Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trật tự thị trường trong bối cảnh mới

Từ sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, đã có nhiều kỳ vọng được đặt ra cho tương lai của thị trường Việt Nam sau hơn 20 năm xây dựng. Sự liên kết về mặt pháp lý và thủ tục giữa thị trường Việt Nam và quốc tế dường như đã hoàn tất, song sự thắng thua trong “canh bạc thị trường” phải chờ đợi phán quyết cuối cùng từ thực tế. Sự may rủi và thực lực của chúng ta đều có những tác động đến hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế mà trong đó, xây dựng một trật tự thị trường lành mạnh có một ý nghĩa quan trọng.

1. Nhu cầu về trật tự thị trường trong vận hội phát triển mới

Với thị trường non trẻ, Việt Nam có nhiều thế mạnh song cũng phải đương đầu với những thách thức lớn khi được kết nối với thị trường toàn cầu. Trong nỗi lo ngại, người ta hay nói đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khả năng dự liệu còn nhiều hạn chế. Trên hai mươi năm xây dựng từ nền tảng là những thành tựu và hạn chế của cơ chế kế hoạch hoá, sự phát triển của thị trường Việt Nam vẫn còn là tiềm năng. Khi tham gia thị trường toàn cầu, chúng ta mong muốn tìm kiếm động lực mới cho sự phát triển là môi trường cạnh tranh tầm vóc quốc tế. Trong cuộc chơi đó, không thể ngây thơ trông chờ vào sự cao thượng hay nhượng bộ của các đối tác mà phải chủ động tìm kiếm cơ hội tồn tại, phát triển. Chúng ta chỉ có thể khai thác hiệu quả các giá trị của toàn cầu hoá kinh tế khi doanh nhân Việt Nam có sức lực trụ vững trong cuộc cạnh tranh và nhà nước có đủ công cụ để duy trì trật tự lành mạnh của thị trường. Vì thế, trật tự thị trường không chỉ được hiểu giới hạn ở những thiết kế pháp lý hoàn chỉnh và đủ mạnh, mà còn bao gồm thực lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các giao thương quốc tế.

Thực ra, ở mức độ nào đó, hình hài của một trật tự thị trường cũng đã định hình nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, có thể kể đến:

Thứ nhất, hơn một thập niên đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chúng ta đã xây dựng về cơ bản khung khổ pháp lý cần thiết cho một thị trường hoàn chỉnh và phát triển. Song, xét về nội dung và hiệu quả thì dường như, tất cả chỉ là những trang bị cho công tác gia nhập mà chưa thể là công cụ để điều tiết thị trường có mức độ cạnh tranh mang tầm quốc tế. Nếu tiến hành điểm danh, có thể lạc quan khẳng định rằng, chúng ta đã có khá đầy đủ các chế định pháp luật cơ bản của thị trường hiện đại như pháp luật chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, pháp luật cạnh tranh và pháp luật thương mại, pháp luật đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp với những tư tưởng lập pháp tiến bộ, mang tính thời đại. Nhưng khả năng thực thi của các đạo luật này còn là vấn đề phải bàn. Đâu đó trong nội dung của pháp luật và cơ chế thi hành, vẫn tồn tại những khúc mắc làm cho chúng lâm vào tình trạng luật treo ngay từ bây giờ. Trong tình trạng đó, nhà nước đã và sẽ gặp nhiều khó khăn để nâng cao năng lực quản lý kinh tế; niềm tin của doanh nhân vào luật pháp cũng như nhận thức pháp lý và ý thức pháp luật của họ sẽ bị bào mòn và ước mơ về một trật tự thị trường lành mạnh thêm mong manh.

