Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phân tích chính sách trong quy trình lập pháp ở các nước

Chính sách công là chuỗi những hoạt động mà chính quyền chọn làm hay không làm với tính toán và chủ đích rõ ràng, có tác động đến người dân[1]. Hoạt động của chính quyền có cái nằm trong chuỗi, có cái đơn lẻ, nhưng cái đơn lẻ vẫn gắn với những hoạt động khác.

I- Những vấn đề chung

1. Khái niệm

Chính sách công là chuỗi những hoạt động mà chính quyền chọn làm hay không làm với tính toán và chủ đích rõ ràng, có tác động đến người dân[1]. Hoạt động của chính quyền có cái nằm trong chuỗi, có cái đơn lẻ, nhưng cái đơn lẻ vẫn gắn với những hoạt động khác.

Hầu hết các chính sách được thể hiện dưới dạng văn bản pháp luật, mặc dù nhiều khi dưới dạng ẩn. Phân tích chính sách (PTCS) trong quá trình làm luật là một công đoạn hữu cơ, gắn kết trong quá trình đó một cách khoa học, dựa trên các nhóm mục tiêu, cách tiếp cận, các tiêu chí đánh giá, nguồn lực và công cụ bảo đảm thực hiện, sự thống nhất tác động phối hợp của các chính sách khác và dựa trên hoàn cảnh thực tế của các đối tượng điều chỉnh của chính sách nhằm tới. Bởi lẽ, pháp luật là hình thức thể hiện của chính sách công, cho nên, việc PTCS nhằm đảm bảo rằng, pháp luật được ban hành ra sẽ tuân thủ các nguyên tắc căn bản của việc thiết kế chính sách công là: vì lợi ích công cộng; bắt buộc thi hành; có hệ thống; tập hợp các quyết định; liên đới; kế thừa lịch sử; quyết định theo đa số[2].

Về lý thuyết, có thể phân biệt giữa chính sách và pháp luật, giữa hoạt động xây dựng chính sách và soạn thảo luật. Nói một cách đơn giản, chính sách là nội dung, còn văn bản luật là vỏ bọc chứa đựng chính sách đó dưới dạng ngôn ngữ và hình thức pháp lý. Xây dựng chính sách là quá trình quyết định điều gì cần đạt được, cần làm gì để đạt được điều đó, làm thế nào, ai làm[3]. Ví dụ, sau khi có quyết sách thực thi những biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, việc xây dựng chính sách sẽ bao gồm phân tích những nguyên nhân gây tai nạn; phân bổ tai nạn trên các loại đường, trong các tầng lớp dân cư; những quy định đang có hiệu lực; kinh nghiệm của các nước khác... Tiếp đó, có thể phát triển một số phương án giảm thiểu tai nạn như giảm tốc độ, thực thi tốt hơn các quy định hiện có, điều kiện cấp giấy phép ngặt nghèo hơn, tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, cần phân tích chi phí và lợi ích của từng phương án, trình các phương án để chính phủ quyết định. Tất cả những bước này là xây dựng chính sách. Sau khi đã quyết định lựa chọn phương án, có thể bắt đầu soạn thảo luật về phương án đó trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi không dễ phân biệt hai hoạt động này. Do đó, trước khi soạn thảo cần PTCS, nhưng không nhất thiết phải phân chia quá rạch ròi thành hai bước tiếp nhau.

2. Sự cần thiết

PTCS trong quá trình làm luật là hoạt động cần thiết vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, pháp luật áp dụng cho hàng triệu con người, cho nên PTCS để đảm bảo rằng, pháp luật ban hành ra đều phải hướng đến phục vụ lợi ích công cộng hoặc chí ít là một bộ phận nhất định trong công chúng. Có thế nó mới được gọi là chính sách công. Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước luôn có tranh luận gay gắt về những chính sách ẩn đàng sau các điều luật. Người ta thường than phiền có nhiều dự luật không thực sự phục vụ lợi ích của đa số người đóng thuế ngay cả khi được tái phân phối. Chính vì vậy, hàng năm chỉ có khoảng 5-7% tổng số chính sách trình ra Quốc hội Mỹ, trong đó có những chính sách được thể hiện trong các điều luật, được thông qua[4]

Thứ hai, bởi lẽ chính sách công có tính chất phải được thi hành, PTCS giúp nhà làm luật hiểu rõ mức độ tác động của các biện pháp cưỡng chế thi hành là tới đâu và lường trước những phản ứng ngược lại. Thiếu hoạt động này, pháp luật hoàn toàn có thể: 1) bắt buộc thái quá; 2) quá nhiều biện pháp chế tài không cần thiết gây khó khăn và phiền hà khi thực hiện; 3) quá nhiều biện pháp chế tài đến mức phát sinh yêu cầu mới, giảm hiệu quả; 4) gây phản ứng ngược lại quá mạnh đến mức phải điều chỉnh. Người làm luật thận trọng thường phải đặt mình vào vị trí người thi hành mới nhận biết được đâu là mức độ quản lý và cưỡng chế nên làm, mới quản một cách có lý.

