Đây là hướng đi mà ngành hải quan tiếp tục theo đuổi sau khi thực hiện khá thành công giai đoạn 1 Đề án 30 và được Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đánh giá có chất lượng rà soát tốt nhất.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường: Sở dĩ ngành hải quan làm tốt nhiệm vụ trong cải cách thủ tục hành chính ngành là do một mặt ngành đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá, mặt khác ngành cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với DN. Thông qua đó nắm bắt được thực tế để kịp thời sửa đổi chính sách hoặc bổ sung. Những thông tin trái chiều có liên quan tới vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong ngành cũng như ngoài ngành đều được lãnh đạo tổng cục xem xét nghiêm túc để tìm giải pháp tối ưu.
Kết quả rà soát trong giai đoạn 1, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1904/QĐ-BTC ngày 10/8/2009 về danh mục thủ tục trong ngành hải quan với 239 thủ tục, trong đó có 15 thủ tục cấp tổng cục, 27 thủ tục cấp cục và 197 thủ tục cấp chi cục, ngành hải quan đã công bố danh mục và chọn ra được 44 thủ tục ưu tiên, trong đó giữ lại 20 thủ tục, sửa đổi bổ sung 22 thủ tục, thay hai thủ tục, tiết kiệm 6.000 tỷ đồng.
Phó Tổng cục trưởng TCHQ Hoàng Việt Cường cho biết thêm: Vấn đề cải cách thủ tục hành chính ngành trong giai đoạn II sẽ tiếp tục các nội dung: đơn giản hoá thủ tục, cắt bỏ những thủ tục không cần thiết đồng thời; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời minh bạch hoá các thủ tục để DN dễ hiểu và dễ thực hiện.
Riêng trong vấn đề đơn giản hóa, tổng cục sẽ tập trung chỉ đạo giảm các giấy tờ, giảm các chi phí, giảm các mẫu biểu..., đặc biệt sẽ tập trung giải quyết nhóm vấn đề có liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu vì đây là lĩnh vực có liên quan tới 1/3 tổng số lượng tờ khai XNK của ngành, đồng thời sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 116, theo đó đơn giản một số thủ tục bao gồm 7 nhóm vấn đề theo chủ trương của Đề án 30. Ví dụ, trước đây DN được làm thủ tục tại nơi DN có cơ sở sản xuất, nay theo dự kiến sửa đổi, DN được lựa chọn đối với các chi cục để làm thủ tục, kể cả nơi DN có cơ sở sản xuất lẫn nơi DN đóng trụ sở hoặc chi nhánh. DN đóng tại TP HCM có cơ sở sản xuất tại Long An, có thể làm thủ tục ngay tại TP HCM thay vì phải xuống Long An làm thủ tục như trước.
Về vấn đề thanh khoản, ngành hải quan dự kiến sẽ xóa bỏ thủ tục trình tờ khai xuất khẩu và chứng từ thanh toán. Việc đăng ký định mức gia công chỉ phải thực hiện khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên thay vì khi làm hợp đồng nhập khẩu đã phải đăng ký ngay như trước đây cũng là nội dung đang được ngành hải quan cân nhắc cải cách trong giai đoạn tới. Theo tính toán của ngành hải quan, chỉ riêng việc đơn giản hóa thủ tục này thôi, mỗi năm ngành sẽ tiết kiệm được 160 tỷ đồng cho ngân sách, tương đương cắt giảm 60% thủ tục.
(Theo Đức Linh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com