Các vụ tai nạn chết người liên tục xảy ra, không ít đoàn kiểm tra đến rồi đi nhưng kết quả cụ thể vẫn không có. Chỉ có tai nạn vẫn cứ diễn ra tại công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam sau những lần thăm viếng của cơ quan chức năng...
Một trong những bức ảnh do kỹ sư Lâm chụp trước khi bị nạn dẫn tới tử vong (Ảnh do người nhà nạn nhân cung cấp) |
Nhiều nhà báo còn nhớ, khi Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội- Nguyễn Thế Hùng hứa trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 24-7-2009 rằng, bằng trách nhiệm của ngành không thể bỏ qua vụ tai nạn lao động làm 4 người chết (lúc đó mới 4 người chết - PV) ở công trình toà nhà Keangnam.
Ông Hùng cũng đánh giá những vụ tai nạn đó là thảm khốc và đau xót. Thế rồi ngành LĐ-TB&XH TP Hà Nội thời điểm đó đã yêu cầu chủ đầu tư rà soát về an toàn lao động, siết chặt quy trình lao động, không vì tiến độ mà bất chấp an toàn lao động.
Tuy nhiên, không hiểu cơ quan chức năng này quán triệt kiểu gì để đến nỗi từ 4 người, nay công trình toà nhà cao nhất Việt Nam đã có 6 người chết vì tai nạn lao động.
Sau cái chết thứ 6 của kỹ sư Vũ Tiến Lâm, Hà Nội lại lập Đoàn Thanh tra liên ngành (Sở LĐ-TB&XH, Sở XD, Liên đoàn Lao động TP và Công an huyện Từ Liêm) kiểm tra việc thực hiện của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn với các yêu cầu về an toàn lao động trong 30 ngày (bắt đầu từ 26-2). Liệu 30 ngày thanh kiểm tra, liên ngành có phát hiện ra điều gì, hay lại vẫn điệp khúc đến rồi đi lặng lẽ và hứa?
Ngay sau khi Tiền Phong đăng loạt bài sau cái chết thứ 6 tại công trường Keangnam, một chuyên gia ngành xây dựng cho biết, tai nạn trong xây dựng là điều rủi ro khó lường, nhưng để xẩy ra nhiều như Keangnam thì có vấn đề.
Chuyên gia này đánh giá, có thể Keangnam mải lo chạy tiến độ mà chưa chú trọng đầu tư cho chi phí an toàn. Thực ra, ở Việt Nam có một số nhà thầu xây dựng đã sớm quan tâm chuyện này.
Ví như ở các công trường của Vinaconex 2, trong quá trình thi công còn thành lập an toàn viên tới tận tổ. Tổ cốp-pha, tổ thép..., mỗi tổ đều có tổ trưởng an toàn giàu kinh nghiệm, đủ uy tín trong nhóm, được phát trang phục riêng và hưởng phụ cấp trách nhiệm.
Theo chuyên gia này, nếu không quán triệt tới tận tổ thì khó bảo ban nhau được bởi công trường rộng mênh mông, cán bộ kỹ thuật khó tác động tới tận tổ xây dựng. Điều này đã phần nào lý giải vì sao Keangnam có công nghệ, thiết bị hiện đại nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.
Trong những ngày điều tra các vụ chết người ở Keangnam, PV Tiền Phong tìm hiểu về giá bán các căn hộ cao cấp trên mạng. Mỗi mét vuông nhà ở đây có giá gần 3 nghìn USD, mỗi căn hộ cao cấp ở đây thường trên 100 m2.
Khoảng 6 tỷ đồng là giá trị một căn hộ Keangnam. Một mạng người kỹ sư tuổi 25 nhiều mơ ước còn dang dở được hỗ trợ 200 triệu đồng. Tòa nhà cao nhất Việt Nam thi công ngày đêm chạy đua với đại lễ 1.000 năm Thăng Long, trong các phần bê tông cốt thép dính không ít máu và nước mắt của các công nhân, kỹ sư trên công trường.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com