Thứ ba, PTCS đặt sản phẩm lập pháp trong một chuỗi các hoạt động theo trật tự cố định, từ lúc nhận biết nhu cầu, xác định phương án, thiết kế phương án, cho đến lúc thông qua. Chuỗi các hoạt động này lại gắn với những quyết định gắn kết với nhau, đưa ra các quyết định tốt mới tạo ra sản phẩm hiệu quả.

Thứ tư, PTCS giúp nhận biết mối liên hệ của văn bản chuẩn bị ban hành với những văn bản cùng lĩnh vực, từ đó tăng tính hiệu quả. Nếu không có thể dẫn tới tình trạng phản tác dụng của văn bản luật.

Thứ năm, hầu hết các văn bản hay quy định pháp luật đều có tiền lệ hay kinh nghiệm trước đó. Hiếm có văn bản luật nào hoàn toàn mới. PTCS, trong đó việc nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử, tiền lệ, kinh nghiệm đã có sẽ làm cho văn bản luật dễ được chấp nhận hơn, tiết kiệm chi phí các loại, hạn chế phiêu lưu và rủi ro.

Thứ sáu, PTCS hướng tới tính hiệu quả, tức là đối chiếu giữa chi phí và lợi ích, từ đó cân nhắc xem có cần ban hành văn bản luật hay không, hay là nên áp dụng các biện pháp khác, hoặc giữ nguyên trạng. ở các nước theo hệ thống thông luật, thậm chí cả các nước có truyền thống luật thành văn như Đức, Pháp, Ý đã theo xu hướng áp dụng các công cụ khác ngoài pháp luật[5]. Bởi lẽ pháp luật là một phương thức khá tốn kém, nếu chưa cần đến pháp luật thì có thể sử dụng các phương thức khác đỡ tốn kém hơn. Khâu PTCS chính là nhằm tìm ra phương thức thích hợp cho từng tình huống.

Cuối cùng, để pháp luật có được tính thực tiễn, khả thi, cũng như dễ được chấp nhận, nó phải được bàn luận bởi đa số công chúng. Chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về đa số, nhưng hầu hết các trường hợp nó nằm ở đa số. Hơn nữa, pháp luật, như trên đã nói, ban hành cho đa số. Trong khi đó, công đoạn PTCS lại đòi hỏi tham vấn ý kiến của công chúng, cho nên nó đáp ứng nguyên tắc quyết định bởi đa số.

Ngoài các nguyên nhân trên đây, ở các nước đang ở thời kỳ chuyển đổi, những bất cập trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật cũng cho thấy sự cần thiết của PTCS[6]. Một trong những thách lớn nhất đối với các nước châu Âu chuyển đổi là phải xây dựng những nguyên tắc, thiết chế và quy trình của quản trị quốc gia tốt (good governance), trong đó có việc xây dựng một quy trình hoạch định chính sách chuyên nghiệp dựa trên những nguyên tắc hiệu quả, hiệu năng, công khai, minh bạch[7]

3. Phương pháp luận

Ở nhiều nước, phương pháp luận của PTCS bao gồm các yếu tố sau:

Trước hết, cần cân nhắc sự cần thiết của việc ban hành văn bản pháp luật[8]. Bản thân pháp luật là một công cụ chính sách phức tạp, thể hiện chính sách của chính phủ. Việc sử dụng pháp luật để phản ứng về mặt chính sách trước những vấn đề đang xảy ra đã đặt gánh nặng chứng minh sự cần thiết của quy định mới lên vai chính phủ: chính phủ phải chứng minh rằng, vấn đề đang xảy ra, cần giải quyết vấn đề đó, và quy định pháp luật mới sẽ giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả. Chỉ khi chứng minh được điều này bằng cách PTCS, đạo luật mới có thể ra đời; nếu không, có thể dùng các biện pháp không phải là luật.

