Những quy định trên đối với chủ DN không phải mới xuất hiện trong dự thảo LCĐ (sửa đổi) mà đã tồn tại từ khi LCĐ năm 1990 ban hành. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tổ chức công đoàn trong các DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít và mang tính hình thức.
Không có tính thực tiễn
Trước hết, khoản 2 Điều 5 dự thảo LCĐ quy định: “... những cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN mới thành lập chưa có tổ chức công đoàn thì chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm thành lập công đoàn cơ sở hoặc chỉ định Ban chấp hành Công đoàn lâm thời”. Theo tôi, quy định “công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm thành lập công đoàn cơ sở hoặc chỉ định Ban chấp hành Công đoàn lâm thời” là không hợp lý và thiếu tính khả thi. Bởi lẽ, tổ chức công đoàn cơ sở phải gắn với DN, là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức và tất yếu phát sinh những quan hệ nội bộ của DN. Trong khi đó, khoản 7 Điều 8 Luật DN quy định về một trong những quyền của DN là “Tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ”. Vì thế, nếu chủ DN chưa đồng ý thì công đoàn cấp trên cơ sở có thực hiện được quyền của mình không ? Nếu chủ DN tìm mọi lý do để không chấp nhận thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên có thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đưa chủ DN ra tòa không ?
Ngoài ra, quy định về đảm bảo điều kiện hoạt động công đoàn, cụ thể: khoản 1 Đìều 25 dự thảo LCĐ quy định: “1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, DN sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế có trách nhiệm bố trí trụ sở, nơi làm việc và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn hoạt động” và khoản 2 quy định: “2. Người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn và được cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN trả lương...”, khoản 3 quy định: “3. Người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc có hưởng lương trong những ngày tham gia tập huấn, hội họp do công đoàn cấp trên cơ sở triệu tập”, khoản 4 “Người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách do cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN trả lương, được hưởng phụ cấp hoạt động công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động VN” và khoản 5 “Cán bộ công đoàn chuyên trách tại DN do công đoàn trả lương, được người sử dụng lao động trả phụ cấp chênh lệch tiền lương, bảo đảm các quyền lợi, phúc lợi tập thể như người lao động làm việc trong DN theo thoả ước lao động tập thể hoặc quy chế của DN”. Hơn nữa, tiết b khoản 2 Điều 27 dự thảo LCĐ quy định về nguồn tài chính của công đoàn gồm: “b. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động”. Là một tổ chức độc lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động nhưng từ cơ sở vật chất, nguồn tài chính đến tiền lương của cán bộ công đoàn đều bắt người sử dụng lao động chi trả. Điều đó thật khó có sức thuyết phục với các chủ DN.
Vi phạm Luật Lao động ?
Vô lý hơn nữa là quy định tại khoản 1 Điều 26: “Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động đang trong nhiệm kỳ tham gia Ban chấp hành công đoàn cơ sở, thì mặc nhiên được tiếp tục thực hiện hợp đồng đến hết nhiệm kỳ; nếu vẫn được tín nhiệm bầu tham gia Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhiệm kỳ tiếp theo thì được ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn bằng với thời hạn nhiệm kỳ của Ban chấp hành công đoàn cơ sở”. Quy định nêu trên trái với khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật Lao động về quyền và nghĩa vụ cơ bản của người sử dụng lao động “người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh...”. Rõ ràng, nếu người lao động không đáp ứng yêu cầu công việc, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thì dù đang tham gia Ban chấp hành công đoàn, người sử dụng lao động cũng phải chấm dứt hợp đồng lao động. Khi đó, chỉ có thể sử dụng nguồn tài chính từ công đoàn cấp trên để trả lương cho người lao động cho đến hết nhiệm kỳ.
Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Đối với các chủ DN – người sử dụng lao động – công đoàn trở thành tổ chức kiểm tra, giám sát họ. Vì vậy, điều kiện quan trọng nhất để tổ chức công đoàn phát huy được sức mạnh, thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thì công đoàn phải là tổ chức độc lập đối với người sử dụng lao động và quan trọng nhất là độc lập về tài chính.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com