Thứ hai, cho dù vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã có những bước phát triển mạnh, song phải khách quan khẳng định rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam còn yếu. Vị trí kinh tế của chúng ta chưa mạnh khi còn đứng trong hàng ngũ của những nước nghèo. Tình trạng phân tán năng lực đầu tư còn phổ biến, bằng chứng là mỗi năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp ra đời, trong đó tuyệt đại đa số là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ số tập trung về năng lực cạnh tranh chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nhà nước hoặc nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có những chiến lược dài hạn cho việc thâm nhập và xây dựng thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể dễ dàng tìm được rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên như thói quen kinh doanh đơn lẻ, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, song để tìm ra giải pháp khắc phục lại là một thách đố lớn. Thực ra, nhà nước đã từng có những chiến lược lớn để nâng cao năng lực bằng cách tập trung nguồn lực đang phân tán trên một số vùng thị trường cơ bản như điện, nước, viễn thông, điện tử và đã hình thành nên các tổng công ty nhà nước 90, 91. Những tranh cãi về hiệu quả và hậu quả mà vị trí độc quyền của các tổng công ty nói trên đem lại cho nền kinh tế vẫn chưa đến hồi kết. Các tập đoàn này, do được sự bảo trợ từ phía công quyền để có được vị trí thống lĩnh tuyệt đối hoặc độc quyền triệt để, nên không có nhiều cơ hội cọ sát trong môi trường cạnh tranh gay gắt. Hiệu quả kinh doanh mà chúng có được không xuất phát chủ yếu từ khả năng kinh doanh, mà là từ việc khai thác lợi thế độc quyền, nên đã dẫn đến sức ỳ lớn, khả năng thích ứng không cao dù có năng lực tài chính và thị phần lớn. Với điều kiện hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội làm chủ thị trường trong nước. Nhưng khi những cam kết quốc tế có giá trị ràng buộc và nhà nước không thể tiếp tục bảo hộ cho thị trường nội địa theo phương thức hiện hành, thì khả năng mất thị trường nội địa hoàn toàn có thể xảy ra, nếu các doanh nghiệp trong nước không tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì lẽ đó, xây dựng một trật tự thị trường, một mặt phải tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc cơ bản đang áp dụng trên các khu vực thị trường chung mà chúng ta tham gia, mặt khác, vẫn phải duy trì và phát triển năng lực của thị trường nội địa.

2. Doanh nghiệp - trung tâm của trật tự thị trường

Vẫn còn thấy rõ tư tưởng đặt công quyền vào trung tâm của trật tự cạnh tranh với vai trò điều tiết, quản lý và điều hành thị trường. Quan niệm đó không thể phù hợp với điều kiện của thị trường hiện đại khi quyền lực kinh tế của nhà nước dường như đang bị thu nhỏ lại trước một xã hội dân sự ngày càng lớn mạnh. Chống đỡ và tiến tới làm chủ cuộc cạnh tranh trong thời đại mới đã không còn là quyền của riêng nhà nước, mà đang trở thành một nỗi lo chung của toàn dân tộc. Bởi vậy, có lẽ cần xem xét để nhấn mạnh rằng: nền tảng của mọi chính sách cạnh tranh thời nay là khuếch trương và bảo hộ tự do dân doanh[1] Vì thế, mọi chính sách kinh tế và khung khổ luật pháp phải được xây dựng trên tinh thần phụng sự cho doanh nhân với tư tưởng tôn trọng và bảo hộ triệt để quyền tự do kinh doanh.

Năng lực cạnh tranh của một quốc gia trong quan hệ thương mại quốc tế hợp thành từ khả năng kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nhân tham gia thị trường. Cho nên, ý thức, năng lực thực tế và khả năng phán đoán của doanh nghiệp về thực trạng và tương lai thị trường sẽ quyết định đến nội dung và sự tiến triển của trật tự thị trường. Đồng thời, mức độ hợp tác của doanh nghiệp đối với pháp luật và chính sách của nhà nước sẽ quyết định tình trạng thị trường của một quốc gia. Thành ra, nếu khung pháp lý của trật tự thị trường là sản phẩm của chủ nghĩa giáo điều, duy ý chí hay quan liêu, không phụng sự doanh nghiệp mà chỉ để duy trì giá trị của công quyền, thì sự bất hợp tác từ phía doanh nghiệp là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Nếu ví nền kinh tế như một cơ thể và doanh nghiệp là bộ phận cấu thành thì việc phân phối hợp lý các nguồn sinh lực cho các bộ phận của cơ thể sẽ quyết định tốc độ phát triển, vận động của thị trường. Do vậy, cho dù pháp luật và chính sách kinh tế có vai trò thế nào đối với trật tự thị trường, thì chúng cũng chỉ là những phương tiện phục vụ doanh nhân - trung tâm của trật tự đó. Với quan niệm trên, kế sách sâu rễ bền gốc và khoan thư sức dân không chỉ là thượng sách cho việc giữ nước, mà còn có giá trị quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế quốc gia.