Thứ hai, PTCS cần tính đến nguồn lực tài chính để thực thi chính sách, pháp luật[9]. Cơ quan PTCS cần đánh giá xem, dự luật có phù hợp với điều kiện tài chính hiện có hay không, những nguồn bổ sung nào có thể huy động, trong giới hạn về tài chính đó, giải pháp nào là hiệu quả nhất. Cần rà soát các đề xuất lập pháp của các bộ với những ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ, loại bỏ những đề xuất nào không đem lại nhiều đóng góp cho những ưu tiên đó và tiết kiệm được một khoản dành cho các đề xuất khác.

Thứ ba, PTCS cần tiến hành một cách minh bạch, có sự tham vấn rộng rãi công chúng, các bộ ngành liên quan. Các dữ liệu, thông tin thu thập được cần được công bố rộng rãi, kịp thời. Quá trình PTCS cần được công khai, minh bạch. Công chúng, các uỷ ban của nghị viện có điều kiện tiếp cận các tài liệu PTCS. Bên cạnh đó, công dân phải có quyền bày tỏ ý kiến về những rủi ro do văn bản gây ra và ý kiến đó phải được tính đến trong quá trình PTCS. Cuối cùng, toà án cần có điều kiện để đảm bảo rằng, việc PTCS không vượt quá khuôn khổ đã được cho phép[10].

Thứ tư, quá trình PTCS khi ban hành pháp luật cần có những yếu tố sau[11]: thực trạng các quy định pháp luật liên quan hiện hành, những vướng mắc chính của chúng trong việc giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra, những kết quả mà các quy định đó đã mang lại; lý do tại sao phải ban hành quy định mới, các mục tiêu của chúng; những kết quả dự tính do quy định mới sẽ mang lại (đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, chi phí và lợi ích tổng thể); dự liệu việc thực thi, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, thời điểm bắt đầu, những công việc cần làm; những vấn đề có thể xuất hiện trong quá trình thực thi.

Thứ năm, trong quá trình phân tích để ra quyết định chính sách, người PTCS phải đưa ra những tiêu chí để đánh giá trong quá trình thực hiện. "Tiêu chí đánh giá" là hệ thống các tiêu chí đo lường mục tiêu của một chính sách từ khi chính sách này được ban hành nhằm đạt các mục tiêu nó đưa ra. Tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của một quyết sách thường phải trả lời câu hỏi: chính sách này có cần thiết hay không; tại sao; nhằm đạt những mục đích điều chỉnh nào; sau khi ban hành nó sẽ tác động thuận tới mục đích như thế nào (cơ chế tác động chung và chế độ áp dụng đối với chủ thể đặc biệt) và để thực hiện chính sách này, cách thức và nguồn lực nào được huy động (mệnh lệnh hành chính, cơ chế thuế hay nguồn lực xã hội). Như vậy, tiêu chí của một quyết sách phải rõ ràng ngay từ khi cơ quan quản lý đệ trình dự án luật hoặc một sáng kiến pháp luật.

Cuối cùng, về mặt phương pháp luận, kinh nghiệm các nước cho thấy, cần coi đây là phương tiện hỗ trợ cho quá trình ban hành chính sách, chứ không phải là mục đích của nó[12]. Muốn vậy, việc PTCS cần tập trung vào những vấn đề do các nhà hoạch định chính sách đã đề ra, chứ không phải vào những vấn đề do chuyên gia xác định. Không nên quá chú trọng đến phân tích kỹ thuật; cần nêu rõ những giá trị mà việc PTCS không thể bao trùm, những đối tượng cần chú trọng hơn, những biến thể trong hành vi của cá nhân, xã hội có thể xảy ra.

4. Phân tích chính sách trong chu trình chính sách

Chính sách được hình thành và thực thi trong một chu trình, khởi đầu bằng quyết sách lớn; tiếp đó là việc xây dựng chính sách cụ thể để xác định những phương án ban hành dưới hình thức thể hiện thích hợp; sau khi được ban hành, chính sách được thực thi và đánh giá nhằm tiếp tục hoàn thiện[13]. Trong chu trình đó, việc PTCS đối với dự luật nằm ở khâu thứ hai - xây dựng chính sách.

Ở nhiều nước châu Âu, quá trình làm chính sách thường được chia thành 12 khâu như trong bảng dưới đây. Bước PTCS hiện diện phần nào trong hai khâu đầu, nhưng trực tiếp thể hiện ở khâu thứ ba. Các nước theo mô hình Anh - Mỹ cũng có những khâu tương tự, chỉ khác biệt ở chỗ việc soạn thảo luật tập trung vào một cơ quan chuyên biệt nằm ở Bộ Tư pháp.

