Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp không có trách nhiệm thành lập công đoàn

Theo quy định của pháp luật lao động, trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc sa thải người lao động (NLĐ) hoặc cho nhiều NLĐ dư thừa nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trao đổi thống nhất hoặc mời Ban chấp hành Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp tham gia xử lý kỷ luật lao động(1).

Trên nguyên tắc, trách nhiệm để đảm bảo mỗi doanh nghiệp đều có tổ chức công đoàn cơ sở thuộc về công đoàn cấp trên. Về phía các doanh nghiệp, pháp luật không quy định họ phải làm gì để đảm bảo việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, miễn là doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn sớm được thành lập và không cản trở việc thành lập và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp.

Đẩy doanh nghiệp vào thế khó

Vậy ở những doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc sa thải NLĐ diễn ra như thế nào? Nó vẫn diễn ra nhưng không có thủ tục trao đổi, thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở như pháp luật quy định, đơn giản vì không có tổ chức công đoàn. Cách đây hơn 10 năm, khi những vụ tranh chấp lao động về chấm dứt HĐLĐ, sa thải được đưa ra tòa, Tòa án Nhân dân Tối cao đã hướng dẫn tòa án địa phương tuyên bố các quyết định chấm dứt HĐLĐ, quyết định sa thải mà không có sự tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở là trái luật, bị hủy bỏ và buộc các doanh nghiệp phải nhận lại NLĐ và bồi thường cho họ thu nhập trong suốt thời gian bị chấm dứt HĐLĐ hoặc sa thải.

Quan điểm cứng rắn nêu trên của Tòa án Nhân dân Tối cao đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế hết sức éo le. Dù NLĐ vi phạm đến mức nào, doanh nghiệp cũng không thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay sa thải nếu tổ chức công đoàn chưa được thành lập. Vì vậy, để hoàn thiện bộ máy, một số doanh nghiệp phải chủ động liên hệ để thành lập cho được tổ chức công đoàn cơ sở cho mình.

Đây chính là điểm nổi bật trong thực tiễn áp dụng pháp luật lao động khiến những nhà điều hành doanh nghiệp, nhất là những nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài, cho rằng việc thành lập tổ chức công đoàn trên thực tế đang trở thành trách nhiệm của doanh nghiệp, và rằng về khía cạnh chấm dứt HĐLĐ, pháp luật lao động Việt Nam đang bênh vực NLĐ một cách thái quá. Người viết nhiều lần chứng kiến NLĐ bị sa thải do những sai phạm hết sức rõ ràng và nghiêm trọng nhưng vẫn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi bồi thường và tự tin chắc thắng vì họ biết rằng doanh nghiệp sẽ bị xem là vi phạm khi sa thải họ mà không có sự tham gia của tổ chức công đoàn.

Đã có hướng ra

Trong tham luận ngày 15-12-2009 tại Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của ngành tòa án, Tòa Lao động, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ghi nhận các quan điểm khác nhau về sự cần thiết phải có sự tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở khi người sử dụng lao động tiến hành thủ tục chấm dứt HĐLĐ theo điều 17, điều 38 và điều 87 Bộ luật Lao động và có ý kiến hướng dẫn để vận dụng thống nhất như sau:

- Nếu doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn nhưng NSDLĐ không trao đổi với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc không mời BCH tham gia khi xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ thì bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục chấm dứt HĐLĐ, thủ tục xử lý kỷ luật lao động.

Việc thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành. Do đó, khi NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ mà không thực hiện được thủ tục trao đổi nhất trí với tổ chức công đoàn hoặc không có sự tham gia của đại diện tổ chức công đoàn vì lý do ở doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, thì không bị coi là vi phạm thủ tục chấm dứt HĐLĐ hoặc thủ tục xử lý kỷ luật lao động.

- Ở doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn, NSDLĐ không phải trao đổi, hoặc mời đại diện của tổ chức công đoàn cấp trên có ý kiến, tham gia vào việc chấm dứt HĐLĐ hoặc xử lý kỷ luật lao động vì pháp luật không quy định như vậy. Việc tham gia của tổ chức công đoàn cấp trên chỉ cần thiết khi NSDLĐ sa thải, đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người là chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở như quy định tại điều 155.4 Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, dù vẫn được các tòa án địa phương xem là một nguồn tham khảo quan trọng để đảm bảo tính thống nhất trong công tác xét xử, báo cáo tham luận của các tòa chuyên trách thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao không có hiệu lực thi hành vì không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, hy vọng rằng các ý kiến đúng đắn nêu trên sẽ sớm được đưa vào nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, hoặc thông tư liên ngành giữa Tòa án Nhân dân Tối cao và các cơ quan liên quan để chính thức trở thành nội dung quy định của một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành.

_______________________________________

(1) Điều 17, điều 38 và điều 87 Bộ luật Lao động

  • Gửi ngoại tệ, có được rút bằng ngoại tệ?
  • Chống USD hóa không xóa quyền tài sản
  • Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là 400.000đ/trường hợp
  • Thuế TNCN với thu nhập làm thêm giờ của giáo viên
  • Bán hàng đang tranh chấp
  • Nợ thuế TNCN sẽ bị cưỡng chế thu hồi
  • L/C có thể sửa đổi hợp đồng?
  • Các tiêu thức trên hoá đơn in mới từ 1/1/2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%