Những đặc quyền, đặc lợi của một số đơn vị kinh tế quốc doanh và khả năng can thiệp sâu của công quyền vào các yếu tố thị trường bằng những cách thức, với nhiều lý do khác nhau, dường như chưa đặt doanh nghiệp dân doanh vào sự lo toan chung của trật tự thị trường. Các khung khổ pháp lý và chính sách hiện nay cũng đang cố gắng gỡ bỏ một số rào cản đe doạ đến quyền tự do và sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Song đâu đó, trong thái độ quản lý vẫn còn tồn tại tâm lý nghi ngại về khả năng doanh nhân lạm dụng sự tự do để vi phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước. Điều đó đã làm cho tốc độ xoá bỏ rào cản chậm lại hoặc xuất hiện những loại rào cản mới tinh vi và có khả năng tàng hình theo nhiều chiêu thức khác nhau.

3. Minh bạch pháp luật và chính sách kinh tế trong trật tự mới - bài học từ các cơn bão

Khi người dân không biết và không thể biết những thông tin về cơn bão thì thái độ chủ quan, thờ ơ và hậu quả đau đớn xảy ra là điều tất yếu. Những người có trách nhiệm có thểđưa đẩy và truy cứu trách nhiệm lẫn nhau rồi rút kinh nghiệm, nhưng thiệt hại vẫn còn đó và nếu có cũng chỉ là sự khắc phục. Có những mất mát chẳng thể khắc phục.

Trước vận hội mới, người ta dự đoán về những giông bão trong cuộc cạnh tranh quốc tế mà doanh nhân Việt Nam sẽ phải đối đầu. Những cam kết mà chúng ta đã chấp nhận về thuế quan, tháo gỡ hạn ngạch là xoá bỏ dần các lá chắn bảo hộ cho doanh nghiệp nội địa và đẩy họ vào cuộc cạnh tranh mà mức độ mãnh liệt khó tiên liệu. Vì thế, năng lực cạnh tranh, khả năng phán đoán chính xác của doanh nhân sẽ quyết định sự tồn tại của họ. Một lẽ đương nhiên là để có khả năng phán đoán, doanh nhân cần có những thông tin về tương lai thị trường, đặc biệt về những cam kết mà nhà nước - đại diện cho thị trường đã cam kết khi gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực hoặc quốc tế.

Là quốc gia trải qua nhiều thập niên theo đuổi các học thuyết kinh tế về kế hoạch hoá nền kinh tế toàn dân, khi chuyển sang phát triển thị thị trường, chúng ta không còn đủ điều kiện để bắt đầu hình thành, xây dựng luận thuyết thị trường cho riêng mình. Ngược lại, cơn lốc toàn cầu hoá đang cuốn chúng ta theo xu thế kinh tế của thời đại và buộc phải chấp nhận những nguyên lý, nguyên tắc chung một cách tự nguyện hoặc có đàm phán. Trong đó, có nhiều cam kết có lợi cho doanh nhân Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là, dù cam kết ấy có là lợi thế hay không đối với doanh nhân thì vẫn phải công khai, minh bạch và trung thực trước thị trường. Mọi quan niệm lo sợ cho uy tín của công quyền mà không công khai, chậm công khai hoặc coi những cam kết nói trên thuộc bí mật quốc gia đều có khả năng gây hại cho thị trường và cho doanh nghiệp. Lúc đó, năng lực cạnh tranh của doanh nhân sẽ bị đặt vào một canh bạc đầy rủi ro và bất lợi.

