Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 08/2010/TT- BTC ngày 14/1/2010, theo đó từ ngày 1/3/2010 các siêu thị miễn thuế tại các khu kinh tế cửa khẩu sẽ được bán hàng miễn thuế đến 500.000 đồng/ngày cho khách nội địa. Cứ nghĩ tình hình kinh doanh buôn bán tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (KKTCK MB) sẽ khá hơn, các DN sẽ phấn khởi hơn nhưng thực tế không phải như vậy. Nhiều DN vẫn tỏ ra chán nản, muốn bỏ cuộc hoặc thu hẹp kinh doanh.
Ông Lê Anh Hào - GĐ Siêu thị điện máy Lê Gia đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại Nam Hiệp Thành thuộc KKTCK MB cho biết những ngày trước và trong Tết Nguyên đán vừa qua, tình hình kinh doanh của Cty ông có khá hơn. Tuy nhiên không đạt như dự kiến đầu tư ban đầu với lý do cơ bản là mỗi chứng minh nhân dân - hộ chiếu của khách nội địa chỉ được mua hàng miễn thuế đến 500.000 đồng/tuần.
Khi vòng đời chính sách... quá ngắn
Theo ông Hào, sức mua của dân địa phương và dân Campuchia chiếm khoảng 5 - 10% doanh số, do vậy các siêu thị trông vào sức mua của dân TP HCM và các tỉnh khác. Tuy nhiên, quy định khách nội địa chỉ được mua miễn thuế 500.000 đồng/tuần thì rõ ràng là không hấp dẫn được khách tỉnh xa vì họ phải tốn tiền xe để đến nơi này. Cụ thể nếu đi xe bus chất lượng cao TP HCM đến Mộc Bài là 50.000 đồng/người. Trao đổi về việc từ 1/3/2010, Thông tư 08 cho phép bán hàng miễn thuế cho khách nội địa đến 500.000 đồng/ngày, ông Hào cho rằng điều kiện này cũng chưa hấp dẫn khách hàng vì sẽ hiếm có khách hàng nào ngủ lại qua đêm để ngày hôm sau mua thêm 500.000 đồng hàng miễn thuế !
Tuy nhiên, điều lo lắng băn khoăn lớn nhất của các DN thương mại là vấn đề thời hạn miễn thuế chỉ gia hạn đến ngày 31/12/2012, qua thời hạn trên không rõ sẽ có chính sách gì mới. Theo ông Hào thì với thời hạn quá ngắn như vậy, sẽ không có DN nào dám mạo hiểm mở rộng kinh doanh trong thời gian tới mà chỉ kinh doanh cầm chừng, nghe ngóng chờ đợi các chính sách mới thuận lợi hơn.
Trao đổi với chúng tôi, một DN khác xin giấu tên cũng đang kinh doanh hàng tạp hóa (bánh kẹo, hàng gia dụng, mỹ phẩm...) trong Trung tâm thương mại Nam Hiệp Thành buông câu đầu tiên là “chán lắm, đang muốn bỏ đây, không muốn làm nữa”. Theo DN này thì Cty đang thu hẹp kinh doanh, thanh lý bớt hàng hóa và chuyển hướng sản xuất, tuy nhiên chuyển hướng như thế nào thì đang tính toán. Lý do lớn nhất mà DN này muốn bỏ cuộc là thời hạn cho phép bán hàng miễn thuế 500.000 đồng/ngày/khách nội địa từ ngày 1/3/2010 chỉ còn gần 3 năm nữa, không thể lập kế hoạch chiến lược đầu tư lâu dài.
Ông Hoàng Bá Phòng - Phó GĐ Cty Nam Hiệp Thành, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng Trung tâm thương mại Nam Hiệp Thành cũng cho biết tình hình buôn bán tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài “chán lắm, không có khách”. Trong những ngày Tết vừa qua, dù có một số đoàn khách các tỉnh đi tour du lịch Lễ hội Núi Bà Đen có ghé qua mua hàng nhưng số lượng “không bao nhiêu”.
Bài toán đầu tư của DN sẽ thất bại
Trao đổi về bài toán đầu tư vào KKTCK MB nhiều DN thương mại cho rằng họ đã thất bại so với dự kiến ban đầu. Ông Lê Anh Hào nói Cty ông đầu tư vào KKTCK MB từ cuối năm 2007 với ý định đầu tư lâu dài do được hưởng nhiều ưu đãi như: Được quyền thuê đất 50 năm, trong 4 năm đầu được miễn thuế thu nhập DN... Tuy nhiên mới kinh doanh được 2 năm, dù đã được miễn thuế nhưng hiện Cty chưa có lãi. Vẫn biết kinh doanh là phải tính toán từ 4 - 5 năm nhưng với tình hình này, khi Cty đã quyết định không mở rộng đầu tư nữa vì không thể tin rằng sẽ có lãi. Ông Hào cũng nói là vẫn biết các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận vấn đề trên quyền lợi chung, nhưng với chính sách đối với KKTCK như hiện nay thì cũng không hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn, vốn nhiều vào đầu tư những vùng xa xôi biên giới sức tiêu thụ thấp như Tây Ninh, An Giang...
Chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu như hiện nay không hấp dẫn được các nhà đầu tư. |
Ông Hoàng Bá Phòng cho biết mình đã tìm hiểu đầu tư tại rất nhiều KKTCK. Theo ông Phòng, do KKTCK MB gần TP HCM, có giao thông tốt nên được xem là thuận lợi nhất để phát triển. Nếu DN thương mại tại KKTCK MB kinh doanh không phát triển thì DN thương mại tại các KKTCK khác như Tịnh Biên tỉnh An Giang, Lao Bảo tỉnh Quảng Trị... sẽ càng khó khăn hơn vì sức mua những vùng đó yếu hơn Tây Ninh rất nhiều.
Một lãnh đạo Siêu thị Fuso cũng đang kinh doanh hàng miễn thuế tại KKTCK MB nói kinh doanh là phải tính toán đến 10 - 20 năm, thậm chí phải chịu lỗ trong 5 - 10 năm đầu để đầu tư mở rộng thêm. Thực tế tình hình kinh doanh tại KKTCK MB dù mới bắt đầu được 2 - 3 năm đã bị lỗ và chưa thấy được tương lai sáng sủa nên Cty ông đã quyết định thu hẹp kinh doanh.
(Theo Phạm Nguyễn // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com