Bảng: Các bước trong quá trình làm chính sách ở châu Âu

Khâu

Cơ quan chủ trìCáccơ quan phối hợpCấp quyết định /phê chuẩn

1. Xác lập ưu tiên

Đảng cầm quyền, Nội các của Thủ tướng

Văn phòng Chính phủ, tất cả các bộ

Chính phủ, nghị viện

2. Lập kế hoạch chính sách và lập pháp

Văn phòng Chính phủ

Tất cả các bộ (Thư ký lập pháp)

Chính phủ

3. Chuẩn bị dự thảo chính sách

Bộ chủ trì

Các nhóm công tác, NGOs, chuyên gia bên ngoài

Bộ trưởng

4. Chuẩn bị dự thảo luật

Bộ chủ trì

Các nhóm công tác, NGOs, chuyên gia bên ngoài, thư ký lập pháp

Bộ trưởng

5. Tham vấn với các bộ

Bộ chủ trì

Một số /tất cả các bộ (thường là có Bộ Tài chính)

Bộ trưởng

6. Chuyển cho Văn phòng Chính phủ

Bộ chủ trì

 

Bộ trưởng

7. Thẩm định bởi VPCP

VPCP

Bộ chủ trì

Tổng Thư ký (CN VPCP)

8. Thẩm định bởi ủy ban của CP

VPCP

Bộ chủ trì

Chủ tịch ủy ban, Chính phủ

9. Quyết định bởi CP

VPCP

Bộ chủ trì

CP

10. Công đoạn ở Nghị viện

VP Nghị viện

VPCP, Bộ chủ trì

Nghị viện

11. Thực hiện

Bộ chủ trì

NGOs, các chuyên gia bên ngoài, chính quyền địa phương

Bộ trưởng

12. Theo dõi và đánh giá

Bộ chủ trì, VPCP

Chuyên gia bên ngoài, NGOs

Bộ trưởng, CP

(Nguồn: Michal Ben-Gera, Xem chú thích số 6)

Tại bước thứ ba là xây dựng dự thảo chính sách gồm các bước sau: Định danh những vấn đề cần được giải quyết hoặc cải tiến bằng chính sách; xác lập những mục tiêu cụ thể cả về định lượng và định tính của chính sách đó; dự trù những phương án để đạt các mục tiêu đó; đánh giá những tác động của các phương án đó; tham vấn với các bộ để giải quyết những vấn đề đa lĩnh vực; tham vấn với xã hội dân sự; kiến nghị với Bộ trưởng chọn phương án phù hợp nhất, trình Chính phủ phê duyệt chính sách để soạn thảo dự luật. Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng đa ngành như kinh tế, xã hội, tài chính, luật. Thông thường, nếu không đủ nguồn lực nội tại, các bộ có thể ký hợp đồng với các tổ chức bên ngoài.

Bảng: Xây dựng và phê duyệt chính sách của dự luật ở Canada

ở Canada, chính sách của dự luật được trình bày trong Bản ghi nhớ trình Nội các (Memorandum to Cabinet- MC) có kèm theo phụ lục là hướng dẫn soạn thảo dự luật về mặt chính sách[14].

Các bước

Cơ quan thực hiện

Cơ quan liên quan

Thời gian

Soạn MC, tham vấn

Bộ chủ trì dự luật

Văn phòng Hội đồng Cơ mật (VP HĐCM); các bộ khác.

Ít nhất 6 tuần trước khi UB Nội các họp bàn về MC

Họp bàn về MC và sửa đổi MC

Bộ chủ trì dự luật

VP HĐCM, các bộ khác

Ít nhất 3 tuần trước khi UB Nội các họp bàn về MC

Thẩm định MC

VP HĐCM

 

 

 

Hoàn thiện. ký, gửi MC

Bộ chủ trì dự luật

Gửi đến VP HĐCM

 

 

Gửi MC, lên lịch họp Uỷ ban

VP HĐCM

Gửicác bộ trưởng, thứ trưởng

 

 

Xem xét, phê duyệt MC

UB Nội các về chính sách dự luật

 

 

 

Soạn báo cáo của Uỷ ban này

VP HĐCM

 

 

 

Xem xét và phê duyệt báo cáo này

Toàn thể Nội các

 

 

 

Soạn và gửi Quyết định

VP HĐCM

Gửi các bộ trưởng, thứ trưởng, Vụ Lập pháp của Bộ Tư pháp

 

 

Soạn thảo dự luật

Văn phòng Cố vấn Lập pháp

Bộ chủ trì dự luật

 

 

II- Các bước phân tích chính sách1. Nhận biết vấn đề

ở bước này, cơ quan PTCS sẽ tìm hiểu tình huống và định vị "vấn đề" có thể cần đến sự can thiệp của chính phủ.

