Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Án lệ trong pháp luật thực định Việt Nam (phần II)

Kinh nghiệm nước ngoài

Thực tiễn pháp lý một số nước cho thấy việc thay đổi án lệ không hiếm xảy ra. Nhìn chung, việc thay đổi này dường như xuất phát từ hai lý do.

Lý do thứ nhất: bản thân án lệ ngay từ đầu đã bất hợp lý nên việc thay đổi là cần thiết. Xin dẫn một ví dụ trong thực tiễn pháp lý Pháp[21]. Trong thực tế, có rất nhiều hợp đồng mà ở đó các bên không xác định giá cả cụ thể khi giao kết. Ví dụ: một công ty sửa chữa thiết bị điện thoại ký với công ty khác một hợp đồng 15 năm và họ không xác định giá cụ thể của các linh kiện hay dịch vụ trong quá trình giao kết. Khi xảy ra tranh chấp, bên nhận thiết bị thường yêu cầu hủy hợp đồng vì cho rằng đối tượng của hợp đồng không được xác định; do đó, hợp đồng vô hiệu. Trước năm 1995, Tòa án chấp nhận hủy những hợp đồng như trên vì đối tượng (ở đây là giá cả của linh kiện hay dịch vụ) của hợp đồng không được các bên xác định trong giai đoạn giao kết hợp đồng. Để tuyên bố vô hiệu hợp đồng, Tòa án dựa vào Điều 1129 của Bộ luật Dân sự; theo đó, “đối tượng của nghĩa vụ phải là một vật xác định, ít nhất là xác định về chủng loại. Vật có thể không rõ, nhưng vật phải xác định được”. Cách điều chỉnh trên dẫn đến hủy nhiều hợp đồng với lý do là đối tượng của hợp đồng không được xác định tại thời điểm giao kết. Giải pháp này có hậu quả xấu. Bởi thực ra các tranh chấp phát sinh giữa các bên không phải xuất phát từ việc xác định giá cả cụ thể của linh kiện hay của dịch vụ mà phần lớn do bên nhận linh kiện hay dịch vụ không muốn thanh toán tiền linh kiện hay tiền dịch vụ đã nhận. Họ lợi dụng giải pháp này để gây khó khăn cho đối tác của mình. Chính vì thế mà nhiều học giả yêu cầu Tòa án thay đổi án lệ. Cuối cùng, ngày 01/12/1995, Tòa án tối cao Pháp đã họp các Tòa lại và, đối với hàng loạt các hồ sơ tương tự, Tòa án tối cao Pháp cho rằng Điều 1129 không được áp dụng vào vấn đề giá cả; việc không định giá vào lúc giao kết không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng trừ khi có quy định cụ thể khác. Nếu sau này, một bên lạm dụng để đưa ra giá không hợp lý, bên kia có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng và có thể yêu cầu bồi thường.

Lý do thứ hai: án lệ hoàn toàn hợp lý trong một khoảng thời gian nhưng với sự phát triển của xã hội, quy phạm tiềm ẩn trong án lệ không còn phù hợp nữa nên cũng cần thay đổi. Theo pháp luật Pháp cũng như pháp luật nhiều nước, trong đó có Việt Nam, khi con nợ lâm vào tình trạng phá sản thì tòa án có thể được yêu cầu mở thủ tục phá sản. Chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi chủ nợ không gửi giấy đòi nợ trong hạn định thì không còn quyền đòi nợ đối với con nợ. Vấn đề đặt ra là khi không còn quyền đòi con nợ, chủ nợ có được quyền đòi người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không? Trong suốt hàng trăm năm trước những năm 1980, theo Tòa án tối cao Pháp, chủ nợ vẫn còn quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Giải pháp này là quá nặng đối với người bảo lãnh, trong khi đó, các chủ nợ thường cho vay với điều kiện có người bảo lãnh và người bảo lãnh thường là những người thân của con nợ. Để giảm gánh nợ cho người bảo lãnh và để người bảo lãnh có lợi khi con nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản, một số học giả yêu cầu thay đổi án lệ. Cuối cùng vào năm 1984, Tòa án tối cao Pháp đã thay đổi án lệ. Theo Tòa án tối cao, khi không gửi giấy đòi nợ trong hạn định, chủ nợ cũng không còn quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Thực tế Việt Nam