Sự phát triển của thị trường hiện đại không cho phép tồn tại mô hình thị trường tự do triệt để, nhưng với quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ, các doanh nhân luôn có được quyền đòi hỏi về mức độ minh bạch của pháp luật và chính sách kinh tế theo từng giai đoạn. Tham gia giao thương quốc tế, người ta đã nhận thấy được những mô hình liên kết giữa doanh nhân và công quyền. Các chuyến công du của chính trị gia không chỉ có các cận vệ hộ tống mà luôn có sự tham gia và nhận được tài trợ chủ yếu từ doanh nhân. Sự hợp tác đó đã làm cho trật tự thị trường của các quốc gia hiện đại luôn năng động, phát triển và liên kết chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị.

4. Vai trò của pháp luật trong việc giáo dục nhân, trí, dũng của doanh nhân khi xây dựng trật tự thị trường

Bài học của nước Nhật là xây dựng thị trường hiện đại với tinh thần tôn trọng các giá trị truyền thống trong doanh nhân Nhật Bản. Pháp luật và chính sách kinh tế của họ vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của thị trường chung, song vẫn duy trì quan niệm về một trật tự xã hội truyền thống.

Sự chọn lọc những giá trị nhân văn từ những giáo lý Phật, Nho, Lão đã làm cho dân tộc ta có được mấy ngàn năm văn hiến rực rỡ. Những giá trị đồ sộ về văn hoá của nền kinh tế lúa nước từ đồng bằng sông Hồng kéo vào đến tận cùng mũi Cà Mau không phải không còn giá trị trong điều kiện của thị trường hiện đại. Đáng tiếc, với các chính sách phát triển và tôn vinh doanh nhân trong thời gian gần đây, chúng ta mới chỉ chú trọng đến việc hình thành những sân chơi, những ngày hội hè, hơn là giáo dục doanh nhân về tư chất Việt Nam.

Với mong ước xây dựng một quốc gia thịnh trị, ông cha ta đã hiểu rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia. Sự suy vong hay hưng thịnh của một triều đại phụ thuộc vào cơ chế cai trị có làm phát lộ và sử dụng hiệu quả hiền tài hay không. Từ bài học này, khi xây dựng thị trường hiện đại và phát triển, chúng ta cần biết khuyến khích và giáo dục các doanh nhân thành những hiền tài của thị trường Việt Nam. Trong đó, các yếu tố nhân, trí, dũng là những tiêu chuẩn của doanh nhân hiện đại.

Mong muốn về lòng nhân không là sự chờ đợi vào thái độ cao thượng của người kinh doanh và cũng không chỉ là xây dựng chương trình giáo dục cho doanh nhân về triết lý đạo đức coi người như mình, biết việc nghĩa thì làmChúng ta cần có các chuẩn mực pháp lý để dung hoà lợi ích giữa doanh nhân với nhau và với người tiêu dùng. Khi tham gia giao thương quốc tế, chúng ta đã kịp hiểu rằng, các vùng thị trường hiện đại như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản tồn tại nhiều thứ chuẩn mực khắt khe về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn lao động, về giá cả buộc bất cứ ai muốn tham gia cũng phải tuân thủ. Chỉ cần có bất cứ động thái nào có khả năng xâm hại tiêu chuẩn đã được công bố, lập tức pháp luật sẽ trừng phạt. Pháp luật đã trở thành công cụ hữu hiệu để hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường, bảo vệ những người yếu thế trong các giao dịch thị trường. Sự an tâm của người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng hàng hoá được mua ở các nước phương tây cho thấy mong muốn có được hệ thống tiêu chuẩn ổn định của một thị trường phát triển. Thật ra, chúng ta cũng đã có những hệ thống tiêu chuẩn trong kinh doanh như tiêu chuẩn về chất lượng, về giá được ghi nhận trong các văn bản pháp luật có liên quan. Song sự nghiêm minh của pháp luật chưa thực sự được tôn trọng vì nhiều lý do khác nhau, nên người tiêu dùng vẫn còn phải trông chờ vào sự trắc ẩn của nhà kinh doanh tử tế.

