Trước lo ngại lạm phát tăng cao, một số doanh nghiệp lớn đang có sản phẩm, hàng hóa tăng giá lại chưa đưa ra cam kết chắc chắn
Tại cuộc giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để bàn giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các bộ, ngành phải quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả.
Không kiểm soát được giá cả, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ảnh: HỒNG THÚY
Làm rõ yếu tố tăng giá
Bên cạnh việc ghi nhận kết quả tăng trưởng kinh tế khá tốt ở mức 5,83% trong quý I, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhìn nhận kinh tế vĩ mô có biểu hiện chưa vững chắc, lành mạnh. Cụ thể là xuất khẩu giảm sút, nhập siêu tăng và đặc biệt là giá cả trong những tháng đầu năm tăng khá cao so với các năm trước.
Trước lo ngại lạm phát tăng cao, đại diện của một số doanh nghiệp lớn đang có sản phẩm, hàng hóa tăng giá lại chưa đưa ra cam kết chắc chắn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), ông Bùi Ngọc Bảo, nói: “Xu hướng giá xăng dầu thế giới sắp tới có thể cao hơn mức dự báo. Chúng tôi sẽ tham gia bình ổn giá ở mức tốt nhất nhưng không có nghĩa là giá cố định”.
Chuẩn bị vào mùa xây dựng, giá thép trong quý I đang biến động lớn. Ông Mai Văn Tinh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép VN, cho biết nguyên nhân tăng giá thép trong nước là do giá quặng, giá phôi đều tăng mạnh, tổng công ty đã chạy hết công suất nhưng giá vẫn tăng 10%.
Vấn đề lãi suất cao cũng được đại diện nhiều doanh nghiệp và địa phương lo ngại. Nhiều đại biểu đặt vấn đề cần quy định trần lãi suất cho vay, không để lãi suất tăng nhanh và đứng ở mức cao như hiện nay, doanh nghiệp vừa khó vay vốn vừa bị đội chi phí.
Xem lại khâu điều phối thị trường
Tại hội nghị, các ngân hàng thương mại lớn khẳng định lãi suất thỏa thuận không có nghĩa là thả nổi mà trong vòng kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh phải chỉ đạo điều tiết lãi suất thỏa thuận theo hướng giảm xuống đến mức thị trường chấp nhận.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Người dân tăng giá vì chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, còn cơ quan Nhà nước “vui vẻ” cho qua. Trong điều hành thị trường hàng hóa, các hiệp hội chưa làm tốt vai trò là một nhịp cầu nối với Chính phủ, là một trung tâm đoàn kết các doanh nghiệp trong ngành. Phó Thủ tướng cũng nhắc một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa thực hiện được vai trò điều tiết, chi phối thị trường, trong khi đó là những yếu tố tạo nên tính an toàn cho thị trường hàng hóa.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ cố gắng giữ lạm phát tiệm cận mức 7% và yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, để thực hiện cho được mức tăng GDP 6,5% trong năm 2010. Toàn bộ hệ thống phân phối hàng hóa phải được kiểm soát nhằm phát hiện, nghiêm trị những hành vi nâng giá té nước theo mưa. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan để tạo ra biến động giá, phải kiểm soát được giá niêm yết, bảo đảm công khai minh bạch, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh...
Tháo gỡ khó khăn về vốn Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết trên địa bàn TP vẫn có một số mặt hàng tăng giá như xăng, điện, thép ảnh hưởng tới tình trạng tăng giá chung. Cuối tuần này, TPHCM sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn và các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến điều phối thị trường và kiềm chế giá cả sẽ được đặt ra, trong đó có tập trung xử lý nghiêm tình trạng tăng giá những mặt hàng thiết yếu. |
(Theo Tô Hà // Nguoilaodong Onlie)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com