nước ta, việc thay đổi án lệ dường như cũng không hiếm xảy ra. Sự thay đổi về cách xử lý trường hợp đồng sở hữu chuyển nhượng di sản nhưng không có sự đồng ý của những người khác có thể là một ví dụ. Chẳng hạn, trong một vụ tranh chấp, theo TANDTC, “ngôi nhà tại cụm 4... mà ông Việt thỏa thuận bán cho bà Yến theo hợp đồng ngày 25/12/1996 tuy ông Việt đứng tên sở hữu chung nhưng thực tế là di sản thừa kế chưa chia; thuộc quyền đồng sở hữu của nhiều người (anh, chị, em của ông Việt). Trong số các anh, chị, em của ông Việt, ông Quảng và ông Phát đã giao kỷ phần thừa kế của mình cho ông Việt. Như vậy, ông Việt có phần quyền đồng sở hữu là 3/6, nhưng không phải là ông Việt có quyền bán 1/2 nhà không cần có ý kiến của các đồng sở hữu khác. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp đồng sở hữu cần bán phần quyền của mình thì các đồng sở hữu khác có quyền ưu tiên mua. Do vậy, hợp đồng mua bán nhà giữa bà Yến và ông Việt ký ngày 25/12/1996 là giao dịch vô hiệu toàn bộ chứ không thể công nhận một phần như án phúc thẩm”[22]. Trong ví dụ trên, TANDTC đã hủy quyết định của cấp phúc thẩm và cho rằng cần phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ chứ không được thừa nhận một phần hợp đồng theo kỷ phần của người chuyển nhượng. Hai ví dụ sau cho thấy điều ngược lại.

Khi còn sống, ông Hảo và bà Ngọc thỏa thuận nhượng 241m2 đất cho ông Điệp và bà Đời với giá 7 chỉ vàng. Chưa làm xong thủ tục thì ông Hảo chết và anh Thạch con ông Hảo không muốn tiếp tục hợp đồng. Về vấn đề này, theo TANDTC, “hợp đồng trên chỉ là hợp đồng viết tay và chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ông Điệp, bà Đời cũng chưa làm thủ tục sang tên hợp pháp. Hơn nữa, đất trên có một phần trong quy hoạch. Tuy nhiên, ông Điệp, bà Đời và bà Ngọc thừa nhận đã nhận đủ tiền, đủ đất. Ông Hảo chết, phần của ông Hảo là di sản và bà Ngọc, anh Thạch được thừa kế. Anh Thạch yêu cầu hủy hợp đồng và xin hưởng thừa kế. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận cho tiếp tục thực hiện hợp đồng 3/4 giá trị của bà Ngọc (kể cả phần bà Ngọc được thừa kế của ông Hảo) theo yêu cầu của bà Ngọc, ông Điệp, bà Đời là có cơ sở, phù hợp với thực tế và không gây xáo trộn không cần thiết về nhà đất của các đương sự. Riêng đối với phần giá trị anh Thạch được thừa kế thì anh Thạch không yêu cầu thực hiện hợp đồng, nên Tòa án phúc thẩm xác định phần hợp đồng này vô hiệu, từ đó giao đất cho anh Thạch và buộc anh Thạch thanh toán tiền cho ông Điệp, bà Đời là đúng”[23].

Những ví dụ vừa rồi cho biết quan điểm của Tòa dân sự TANDTC liên quan đến tài sản thừa kế đã được một đồng thừa kế chuyển nhượng. Trong ví dụ đầu, theo TANDTC thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ; còn trong vụ thứ hai, hợp đồng chỉ vô hiệu một phần.

