000.000đ so với 2 Hợp đồng đã ký; điều kiện thanh toán được sửa lại là: “bên A tạm ứng cho bên B 50% giá trị vật liệu đối với thép và 30% đối với xi măng, tương đương khoảng 58.245.000.000đ”. Vì sao ông Thăng lại có uy quyền như vậy? Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai, có tới 85% tỷ lệ vốn góp là của tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng.
 
Công trình thuỷ điện Tà Thàng xây dựng tại xã Suối Thầu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai
có công suất 60MW, tổng vốn đầu tư 659 tỷ đồng, khởi công ngày 20/5/200

Tưởng siết lại nội dung ký kết bằng “Bản cam kết” là để bảo đảm cho công ty có phần vốn của Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, thì cũng có thể hiểu được phần nào, dù như thế là sai pháp luật. Nào ngờ, ngay ngày hôm sau (20/8), ông Trần Đức Việt với tư cách là Giám đốc công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai lại cùng bên B ký tiếp một Phụ lục hợp đồng với nội dung “xanh rờn”: Số tiền chênh lệch giữa 2 Hợp đồng đã ký trước đây so với “Bản cam kết”, tương đương 48.377.000.000đ, “là tiền hoa hồng bên B cho bên A”. Rồi ngày 21/8/2009, công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai “bất chấp” điều chỉnh của ông Thăng, vẫn chuyển cho bên B tổng số tiền là 186.444.640.000đ. Tính ra, so với số tiền mà ông Thăng “cho phép” chuyển trong “Bản cam kết”, số tiền mà ông Việt chuyển đã “vượt trần” tới 128.199.640.000đ.

Tại sao ông Trần Đức Việt dám liều như vậy?

122 tỷ “chui” vào tài khoản của người được cho là vợ ông Thăng?

“Đại gia” Trần Đức Việt có dám vượt mặt ông Thăng hay không? Theo tài liệu mà chúng tôi có được thì sau khi chuyển 186.444.640.000đ cho bên B, công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai dù chưa nhận một “kí lô” hàng hóa nào nhưng đã có văn bản “vay” 87 tỷ đồng (không tính lãi) và nhận lại 35 tỷ đồng (tiền hoa hồng), tổng cộng vừa đúng 122 tỷ đồng và đề nghị chuyển vào tài khoản số 0021002100070 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội. Chủ tài khoản này có tên là bà Vũ Thị Mai Loan. Điều đáng chú ý ở đây là ông Trần Đức Việt không đề nghị chuyển khoản tiền trên vào tài khoản của công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai mà chuyển vào tài khoản cá nhân đứng tên bà  Vũ Thị Mai Loan. Vậy bà Vũ Thị Mai Loan là ai?

Biên bản xác minh hồi 10h sáng ngày 28/4/2011 có chữ ký của Cán bộ tư pháp - hộ tịch, Cảnh sát khu vực và Tổ trưởng tổ dân phố thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có nội dung: “Bà Vũ Thị Mai Loan và ông Võ Nhật Thăng có hộ khẩu thường trú tại 24 Nguyễn Hữu Huân, KT2 khoảng năm 1990. Bà Vũ Thị Mai Loan và ông Võ Nhật Thăng không còn sinh sống trên địa bàn phường đã lâu, do vậy không xác định được tình trạng hôn nhân. Theo ông Tổ trưởng Tổ dân phố cho biết: bà Vũ Thị Mai Loan và ông Võ Nhật Thăng trong thời gian cư trú tại phường là vợ chồng”. 

Chưa hết, cũng theo kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền, trong các tài liệu được lưu tại Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lào Cai, ông “giám đốc” Trần Đức Việt không hề có bất cứ một chức danh nào cũng như không có tên trong danh sách cổ đông công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai. Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai là ông Vũ Đức Toàn, chứ không phải là ông Trần Đức Việt. Không lẽ đây là “ông giám đốc từ trên trời rơi xuống”?

Sau khi nhận 186.444.640.000đ và buộc phải giao và cho vay lại 122 tỷ đồng, số tiền còn lại của 2 hợp đồng đối với bên B là 64.444.640.000đ. Đồng thời với quá trình giao hàng, bên B đã nhiều lần có văn bản đề nghị bên A chuyển trả số tiền vay để tiếp tục thực hiện hợp đồng, nhưng đều không được hồi âm. Đến ngày 29/5/2010, bên A có văn bản yêu cầu bên B chuyển 2.000 tấn thép về địa chỉ 201 Minh Khai (Hà Nội), nhận thấy địa điểm giao hàng không đúng hợp đồng nên bên B đã thông báo tạm không giao hàng. Sau đó đề nghị bên A thanh lý hợp đồng và phải ký lại hợp đồng cho đúng pháp luật nhưng bên A không chấp nhận.

Khẩu khí “đại gia”

Nghi ngờ đối tác có sự bất minh, ngày 4/3/2010, ông Đặng Lê Hoa - Giám đốc công ty cổ phần Xi măng Hướng Dương có văn bản thông báo: “Những ngày tới đây, công ty chúng tôi không giao hàng ximăng và sắt thép tiếp nữa và đề nghị Quý ông chuyển số tiền trên (tiền đã vay) và đến công ty chúng tôi để thanh lý hợp đồng và công ty chúng tôi chuyển trả lại số tiền Quý công ty đã chuyển trước đây”.