Tri thức giúp cho doanh nhân tự tin trong các giao lưu thương mại với triết lý trí giả bất hoặc (có trí tức chẳng lầm lạc). Cơ chế thưởng phạt của bàn tay vô hình sẽ loại bỏ những doanh nhân thiếu tri thức ra khỏi thị trường. Cuộc tranh giành cơ hội tồn tại và phát triển đã dồn các nhà kinh doanh vào tình trạng buộc phải tự rèn luyện và nâng cao hiểu biết về nguyên lý vận động của thị trường, tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu phân tích từ tổng thể nền kinh tế, tri thức thị trường của một quốc gia, một vùng kinh tế phản ánh qua trình độ phát triển của khoa học, pháp luật và các chính sách kinh tế. Với những gì đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam đã bước những bước dài để chuyển mình mà không rơi vào khủng hoảng như nhiều nước có cùng cơ chế chuyển đổi. Nhưng những gì chúng ta học được chỉ là các lý thuyết cơ bản của thị trường hiện đại; kinh nghiệm của vài chục năm qua là những bài học trong xây dựng thị trường mà chưa là kinh nghiệm phát triển thị trường hiện đại. Sự nghiệp phát triển nền kinh tế vẫn trong tình trạng vừa làm vừa học. Mặt khác, vẫn còn những tàn dư của cơ chế quản lý quan liêu trong đời sống kinh tế làm hạn chế hiểu biết của doanh nhân về thị trường. Trong đó, thái độ lãnh đạm và bưng bít thông tin vẫn còn tồn tại trong thói quen hành xử của nhiều cán bộ hành chính làm hạn chế khả năng tiếp cận của doanh nhân với pháp luật và chính sách kinh tế của nhà nước. Thành ra, tri thức của người kinh doanh bị ảnh hưởng và bóp méo đáng kể. Nhiều khi, sự thành bại không còn phụ thuộc vào khả năng ứng biến trước sự phức tạp của quan hệ thị trường, mà được quyết định theo năng lực liên kết, móc nối với những người có thẩm quyền quản lý nhà nước. Với mong muốn về một trật tự thị trường mới, trước tiên, tri thức của doanh nhân phải được tôn trọng theo đúng giá trị của nó. Theo đó, các khoa học như kinh tế học, luật học không thể phát triển theo chỉ tiêu và không nên đơn giản là công cụ hay khẩu hiệu tuyên truyền, mà phải có điểm xuất phát từ thực tiễn và phụng sự cho thực tiễn. Nhà nước cần nhận thức về sứ mệnh phục vụ hơn là cai trị với thái độ minh bạch và bản lĩnh sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Khi bàn luận về khí phách của doanh nhân, người ra hay nói về giá trị của sự liều lĩnh. Một khi rủi ro vẫn còn là thách đố cho các nhà kinh doanh thì ở đó, năng lực dấn thân và thái độ dứt khoát của họ lại quyết định sự thành bại trong sự nghiệp. Song, với tinh thần dũng giả bất cụ (có dũng tức chẳng sợ sệt) thì bản lĩnh của doanh nhân được thể hiện ở tinh thần chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình, dám đấu tranh bảo vệ sự lành mạnh, bình đẳng của thị trường. Thái độ dĩ hoà vi quý từ các doanh nhân trước sai phạm của cán bộ công quyền và những nhà kinh doanh khác một khi bị bóp méo lại trở thành mầm nuôi những xung đột và hành vi vi phạm. Chỉ cần một lần đáp ứng các đòi hỏi bất chính từ những người có quyền để được việc là có thể trở thành nguyên cớ để có nhiều lần vòi vĩnh sau đó. Trong thị trường hiện đại, doanh nhân cần biết sử dụng pháp luật như công cụ bảo vệ mình và để đòi hỏi chủ quyền hợp pháp của mình. Dĩ nhiên, để có thể thực hiện ước muốn trên, đòi hỏi pháp luật và nhà nước phải có đủ thiết chế pháp lý và sức mạnh hỗ trợ cho doanh nhân. Manh nha trong pháp luật hiện hành đã có nhiều chế định ghi nhận quyền từ chối, khiếu nại và tố cáo của doanh nghiệp đối với các đòi hỏi bất hợp pháp và sự nhũng nhiều từ phía công quyền, các quy định về giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại liên quan đến hoạt động thương mại, quan hệ cạnh tranh Tuy nhiên, sự không hoàn thiện của các cơ chế thực thi đã dẫn đến tình trạng luật treo và làm nảy sinh tâm lý sợ bị trả thù sau khi tố cáo hay sự giảm sút lòng tin vào hiệu quả của pháp luật từ phía các doanh nghiệp. Các quyền khiếu nại, tố cáo của doanh nhân mặc dù đã được Luật Doanh nghiệp ghi nhận, song tính tuyên ngôn vẫn còn nặng vì cơ chế thực thi chưa hiệu quả. Thế nên, khi đối diện với các trở ngại trong kinh doanh và với sự thúc giục của lợi nhuận, không ít doanh nghiệp dùng con đường tiểu ngạch để giải quyết, cho dù giải pháp được áp dụng là không chính đáng. Sức mạnh của pháp luật bị giảm sút chỉ vì các thiết chế pháp lý chưa tạo điều kiện cho khí phách của doanh nhân phát triển.

