Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chấn chỉnh tình trạng không đủ điều kiện vẫn mở trường dân lập ở Hà Nội

Thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục, các trường THPT dân lập của Hà Nội những năm gần đây "mọc" lên khá nhiều. Các khoản thu của trường dân lập khá cao do "đánh" trúng tâm lý "chạy đua" cho con đi học với phương châm "có tiền mua tiên cũng được" của một số phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, thực tế việc bảo đảm chất lượng giáo dục ở một số trường THPT dân lập lại kém xa so với kỳ vọng của phụ huynh, học sinh.

Thành phố Hà Nội hiện nay có 90 trường THPT ngoài  công lập,  trong đó có 55 trường THPT dân lập. Theo quy định của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT), trường học là một khu riêng được đặt trong môi trường thuận lợi cho giáo dục; tổng diện tích mặt bằng của trường ít nhất phải đạt 6 m2/học sinh trở lên đối với trường nội thành và 10 m2 trở lên đối với các trường thuộc khu vực khác. Tuy nhiên, có hàng loạt trường THPT dân lập cơ sở vật chất, địa điểm dạy và học chỉ là thuê, mượn trong thời gian ngắn, không bảo đảm quy mô và chất lượng. Trung bình diện tích trường học trên tổng số học sinh nhiều trường rất thấp như: Trường THPT dân lập Bắc Hà chỉ đạt 0,9 m2/học sinh, Trường THPT dân lập Văn Lang đạt 1,5  m2/học sinh...

Tại Trường THPT dân lập Hà Nội, tháng 7-2009, toàn bộ học sinh dù không muốn cũng phải "khăn gói" chuyển địa điểm từ 418 đường Ðê La Thành (Ðống Ða) về số 11 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) và số 88 Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm), cách địa điểm cũ bốn đến năm km để học tập. Nguyên nhân do địa điểm cũ thuê lại của Trường đại học Văn hóa Hà Nội đã hết thời hạn. Ðịa điểm thuê mới (chủ yếu ở 131 Nguyễn Trãi) thuê lại của Trường trung học Công nghệ chế tạo máy cũng chật hẹp. Với tám phòng học, trung bình mỗi phòng chưa đến 40 m2 (trong khi quy định tối thiểu phòng học là 50 m2) dành cho gần 400 học sinh của cả ba khối 10, 11 và 12 theo học. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Hà Nội Nguyễn Hà Ðộng thừa nhận, ngoài các phòng học chật hẹp, trường cũng chưa có phòng học bộ môn, thư viện và một số đồ dùng, thiết bị dạy học khác; tỷ lệ học sinh/giáo viên còn cao.

Ðáng chú ý, theo quy định trong vòng 5 năm các trường THPT phải xây dựng trường sở tương ứng quy mô, ngành nghề đào tạo như đề án ban đầu. Tuy nhiên, tại cuộc kiểm tra mới đây về điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT dân lập của Sở GD và ÐT Hà Nội cho thấy: Toàn thành phố còn hơn 60 trường ngoài công lập hoạt động hơn 5 năm nhưng cơ sở vật chất vẫn đang thuê, mượn. Các điều kiện tối thiểu nhất để bảo đảm chất lượng đều bị các trường bỏ qua. Ðiển hình là Trường THPT dân lập Lê Hồng Phong mặc dù thành lập từ năm 1998 nhưng khi kiểm tra, bộ máy tổ chức hoạt động của nhà trường chỉ có một hiệu trưởng có quyết định công nhận từ năm 1998 (trong khi quy định thời hạn công nhận hiệu trưởng là 5 năm), không có hiệu phó. Thậm chí, Trường THPT dân lập Lê Hồng Phong còn hợp đồng với cả giáo viên thỉnh giảng trình độ cao đẳng sư phạm giảng dạy học sinh THPT. Sau 12 năm thành lập, đến nay trường cũng chỉ thuê được ba phòng học văn hóa cấp bốn, hệ thống trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo danh mục quy định tối thiểu của 12 môn học và thiết bị dùng chung đều không có.

Không chỉ các trường dân lập có hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hạn chế mà các trường quốc tế, có yếu tố nước ngoài cũng có hàng loạt các vi phạm về điều kiện tối thiểu bảo đảm chất lượng. Tại trường song ngữ quốc tế Ho-Ri-Zon, mặc dù đã tuyển sinh và chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2009-2010 nhưng đến hết học kỳ I năm học 2009-2010, hiệu trưởng (là người nước ngoài) và hai hiệu phó vẫn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định mà do chi nhánh Công ty TNHH song ngữ quốc tế Ho-Ri-Zon tự phong. Trong số năm phòng học của trường, không có phòng học nào đủ tiêu chuẩn về kích thước tối thiểu...

Ngoài hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu không bảo đảm, trong năm học 2009-2010, nhiều trường THPT dân lập lại "vô tư" tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu được giao khiến quy mô đào tạo vượt quá khả năng về điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học như:  Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh - Thanh Xuân tuyển vượt 130 chỉ tiêu, THPT dân lập Ðinh Tiên Hoàng - Ba Ðình tuyển vượt 68 học sinh, THPT dân lập Hoàng Diệu tuyển vượt 50 chỉ tiêu...

Không thể phủ nhận vai trò của các trường ngoài công lập trong thực hiện mục tiêu xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, phát triển quy mô giáo dục phải đi đôi với bảo đảm và nâng cao chất lượng. Việc các trường THPT dân lập tại Hà Nội không có đủ điều kiện tối thiểu bảo đảm chất lượng giáo dục vẫn tổ chức dạy học cần được xử lý nghiêm túc. Ngay trong quá trình xem xét, quyết định thành lập trường dân lập, các cấp có thẩm quyền cần kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm chất lượng của nhà đầu tư. Mặt khác, Sở GD và ÐT cần kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết của các trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học... Cần có cơ chế xử lý nghiêm đối với các trường sau 5 năm thành lập không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện của một trường THPT dân lập. Trong trường hợp các trường không chấp hành đúng pháp luật, các quy chế, quy định, không bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học có thể dừng việc giảng dạy, dừng tuyển sinh, tiến tới đình chỉ hoạt động hoặc giải thể trường. Chánh văn phòng Sở GD và ÐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, Sở đã tạm dừng giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2010-2011 của 14 trường THPT dân lập không bảo đảm các điều kiện tối thiểu phục vụ dạy và học.

(Bài và ảnh Xuân Kỳ // Nhandan Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp: có triệt tiêu cơ chế xin-cho ?
  • Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư
  • Kiểm soát chặt chẽ tạp chất trong tôm nguyên liệu
  • Tăng cường hậu kiểm chất lượng thực phẩm
  • Tiếp sức cho Tòa hành chính
  • Thuế xe con, đăng ký xe tải?
  • Luật Trọng tài: "Lột xác" để thành công cụ hữu hiệu
  • “Bỏ ngỏ” thiết bị điện dỏm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%