Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp sức cho Tòa hành chính

Công khai thủ tục hành chính là một trong những bước đi quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính

Mở rộng phạm vi thụ lý, tăng cường năng lực cho Tòa án hành chính để giảm tải cho chính quyền, giải tỏa bớt khiếu kiện tồn đọng, bức xúc là những mực tiêu quan trọng của dự án Luật Tố tụng hành chính sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến bản dự thảo luật này là thẩm quyền giải quyết của Tòa án; điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; thời hiệu khởi kiện; quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm; thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính (có nên quy định thỏa thuận là một bước bắt buộc hay không)...

Tòa không sợ thêm việc...

“Lâu nay, những khiếu nại, tố cáo tồn đọng nhiều là do cán bộ, công chức của chúng ta vẫn còn tâm lý chỉ làm hết theo quy định của pháp luật, mà pháp luật thì chưa bao quát hết mọi vấn đề của đời sống xã hội” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã mở đầu phần phát biểu của mình như vậy. Theo ông, muốn giải tỏa tối đa các vụ việc oan sai, các cơ quan hành chính phải quán triệt phương châm tìm cách giải quyết đến cùng mọi việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Và như vậy, ông Kiên bày tỏ đồng tình cao với việc dự thảo Luật quy định thẩm quyền giải quyết các vụ kiện hành chính của Tòa án theo phương án loại trừ. Cụ thể, Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính; chỉ trừ các quyết định, hành vi trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao (theo danh mục do Chính phủ quy định) và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Một lý lẽ thuyết phục khác mà ông Kiên đưa ra là Tòa án - chính là cơ quan chủ trì soạn thảo luật - không sợ thêm việc, thì “hà cớ gì chúng ta lại ngại”?

Với quan điểm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa hành chính, đa số thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, theo đó, tổ chức, cá nhân không đồng ý với các quyết định, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu trước đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, hiện vẫn còn 3 loại ý kiến khác nhau, song đa số ý kiến trong UBTVQH ủng hộ phương án như dự thảo luật. Theo đó, áp dụng thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại vụ việc và trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau.

Một vấn đề tưởng như chỉ là chuyện câu chữ, nhưng lại có thể gây ra vướng mắc lớn trong việc giải quyết nhiều vụ án hành chính, là khái niệm “quyết định hành chính” và “hành vi hành chính”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, quy định như dự thảo luật có thể làm cho Tòa án không có cơ sở thụ lý một số vụ việc mà quyết định của cơ quan hành chính không được ban hành dưới hình thức “quyết định” (mà ở dạng thông báo, kết luận, công văn...). Tương tự, khái niệm “hành vi hành chính”, có bao gồm hành vi “không thực hiện” việc cần phải làm?

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 21/5/1996, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/1996; được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất ngày 25/12/1998 và sửa đổi, bổ sung lần thứ hai ngày 5/4/2006.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình dự kiến tiếp thu: “Chúng tôi sẽ chỉnh lý dự thảo theo hướng bao quát hết các dạng mệnh lệnh quản lý nhà nước bằng văn bản, không nhất thiết dưới hình thức “quyết định”. Việc không thực hiện một biện pháp cần thiết cũng được coi là “hành vi hành chính” và có thể bị khởi kiện". Ông Bình cho biết thêm, cho đến khi Luật Viên chức được thông qua và có hiệu lực thi hành, dự án Luật Tố tụng hành chính sẽ điều chỉnh cả các khiếu kiện hành chính có liên quan đến viên chức.

Nhưng Tòa có kham nổi không?

Nỗi lo lắng không mới này được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận bày tỏ rất thẳng thắn. Ông cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành chính đã ban hành quyết định (hoặc có hành vi hành chính) chịu phán quyết của tòa theo hướng buộc phải rút lại quyết định đã ban hành và sửa sai. Để thực hiện điều này, dự luật cần quy định ngay vào Luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính bị khởi kiện. Kiên định quan điểm Tòa án cần đóng vai trò tích cực hơn nữa trong xử lý các vụ việc hành chính, bà Lê Thị Thu Ba yêu cầu ngành Tòa án phấn đấu quyết liệt hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng xử lý các vụ việc hành chính nói riêng và xét xử nói chung. Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trần Văn Tú cung cấp thêm thông tin, với một số lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu, Tòa sẽ mời tư vấn trước khi giải quyết. “Việc này sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Nhật Bản và Đức cũng theo hướng này” - ông Tú cho biết.

Vẫn còn chuyện khó nói...

Không ngần ngại đề cập đến vấn đề được coi là “tế nhị” lâu nay khi xử lý án hành chính, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nói thẳng, phải tiến tới xử lý tận gốc nguyên nhân dẫn đến việc Tòa án hành chính khá “nhàn nhã”. Người dân, tổ chức ngại đối đầu trực diện tại Tòa với cơ quan hành chính là một lý do. Nhưng sâu xa hơn, có một thực tế là đa số các thẩm phán hiện nay khi xử lý án hành chính khó tránh khỏi việc phải chịu những sức ép nhất định, khi mà bị đơn lại là các cán bộ, quan chức trong bộ máy chính quyền. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người bị khiếu kiện lại là người có vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm thẩm phán! Ông Vượng hy vọng, việc xây dựng, ban hành Luật Tố tụng hành chính lần này sẽ “miết phẳng” nhiều chỗ cập kênh giữa Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành với Luật Khiếu nại tố cáo, giúp giảm bớt tình trạng khiếu kiện bức xúc, tồn đọng. 

Một nội dung rất đáng lưu ý khác, theo ông Trương Hòa Bình: do thực tế đã phát hiện một số trường hợp quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC có sai sót (trong khi theo Hiến pháp, quyết định của Hội đồng thẩm phán có ý nghĩa tối cao, đồng thời Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp), nên Ban soạn thảo đang nghiên cứu quy định để “gỡ vướng”. Chánh án TANDTC cho biết: “Giải pháp có thể là khi phát hiện quyết định của Hội đồng thẩm phán có sai lầm thì Chánh án TANDTC triệu tập họp Hội đồng thẩm phán với sự tham gia của Viện trưởng Viện KSNDTC và Bộ trưởng Tư pháp. Nếu 2/3 Hội đồng thẩm phán tán thành kháng nghị, Viện trưởng Viện KSNDTC và Bộ trưởng Tư pháp đồng ý thì Chánh án hoặc Viện trưởng có thể kháng nghị. Nếu sửa được trong luật này như vậy thì sẽ có cơ sở sửa tiếp trong các văn bản pháp quy khác, giải tỏa được vướng mắc lâu nay”.

(Theo Ngọc Khánh // Báo Doanh nhân)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Tăng cường hậu kiểm chất lượng thực phẩm
  • Thuế xe con, đăng ký xe tải?
  • Luật Trọng tài: "Lột xác" để thành công cụ hữu hiệu
  • “Bỏ ngỏ” thiết bị điện dỏm
  • Triển khai lực lượng hải quan tại chỗ : Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
  • Cơ chế “một cửa” tại Cục thuế TP HCM : 90% người nộp thuế hài lòng
  • Hải Phòng: Vì một nền hành chính hiệu quả
  • Tranh chấp thương mại tại TP HCM : Thêm dấu hiệu bất thường
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%