Các DN sử dụng nhiều năng lượng như ngành cơ khí bắt buộc phải kiểm toán năng lượng |
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dự thảo nghị định vẫn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số vấn đề để hoàn thiện hơn.
Không nên “khuyến khích”
Bà Nguyễn Thị Kim Anh - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong nghị định tránh ghi chung chung như “phải ưu tiên”, hay “khuyến khích” mà theo bà Kim Anh, dù trong giai đoạn khuyến khích vẫn phải áp dụng các biện pháp bắt buộc hoặc ngược lại, nếu không tính khả thi sẽ thấp. Cùng chung quan điểm, ông Đoàn Văn Tiến - đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thay cụm từ “phải ưu tiên” trong khoản 1 Điều 18 bằng “chỉ được mua sắm các thiết bị...”. Cụm từ “khuyến khích” trong Điều 21 và 31 theo ông Tiến cũng nên bỏ vì nghị định của Chính phủ không nên dùng khuyến khích mà là pháp lệnh yêu cầu các bộ, ban, ngành thực hiện.
Theo ông Trương Duy Nghĩa - Hội Nhiệt VN, khoản 1b Điều 5 của Dự thảo Nghị định chỉ cần liệt kê về nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm chế biến từ nhiêu liệu hóa thạch là đủ ý. Tương tự, khoản 3b Điều 34 chỉ nên ghi, sử dụng khí hóa lỏng, hoặc sử dụng các loại khí đốt là đủ không cần liệt kê quá chi tiết. Ông Nghĩa cũng cho rằng, thời gian đầu khi mới thi hành luật, việc kiểm toán năng lượng ở các cơ sở không trọng điểm chỉ khuyến khích còn hợp lý, chấp nhận được. Tuy nhiên, không nhất thiết là chỉ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mới phải kiểm toán, bởi nếu gộp nhiều DN không trọng điểm lại cũng thành DN trọng điểm và con số đó cũng rất lớn. Hơn nữa, đã là DN thì đều có đủ điều kiện để thực thi việc kiểm toán năng lượng nếu có cách hướng dẫn phù hợp, tiến tới thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc với tất cả các DN.
Theo ông Nghĩa, các đơn vị hành chính sự nghiệp, ví dụ như các bộ chẳng hạn, cũng sử dụng năng lượng rất nhiều, vậy nên đặt vấn đề các đơn vị này cũng phải có thống kê sử dụng năng lượng. Bà Kim Anh cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước phải đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó cần sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện công tác này.
Ông Nguyễn Huy Minh, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng do danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm sẽ thay đổi hàng năm, nên không nhất thiết phải trình Chính phủ mà chỉ cần hàng năm Bộ Công Thương tổng hợp và công bố công khai trên trang web của bộ thì phù hợp hơn.
Dự thảo nghị định có khả thi ?
Một số ý kiến cho rằng, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và dự thảo nghị định tổng cộng có khoảng 40 nội dung cần hướng dẫn thực hiện chi tiết, hiếm có văn bản nào có nhiều quy định bắt các cơ quan nhà nước hướng dẫn nhiều như vậy. Đã có nhiều bài học là luật ra đời đến 5 năm sau mới có văn bản hướng dẫn thực hiện, trong khi lĩnh vực TKNL là lĩnh vực khó, vừa mới vừa đan xen nhiều đơn vị, nếu không có quy định rõ ràng các nội dung, các tiêu chí và các điều kiện thì khó thực hiện trong tương lai...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chánh văn phòng TKNL, Phó ban soạn thảo nghị định khẳng định: Bộ Công Thương cũng đã chuẩn bị sẵn để sau khi nghị định ban hành là có ngay thông tư hướng dẫn và các mẫu báo cáo, quy trình xử lý tiếp nhận thông tin ra sao, nên không lo ngại về tính khả thi. Theo ông Hiệp, ngay cả lộ trình dán nhãn và danh mục hơn 10 sản phẩm cần dán nhãn cũng đã được lựa chọn để thực hiện. Ngoài ra, danh mục mua sắm cũng đã được chuẩn bị để khi nghị định ban hành là có ngay văn bản hướng dẫn. Về các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, trong quá trình quản lý nhà nước thời gian qua, Bộ Công Thương đã xác định được trong lĩnh vực công nghiệp có khoảng hơn 1.200 DN trọng điểm có mức sử dụng trên 1.000 tấn dầu tương đương, lĩnh vực giao thông vận tải khoảng 500 DN có mức sử dụng khoảng 800 tấn dầu tương đương. Ngoài ra, trong lĩnh vực xây dựng, dân dụng và tòa nhà, Bộ Xây dựng đã xác định có khoảng hơn 500 tòa nhà có diện tích sàn lớn hơn 2.000 m2.
Riêng ý kiến cho rằng không cần thiết phải trình Chính phủ về danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm do Bộ Công Thương cập nhật hàng năm, ông Hiệp cũng đồng tình cho rằng nên để ở cấp bộ thì tốt hơn do tính phức tạp và thay đổi thường xuyên. Ông Hiệp cho biết, Ban soạn thảo sẽ có kiến nghị vấn đề này trong tờ trình gửi Chính phủ sau khi nghị định đã hoàn thiện về mặt nội dung.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com