Đáp lại, ngày 5/3/2010 ông Võ Nhật Thăng viết một thư tay gửi ông Đặng Lê Hoa:“…Tôi và anh có quan hệ anh em rất nhiều năm nên tôi vẫn giữ quan điểm tôn trọng anh. Tôi nói với anh lần này là lần cuối cùng và không nói thêm câu nào nữa. 1/ Nếu anh cảm thấy thiệt thòi thì anh trả hết tiền cho tôi (trên 50 tỷ) ngay ngày hôm nay hoặc ngày mai và thanh lý hợp đồng. Chấm dứt quan hệ làm ăn, cho công việc này vào dĩ vãng. Tôi không giữ quan hệ làm ăn với anh nữa. 2/ Nếu anh không nghe theo ý của tôi nêu trên thì chúng ta chấm dứt tình anh em giữa anh và tôi: Anh làm theo ý anh. Tôi làm theo ý tôi. Đề nghị anh trả lời tôi ngay trong ngày hôm nay”.

Ông Đặng Lê Hoa phúc đáp: “công ty chúng tôi đã nhận được số tiền của Quý công ty là 186.444.640.000đ. Vì lý do Quý công ty các ông nêu có khó khăn về tài chính, cho nên cá nhân tôi - Đặng Lê Hoa đã cho Quý công ty vay là 87 tỷ đồng. Ngoài khoản tiền trên chúng tôi còn giao thêm 35 tỷ đồng. Công ty chúng tôi đã xuất hóa đơn VAT toàn bộ số lượng hàng đã ký theo Hợp đồng. Nay, tôi mong ông trả lại cho tôi số tiền vay là 84.798.910.460đ. Đây là điều bất khả kháng, mong ông thông cảm. Như tôi đã nói với ông, có 2 cách giải quyết: 1/ Ông trả lại số tiền vay của tôi để tôi trả đủ hàng cho ông theo Hợp đồng đã kí. 2/ Nếu ông muốn thanh lý Hợp đồng thì ông Trần Đức Việt phải xuống làm việc trực tiếp với tôi vì ông Việt là người kí hợp đồng với tôi. Nội dung như sau: Lý do thanh lý Hợp đồng; Đối chiếu số hàng kèm theo số tiền tôi giữ của ông; Tổng số tiền ông vay và ông giữ của tôi; Ông viết trả lại hóa đơn VAT cho tôi; Ông phải chuyển tiền ông vay và giữ của tôi. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các nội dung trên, trong 24 giờ không kể Chủ nhật, thứ Bảy, ngày nghỉ, tôi sẽ chuyển tiền trả lại cho ông không thiếu một xu. Nếu không đủ thủ tục trên chắc chắn 100% tôi không thể chuyển tiền lại cho ông được và không cung cấp vật tư theo yêu cầu của Quý công ty. Nếu Quý công ty thấy cần thiết ra tòa án kinh tế hoặc cơ quan pháp luật để giải quyết, công ty chúng tôi sẽ chấp hành theo”.

Sau này, tại văn bản ngày 7/6/2010, gửi ông Thăng và ông Việt, ông Đặng Lê Hoa tiếp tục nhấn mạnh: “Chúng tôi mời các Quí ông gặp gỡ để rà soát lại tính căn cứ pháp lý của các văn bản mà chúng ta đã ký kết có liên quan tới 2 bản hợp đồng số 125/HĐ và 126/HĐ ký ngày 19/8/2009. Thống nhất hủy bỏ những văn bản không phù hợp với qui định của pháp luật nhằm giao kết lại các văn bản mới cho đúng pháp luật… Nếu không thống nhất được chúng tôi sẽ khởi kiện ra Tòa án”.

Ngày 17/11/2010, sau khi có Đơn khởi kiện của ông Đặng Lê Hoa, TAND thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên: Hủy bỏ Hợp đồng số 125/HĐ và Hợp đồng số 126/HĐ ngày 19/8/2009 ký giữa công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai với công ty cổ phần Xi măng Hướng Dương và công ty TNHH Cán thép Tam Điệp vì hai hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Sau đó, ngày 18/2/2011, TAND tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm với nhận định nội dung và hình thức các hợp đồng đã ký kết là trái qui định của pháp luật. Tuy nhiên, do nơi thực hiện hợp đồng (nơi giao hàng) là chân công trình Nhà máy Thủy điện Tà Thàng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nên thẩm quyền xét xử vụ án thuộc về TAND huyện Bảo Thắng. Do vậy, TAND tỉnh Ninh Bình đã tuyên hủy Bản án sơ thẩm để chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai giải quyết theo thẩm quyền…

Kết quả xét xử của 2 phiên tòa đã khẳng định những vi phạm pháp luật của các bên trong quá trình ký kết các hợp đồng. Nhưng trong phạm vi xét xử của vụ án kinh tế, mới chỉ xem xét những vi phạm pháp luật về kinh tế. Trong khi đó, những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của một vụ án tham nhũng lớn từ vụ việc này đang hiện hữu, rất cần được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh. Cần nói thêm, ngoài việc làm đơn khởi kiện ra Tòa án, bên B còn có Đơn tố cáo khẩn cấp tới Công an tỉnh Ninh Bình về việc có dấu hiệu tham nhũng 122 tỷ đồng ở công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai. Ai cũng biết, với số tiền 122 tỷ đồng nằm trong tài khoản cá nhân, thì chỉ cần “ăn” lãi suất cũng đã là con số rất lớn theo thời gian.
 
(Theo báo Tiếng nói Việt Nam)

 

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Tàu Việt Nam liên tục bị giữ ở nước ngoài: Chưa có hướng giải thoát
  • Đằng sau việc đóng cửa Agel Việt Nam
  • Lật tẩy những mánh khoé bơm xăng
  • Trắng tay vì bán hàng đa cấp
  • Tạm giữ gần 1.300 sản phẩm giả tại Công ty Việt An
  • Vụ Rusalka, vì sao cứ dùng dằng?
  • Buôn bán động vật hoang dã: 90% số vụ lọt lưới
  • Kiến nghị “gỡ khó” cho DN tạm nhập tái xuất khuôn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%