Một lần nữa quy định cấm sử dụng các căn hộ chung cư làm văn phòng, nơi sản xuất, kinh doanh của bộ Xây dựng gây chú ý khi bộ này có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo về tiến độ kiểm kê về số lượng căn hộ được sử dụng với mục đích như trên để có cơ sở xử lý thì nhiều luật sư, nhà đầu tư, kể cả người dân đề nghị bỏ quy định này vì chưa phù hợp với thực tế.
Có khá nhiều công ty chọn cách sử dụng căn hộ trong các chung cư để làm trụ sở giao dịch tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Cơ sở để bộ Xây dựng đưa ra quy định này là việc sử dụng văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh xen lẫn với nhà ở gây xáo trộn, mất trật tự và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của các hộ dân sống trong các toà nhà chung cư.
Không phù hợp
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn luật sư Hà Nội kiến nghị nên bỏ quy định này do nó gây chồng chéo với luật Doanh nghiệp. Ông Quynh phân tích, luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp có quyền chọn địa điểm để kinh doanh, kể cả ở chung cư. Đó là chưa kể, quy định của bộ Xây dựng còn không sát với thực tế bởi có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ không có đủ điều kiện để đi thuê mặt bằng thì họ phải sử dụng căn hộ của mình làm nơi giao dịch làm ăn. Pháp luật đang khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh. Do vậy, nếu có quy định này sẽ hạn chế việc kinh doanh của người dân, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Mặt khác, khi quy định cấm sử dụng căn hộ để làm văn phòng sẽ hạn chế nguồn cung, khiến cho giá thuê có thể bị đẩy lên cao; tốn kém chi phí cho thời gian và kinh phí đi lại, dẫn đến sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Theo luật sư Quynh, việc sử dụng căn hộ làm văn phòng, nơi sản xuất kinh doanh đã có các quy định khác của pháp luật, của chính bản thân cộng đồng dân cư ấy điều chỉnh. Ví dụ như đã là nhà chung cư, có dân sinh sống thì anh không thể lấy căn hộ ấy làm nơi sản xuất.
Gây khó cho người nghèo
Ông Nguyễn Văn Thịnh, giám đốc công ty Trường Thịnh, ngụ tại quận 9 cho biết, việc doanh nghiệp đi thuê hoặc mua căn hộ hiện nay tại TP.HCM là rất phổ biến, đặc biệt là những công ty hoạt động với quy mô nhỏ, nhân viên chỉ có 5 – 7 người. Do vậy, nếu bộ Xây dựng cho triển khai quy định này sẽ vô tình gây khó khăn cho cả doanh nghiệp đi thuê và chủ đầu tư các toà nhà.
Ông Thịnh đề xuất, các cơ quan chức năng nên phân loại, dạng văn phòng, dịch vụ kinh doanh nào không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người xung quanh thì cho tồn tại; chỉ nên cấm những văn phòng, những dịch vụ kinh doanh sản xuất lớn, ồn ào…
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều hộ dân tại các chung cư đang sử dụng căn hộ của mình để làm tiệm tạp hoá, quán càphê, tiệm gội đầu… đều cho rằng quy định trên của bộ Xây dựng ảnh hưởng nặng tới đời sống kinh doanh. Khá nhiều số người trong diện bị thu hồi đất chuyển đến tái định cư của các chung cư chỉ trông chờ vào việc buôn bán lặt vặt này để sống qua ngày. Bà Nguyễn Thị Lệ Hà, bán tạp hoá tại chung cư Đông Sài Gòn, quận 9 cho biết, nếu bây giờ cấm không cho buôn bán tại nhà thì kinh tế gia đình bà sẽ rất khó khăn.
Một cán bộ trong ngành xây dựng tại TP.HCM cũng cho rằng, nếu sử dụng làm văn phòng ở nơi ít người qua lại, không gây ảnh hưởng hay tiếng ồn gì cả thì không cần thiết bắt đóng cửa. Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây mất trật tự trị an, mất ổn định cuộc sống bình thường của người dân, dứt khoát phải đưa ra ngoài nhà chung cư. Song nếu sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ yếu phục vụ tại chỗ và được người dân đồng tình và thấy có lợi thì cũng không nhất thiết phải cấm.
Theo ông, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động, giúp người dân và ban quản lý toà nhà phân biệt được trường hợp nào làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng của những chủ sở hữu bất động sản liền kề để xử phạt đối với những hành vi đó. Nếu xử phạt vẫn không đủ sức răn đe, thì khi ấy đóng cửa vẫn chưa muộn.
(Theo V. Nguyên // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com