Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hợp đồng khung và Công ước Viên

Công ước Viên (CISG) thường được quy định để điều chỉnh các hợp đồng cụ thể, nhưng hợp đồng khung cũng không nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của CISG.

Hợp đồng khung là hợp đồng được kí kết dài hạn gồm những điều khoản cơ bản nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên; trước mỗi chuyến hàng, các bên sẽ ký các hợp đồng cụ thể với các quy định về giá cả, số lượng... Bị đơn - Cty CNH (Ba Lan); Nguyên đơn: Cty DBGmbH (Đức). Tòa án Tối cao Ba Lan, bản án tuyên ngày 27/1/2006.

Diễn biến tranh chấp

Người bán Ba Lan và người mua Đức kí kết hợp đồng khung dài hạn để mua bán cát tinh luyện. Đây là thành phần chính được sử dụng để sản xuất tấm lợp ngói theo công nghệ mới của Đức. Việc giao hàng được thực hiện một phần thì hợp đồng bị chấm dứt. Bên Ba Lan đã thông báo với Đức về việc không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Bởi vậy, Đức buộc phải quay về công nghệ sản xuất cũ sử dụng xi măng thay vì cát tinh luyện. Sau đó, người mua Đức đã kiện người bán Ba Lan ra tòa án Ba Lan, yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng với tổng số tiền là 2.996.750 DEM (đơn vị tiền tệ của Đức) tính cả lãi.

Tuy nhiên bị đơn cho rằng không thể áp dụng Công ước Viên để xét xử tranh chấp này vì Công ước này không điều chỉnh hợp đồng khung. Bị đơn viện dẫn điều 14 Công ước Viên, trong đó một chào hàng để cấu thành hợp đồng phải có ít nhất 3 điều khoản chủ yếu: hàng hóa, số lượng và giá cả.

Quyết định của toà án

Toà tối cao không đồng tình với bị đơn khi bị đơn cho rằng CISG không áp dụng đối với hợp các đồng khung trong buôn bán quốc tế. Các qui tắc của CISG không loại trừ các hợp đồng mà việc thực hiện các hợp đồng này đòi hỏi việc đặc định hàng hoá được giao từng phần. Việc bị đơn viện dẫn điều 14 Công ước Viên không cấu thành bất cứ lập luận có giá trị nào bởi vì điều luật này chỉ áp dụng cho chào hàng và không được dùng để định ra phạm vi áp dụng của Công ước trong bất cứ trường hợp nào.


Hợp đồng khung không mâu thuẫn với phạm vi điều chỉnh của Công ước Viên

Vì người bán không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng nên người mua phải mua hàng thay thế. Số tiền bồi thường thiệt hại được người mua tính toán là 2.996.750 DEM, bao gồm cả tổn thất và lợi nhuận bị mất do phải quay trở lại với phương pháp sản xuất cũ đắt hơn. Nguyên đơn tính toán thiệt hại dựa trên điều 75 CISG, theo đó nguyên đơn được đòi chênh lệch giá đối với khối lượng xi măng được mua để thay thế là 120.000 tấn. Tòa tối cao cho rằng điều 75 CISG được áp dụng trong trường hợp này để tính toán số tiền đòi bồi thường thiệt hại là không hợp lý bởi điều 75 chỉ được áp dụng khi hợp đồng đã thực sự bị hủy. Trong trường hợp này, hợp đồng không bị hủy mà là không được hoàn thành. Thực tế thì người bán đã thực hiện một phần hợp đồng và sau đó tuyên bố chấm dứt  hợp đồng. Từ cách nhìn này, tòa tối cao cho rằng số tiền bồi thường phải được tính toán dựa vào một tiêu chí khách quan hơn chứ không chỉ dựa vào giá hàng thay thế được đưa ra bởi bên bị thiệt hại.

Bình luận và lưu ý

Theo điều 1 của Công ước Viên: “Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau”. Điều khoản này cũng như toàn bộ Công ước không đưa ra một định nghĩa cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng có thể rút ra một mô tả khái quát từ điều 30 và điều 53: một hợp đồng mua bán hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước là hợp đồng giữa người bán và người mua theo đó, người bán phải giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và người mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền hàng.

Trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế, những đối tác làm ăn lâu dài, buôn bán hàng hóa khối lượng lớn thường kí kết hợp đồng khung để làm cơ sở cho các giao dịch cụ thể. Như vậy, hợp đồng khung không bao gồm các thành tố mâu thuẫn với phạm vi điều chỉnh của Công ước. Chính vì vậy, trong vụ việc này, tòa án áp dụng Công ước Viên để xét xử.

Như vậy, nếu DN VN ký kết hợp đồng khung với các đối tác nước ngoài thì cũng hoàn toàn có thể quy định luật áp dụng là CISG.

Mặt khác, như trên đã phân tích thì mặc dù người mua phải mua hàng thay thế cho phần nghĩa vụ hợp đồng chưa được hoàn thành nhưng giá mua hàng thay thế đó không được xác định như một tiêu chí để tính toán tiền đòi bồi thường thiệt hại. Tòa án cũng chưa đưa ra một tiêu chí cụ thể để xác định số tiền đòi bồi thường thiệt hại mà chỉ dừng lại ở kết luận chung chung: “số tiền bồi thường phải được tính toán dựa vào một tiêu chí khách quan hơn chứ không chỉ dựa vào giá hàng thay thế được đưa ra bởi bên bị thiệt hại”.

Mặc dù phải có tuyên bố hủy hợp đồng thì mới có thể áp dụng điều 75 để tính toán bồi thường thiệt hại nhưng theo chúng tôi, điều 75 vẫn có thể áp dụng trong trường hợp này. Ở đây, người bán rõ ràng đã không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giao hàng và đã thông báo với người mua về việc đó, do đó người mua phải mua hàng thay thế. Tuy người mua chưa có tuyên bố về hủy hợp đồng nhưng một cách hợp lý, có thể áp dụng điều 75 để tính toán thiệt hại của người mua: chênh lệch giá trong trường hợp này chính là tổn thất thực tế mà người mua phải gánh chịu. Nếu tòa án áp dụng linh hoạt điều 75 CISG thì sẽ làm tăng tính an toàn cho các bên trong thương mại quốc tế. Tòa án Ba Lan cho rằng không thể áp dụng điều 75 nhưng cũng đưa ra một cách thức tính toán thiệt hại cho người mua mà tòa án cho rằng là hợp lý. Rõ ràng trong vụ việc này, người mua phải gánh chịu thiệt hại của mình do quyết định chưa thỏa đáng của tòa án.

Quy định về tính toàn tiền bồi thường thiệt hại trong Công ước Viên là chi tiết, cụ thể hơn pháp luật VN. Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2005 không có quy định tương tự như điều 75 CISG. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo điều 75 để tính toán tiền bồi thường thiệt hại trong trường hợp hủy hợp đồng, vì đây là cách tính đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

TSNguyễn Minh Hằng // Đại học Ngoại Thương Hà Nội

  • Doanh nghiệp không có trách nhiệm thành lập công đoàn
  • Gửi ngoại tệ, có được rút bằng ngoại tệ?
  • Chống USD hóa không xóa quyền tài sản
  • Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là 400.000đ/trường hợp
  • Thuế TNCN với thu nhập làm thêm giờ của giáo viên
  • Bán hàng đang tranh chấp
  • Nợ thuế TNCN sẽ bị cưỡng chế thu hồi
  • L/C có thể sửa đổi hợp đồng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%