Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TPHCM - Ảnh: Anh Quân |
Nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường biển cho rằng Việt Nam cần xem xét kỹ hơn và không vội vàng trong việc tham gia các công ước quốc tế về vận tải hàng hóa bằng đường biển.
Đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo “ Đánh giá tác động của việc Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển” được tổ chức hôm 28-7 tại TPHCM. Hội thảo do dự án hỗ trợ thương mại EU - Việt Nam Mutrap III tổ chức.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Hằng, Giảng viên trường Đại học Ngoại thương cho biết, Việt Nam hiện nay chưa tham gia một công ước nào về vận tải hàng hóa bằng đường biển. Có 3 công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mà Việt Nam có thể tham gia, đó là công ước Hague - Visby, Hamburg và Rotterdam.
Theo bà Hằng, mỗi công ước đều có những thế mạnh và những hạn chế riêng. Với công ước Hague - Visby thì quyền lợi của chủ tàu được đảm bảo hơn, công ước Hamburg thì lại bảo vệ quyền lợi cho chủ hàng nhiều hơn. Còn công ước Rotterdam thì dung hòa cả 2 công ước nói trên nhưng lại có ít nước tham gia. Do đó, 3 công ước này vẫn còn gây tranh cãi khá nhiều giữa các quốc gia có ngành vận tải biển phát triển.
Ông Phạm Đình Thưởng, Trưởng phòng xây dựng pháp luật, Bộ Công Thương, nói rằng khi tham gia các công ước quốc tế trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển thì các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được hội nhập thương mại quốc tế. Nhà vận chuyển sẽ được tham gia cạnh tranh công bằng hơn với các hãng tàu lớn.
Tuy nhiên, sự hiểu biết các công ước quốc tế về việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của các chủ tàu và chủ hàng Việt Nam còn hạn chế. Luật hàng hải của Việt Nam, nhiều điểm không tương thích với các điều luật của các công ước quốc tế nên khi gặp trường hợp tranh chấp, chủ hàng hoặc chủ tàu của Việt Nam thường bị thua kiện do họ áp dụng theo công ước quốc tế.
Về phía các doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội hồ tiêu cho rằng, hiện nay các công ước quốc tế về việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vẫn còn khá nhiều tranh cãi, do đó, Việt Nam nên hoàn thiện Luật Hàng hải. Khi mà Việt Nam đã có đội tàu lớn mạnh vào năm 2020 khi đó tham gia thì sẽ có lợi hơn.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương cho rằng, việc tham gia các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sẽ tác động rất lớn đến chính các doanh nghiệp vận tải biển.
Do đó, việc tham gia công ước nào cho phù hợp và có lợi cho doanh nghiệp thì phải phân tích kỹ hơn và cần có thêm thời gian lấy ý kiến từ chính doanh nghiệp. Do đó, ông Tân cho biết, sau khi tổ chức các buổi hội thảo và lấy ý kiến doanh nghiệp, các chuyên gia của dự án sẽ phân tích thêm một lần nữa những mặt thuận lợi và khó khăn khi gia nhập các công ước này. Sau đó, sẽ trình Chính phủ quyết định có hay không việc tham gia các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com