Điều tối thiểu để hiện trạng trở thành vấn đề chính sách là hiện trạng phải tạo ra những lo ngại về mất mát lợi ích, tuyệt vọng hay mất niềm tin của số đông, và số đông này thực sự có nhu cầu, hay bộc lộ đòi hỏi giải pháp, nó mới trở thành vấn đề của chính sách[15], đòi hỏi sự can thiệp của công quyền. Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý ba điểm: thứ nhất, sự đòi hỏi của cộng đồng không hàm ý đòi hỏi của toàn thể; thứ hai, đòi hỏi của số đông chưa chắc đã đúng; thứ ba, nhiều khi nhu cầu cần phải có sự can thiệp về chính sách không được thể hiện trực tiếp, mà nó ẩn đàng sau hiện trạng, và người làm chính sách, người làm luật cần phải nhận diện nhu cầu đó[16].

Bên cạnh điều kiện cần là hiện trạng mang tính số đông, cần xác định những điều kiện đủ để nhận diện nhu cầu điều chỉnh bằng chính sách, pháp luật đối với một vấn đề. Các điều kiện đó là[17]: Thứ nhất, khi hiện trạng đã tới mức độ khiến công chúng rất lo ngại, thậm chí có hành động phản ứng cụ thể, chẳng hạn, lương quá thấp khiến công nhân đình công trên diện rộng. Thứ hai, vấn đề hay nhu cầu được đại chúng hoá, chẳng hạn, một cuốn sách đánh động về tình trạng đói nghèo đã dẫn đến sức ép của đông đảo công chúng đòi hỏi chính phủ phải làm gì đó, khiến chính phủ phải phát động cuộc chiến chống đói nghèo, ban hành một loạt chính sách, văn bản liên quan đến vấn đề này. Thứ ba, vấn đề thực sự nghiêm trọng, thách thức tính ổn định của hệ thống, nền tảng giá trị đang tồn tại, tính toàn vẹn và an ninh của cộng đồng (xem hộp dưới đây). Thứ tư, hiện trạng có tính liên đới. Ví dụ, nhiễm độc chì xảy ra riêng lẻ nếu xảy ra ở từng nhóm công nhân, bản thân họ không phản ứng, nó rất dễ bị quên lãng. Nhưng nếu nhà làm chính sách có con mắt tinh đời có thể nhận thấy mối liên hệ giữa hiện trạng riêng lẻ đó với tình trạng không đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn lao động ở nhiều cơ sở sản xuất, từ đó có những biện pháp điều chỉnh thích ứng.

Hộp: Nổ hầm mỏ, 79 công nhân chết ngạt, sửa đổi Luật An toàn khai khoáng

Trước năm 1952, ngành khai thác mỏ ở Mỹ có nhiều tai nạn và bệnh nghề nghiệp nhất, nhưng không mấy ai quan tâm. Luật An toàn trong khai khoáng năm 1952 và cơ quan thi hành Luật là Uỷ ban Khoáng sản quốc gia chịu ảnh hưởng khá nặng từ các nhóm lợi ích của các ông chủ hầm mỏ. Do đó, trong gần hai thập niên, công nhân mỏ vẫn phải làm việc trong điều kiện thiếu an toàn và vệ sinh. Nhưng vào ngày 20/11/1968, một vụ nổ hầm mỏ xảy ra ở tiểu bang Virginia, 79 công nhân đã chết ngạt trong lòng đất trước khi được cứu hộ. Cái giá quá đắt này gây chấn động nước Mỹ. Ngay lập tức, một loạt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền được đặt ra một cách gay gắt. Sau đó bốn tháng, 3/1969, Hội đồng Lập pháp tiểu bang Virginia đã ban hành chính sách về an toàn khai khoáng và chống bệnh nám phổi nghề nghiệp. Tháng Tư cùng năm, Tổng thống Nixon gửi Dự thảo sửa đổi Luật An toàn khai khoáng đến Quốc hội. Tháng Mười năm đó, Hạ viện thông qua với chỉ 4 phiếu phản đối; vài tuần sau Thượng viện thông qua mà không có phiếu chống. Chính sách lập pháp được thông qua một cách nhanh chóng và nhất trí cao hiếm thấy.