5. Kết luận

Trước vận hội mới, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, song cũng nhận thức được các thách thức mà nhà nước và doanh nhân sẽ phải giải quyết để có thể khai thác triệt để lợi ích của toàn cầu hoá kinh tế. Hơn hai thập kỷ qua, thị trường Việt Nam đã được định hình với những nguyên tắc và thiết chế cấu thành cơ bản. Nhưng để có thể phát triển, cần có trật tự của một thị trường hiện đại. Theo đó, những vấn đề phải được giải quyết triệt để là:

Thứ nhất, pháp luật phải có năng lực thực thi, tức là pháp luật cần được xây dựng với khả năng điều chỉnh hiệu quả các vấn đề của thị trường. Điều đó không chỉ đòi hỏi nâng cao chất lượng của các đạo luật, mà còn yêu cầu về năng lực của bộ máy thi hành pháp luật. Dẫu biết rằng, một số lĩnh vực pháp luật của thị trường hiện đại như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp có những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, mà hiện tại, chúng ta còn hạn chế về kiến thức cũng như kinh nghiệm thi hành. Song điều đó không thể trở thành lý do cho sự ra đời của nhiều đạo luật kém chất lượng. Có lẽ, chiến lược đào tạo các luật gia có trình độ và kỹ năng cần được bàn đến.

Thứ hai, nhà nước cần nghiên cứu về các cách thức minh bạch hoá chính sách, pháp luật cho thị trường thực sự hiệu quả. Theo đó, việc giáo dục ý thức phục vụ cho các cán bộ quản lý kinh tế là điều cần thiết. Các cơ quan nhà nước phải được trang bị tư thế dám làm, dám chịu trách nhiệm trước thị trường. Ngay cả hệ thống cơ quan tư pháp cũng cần công khai các phán quyết, cho dù nỗi lo sợ sai sót về câu chữ, về nhận định, về trình độ… vẫn tồn tại đâu đó. Chỉ khi thị trường có cơ hội giám sát và lên án những sai phạm, đồng thời cơ quan quan nhà nước dám chịu trách nhiệm về sai phạm đó, thì năng lực quản trị của công quyền mới thực sự phát triển.

Thứ ba, chiến lược tôn vinh doanh nhân không chỉ giản đơn là các phong trào khen ngợi, xưng tụng mà nên có chức năng cơ bản là giáo dục doanh nhân các tri thức thời đại của thị trường và tinh thần truyền thống của dân tộc. Có như vậy, sự kết nối thị trường Việt Nam với thị trường chung mới đạt hiệu quả như mong muèn.

(Theo Nguyễn Ngọc Sơn // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Căn cứ pháp lý của biện pháp tạm giữ phương tiện giao thông
  • Khiếu kiện về đất đai - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp
  • Luật quản lý thuế và những vấn đề cần bàn thêm
  • Án lệ trong pháp luật thực định Việt Nam (phần II)
  • Án lệ trong pháp luật thực định Việt Nam (Phần 1)
  • Suy ngẫm về các “chiêu lách luật”
  • Siêu thị miễn thuế Mộc Bài ế ẩm, DN muốn bỏ cuộc
  • Loay hoay quản lý chung cư cao tầng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%