Khi vấn đề trong hai vụ tranh chấp tương đối giống nhau, thì sự khác nhau này chỉ có thể giải thích: hoặc là TANDTC thay đổi quan điểm về cùng một vấn đề và theo cách hiểu của người làm thực tiễn thì đây là thay đổi án lệ. Hoặc là vì tình tiết ba vụ việc có phần nào khác nhau; do đó, sự khác nhau này không phải vì thay đổi quan điểm mà là do giữa các tranh chấp có thêm những yếu tố khác nhau dẫn đến giải pháp khác nhau. Theo BLDS, “giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Có thể trong ví dụ thứ nhất, việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu một phần làm ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch; do đó, Tòa án không thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu một phần. Tuy nhiên, cách giải thích thứ hai có phần nào thuyết phục hơn. Bởi, trong ví dụ thứ hai, TANDTC có nêu rằng việc chấp nhận một phần của hợp đồng không “gây xáo trộn không cần thiết về nhà đất của các đương sự”. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ ví dụ thứ nhất thì chúng ta thấy, ở đây, TANDTC không chấp nhận tuyên bố vô hiệu một phần hợp đồng và hoàn toàn không nói là việc tuyên bố vô hiệu một phần làm “ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Trong tranh chấp này, Tòa án dựa vào bản chất “đồng sở hữu” của tài sản để không chấp nhận tuyên bố hợp đồng vô hiệu một phần. Yếu tố này không được nhắc lại trong ví dụ thứ hai. đây Tòa án đã thay đổi quan điểm (thay đổi án lệ) và theo chúng tôi, sự thay đổi này có ảnh hưởng tích cực. Bởi nó cho phép thực hiện phần nào cam kết giữa các bên: hợp đồng đã được các bên tự nguyện cam kết cần được các bên tôn trọng trong chừng mực có thể nhất.

Hiệu lực hồi tố của án lệ

Còn một vấn đề liên quan đến thay đổi án lệ mà hầu như các học giả ở nước ta chưa đề cập đến C (ngoài một số người làm thực tiễn), đó là sự hồi tố của sự thay đổi án lệ. Thực ra, thay đổi án lệ tức là thay đổi quy phạm, thay đổi cách xử lý đối với những vụ việc tương tự như ví dụ trên đã phân tích. Phần lớn các bản án của TANDTC chưa được công bố nên nhận thức về án lệ cũng như hiệu lực hồi tố của thay đổi án lệ còn hạn chế. Tuy nhiên, xu hướng công bố bản án của TANDTC ngày càng được củng cố. TANDTC đã cho công bố hai cuốn về Quyết định giám đốc thẩm năm 2003 và 2004 của Hội đồng Thẩm phán. Mới đây nhất, TANDTC cho xuất bản hai cuốn tương tự đối với năm 2005 và 2006. VKSNDTC cũng cho công bố cuốn về những quyết định giám đốc thẩm. Do vậy, vấn đề hồi tố của thay đổi án lệ sớm muộn cũng được đặt ra. Sự thay đổi án lệ sẽ được áp dụng đối với những trường hợp tương tự như thế nào? Chẳng hạn, sự thay đổi vừa nêu ở trên sẽ được áp dụng với tất cả những chuyển nhượng đã được thiết lập trước thay đổi án lệ hay chỉ giới hạn ở những giao dịch được thiết lập sau này? Đối với những giao dịch đã được thiết lập trước thời điểm thay đổi án lệ, phải chăng sự thay đổi sẽ chỉ được áp dụng đối với những giao dịch trước đó nhưng chưa có tranh chấp tại tòa án? Những câu hỏi này có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng và hy vọng trong thời gian gần đây sẽ có những công trình nghiên cứu trao đổi về vấn đề nµy.

(Theo TS. Đỗ Văn Đại, Đỗ Văn Kha // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Luật quản lý thuế và những vấn đề cần bàn thêm
  • Án lệ trong pháp luật thực định Việt Nam (Phần 1)
  • Suy ngẫm về các “chiêu lách luật”
  • Siêu thị miễn thuế Mộc Bài ế ẩm, DN muốn bỏ cuộc
  • Loay hoay quản lý chung cư cao tầng
  • Siêu thị miễn thuế Mộc Bài : Ế ẩm vì đâu ?
  • Dự thảo Luật Thuế môi trường : Mức thuế nào là hợp lý ?
  • Hà Nội lúng túng trong quản lý taxi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%