(Nguồn: Lê Vinh Danh, xem chú thích số 2, tr.230)

Trong bước định vị vấn đề, cơ quan PTCS phải tìm hiểu phạm vi tác động của vấn đề, đối tượng chịu ảnh hưởng, hình thức chịu ảnh hưởng, nội dung ảnh hưởng, thời gian, không gian ảnh hưởng của vấn đề, tần số, cường độ của ảnh hưởng, số lượng các thay đổi xã hội do vấn đề này. Nếu không xác định được những thông số này, nhiều khi vấn đề nhỏ lại trở thành rối, hoặc áp cho nó giải pháp quá to tát không cần thiết, vừa tốn kém, vừa không mang lại kết quả. Quá trình định vị có thể bắt đầu với những nghi vấn như: tại sao vấn đề lại rơi vào môi trường này; khu vực nào chịu ảnh hưởng, khu vực nào không, tại sao; khu biệt vấn đề này với các sự kiện khác ra sao; vấn đề sẽ kéo dài trong bao lâu nếu không có giải pháp; ảnh hưởng của nó đến mức nào nếu chậm trễ giải quyết; có bao nhiêu thời gian để nghiên cứu giải pháp. Nếu không ra đời kịp thời, giải pháp sẽ không phát huy hiệu quả.

2. Tìm nguyên nhân của vấn đề

Một vấn đề thường là do nhiều nguyên nhân. Những cuộc khảo sát ở các nước cho thấy, để tìm ra nguyên nhân của vấn đề, cần có những hoạt động công phu, theo những cách thức chuẩn, với sự tham gia của nhiều người, nhiều cơ quan.

Công việc thu thập thông tin có thể được tiến hành qua phỏng vấn và ghi âm, ghi hình trực tiếp hàng loạt đối tượng ngẫu nhiên tại thực địa; gửi thư; gửi bảng câu hỏi đến từng cá nhân; qua điện thoại có ghi âm; tập trung người dân tại nơi công cộng để hỏi đáp; phát phiếu điều tra nơi đông người; qua e-mail

Sau khi thu thập, tiếp theo là bước lọc thông tin, vì không phải mọi thông tin đều dùng được. Phải tổng hợp nó, phân loại, rà soát những điểm giống và khác nhau, loại bỏ những thông tin không có giá trị. Chọn những điểm giống có tính đa số để làm dữ liệu cơ sở, lưu trữ những dữ liệu thiểu số nhưng mang tính đặc biệt để đối chiếu sau này, khi dữ liệu cơ sở có vấn đề. Tính khách quan và trung thực khi lọc thông tin là điều đặc biệt quan trọng. Nếu người xử lý thông tin chịu ảnh hưởng của thế lực nào đó, dấu thông tin hoặc làm sai lệch thông tin thì người quyết định chính sách sẽ cho ra những quyết định sai, lợi ích của người được khảo sát không được đáp ứng. Do đó, kết quả khảo sát, nghiên cứu cần được công bố công khai, những ai có nhu cầu đều có quyền xem phiếu điều tra gốc[18].

Các nguyên nhân của vấn đề dưới cách nhìn của một chuyên gia PTCS có thể khác với cách nhìn của một phóng viên, chuyên gia thống kê, điều tra xã hội học, người dân. Chẳng hạn, cùng một vấn đề nhiều người sống dưới mức nghèo, chuyên gia PTCS có thể nhìn ra những câu chuyện khác như giải quyết công ăn việc làm, phổ cập giáo dục, dạy nghề miễn phí để tăng cường khả năng kiếm việc, tự vươn lên một cách căn bản cho người nghèo.

(Theo Ths. Nguyễn Đức Lam // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • Phân tích chính sách trong quy trình lập pháp ở các nước (phần II)
  • Hội đồng tư pháp quốc gia - thiết chế độc lập về quản lý toà án của Tây Ban Nha
  • Phân tích chính sách trong quy trình lập pháp ở các nước (tiếp theo kỳ trước)
  • Phân tích chính sách trong quy trình lập pháp ở các nước (tiếp theo kỳ trước)
  • Để tuyên bố hợp đồng vô hiệu chính xác
  • Hai nội dung phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài
  • Nhận con nuôi phải trả những khoản phí gì?
  • Đánh giá tác động pháp luật
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%