Những thương hiệu lớn, như Petrovietnam, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Chí Cường |
Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Công ty Luật Baker&Mc Kenzie Vietnam) cho biết, thông tư mới sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động góp vốn và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam
Trong cơ cấu vốn góp của các DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay, chủ yếu là tiền mặt và máy móc, thiết bị. Do đó, việc ban hành thông tư này, theo ông Hùng, sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư đa dạng hoá cơ cấu vốn góp trong DN, góp phần tạo thêm sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Việt Nam
Tuy nhiên, sự thiếu vắng hoặc chồng chéo giữa một số điều khoản trong các luật liên quan đến góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ hiện nay khiến việc thực thi trong thực tế rất khó khăn.
Luật sư Nguyễn Hoàng Anh (Công ty Luật Mayer Brown JSM) cho biết, vì không có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng những tài sản vô hình, như quyền sở hữu trí tuệ hay lợi thế thương mại, các cơ quan thuế sẽ lưỡng lự trong việc cho phép góp vốn bằng các tài sản vô hình.
Với Dự thảo thông tư, theo ông Hoàng Anh, có 2 điểm có thể khiến các nhà đầu tư là chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc các công ty nhận đầu tư cảm thấy thiếu hấp dẫn.
Thứ nhất, Dự thảo quy định, giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu được gia tăng trong cả quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu của DN nhận vốn góp. Tuy nhiên, trong khi bên góp vốn được chia cổ tức từ phần vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu, thì bên nhận góp vốn không được phát hành cổ phiếu tương ứng với giá trị nhãn hiệu nhận vốn góp.
“Điều này sẽ đặt ra một số bất lợi cho cổ đông góp vốn bằng thương hiệu, vì sẽ không thể chuyển nhượng vốn chủ sở hữu của mình trong công ty nhận đầu tư. Ngoài ra, quy định này không phản ánh nguyên tắc bình đẳng của các cổ đông.
Thứ hai, theo Dự thảo, nhãn hiệu không được coi là là một khoản vốn chi tiêu và giá trị của nó sẽ được trả dần trong suốt quãng thời gian góp vốn. Ngược lại, tiền bản quyền được trả cho thương hiệu đã được cấp phép lại là một khoản chi phí khấu trừ cho mục đích thuế. Do đó, DN nhận đầu tư có thể sẽ không thấy việc nhận tài trợ vốn bằng các đóng góp quyền sử dụng thương hiệu là hiệu quả.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Định giá và Thương hiệu Favi cho biết, việc góp vốn bằng nhãn hiệu theo Dự thảo thông tư này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho bên nhận góp vốn, do phần vốn góp bằng nhãn hiệu không được DN góp vốn phát hành cổ phiếu tương đương, nên khi phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, DN góp vốn sẽ không được lợi ích kinh tế gì.
“Tại Việt Nam, các DN nước ngoài có thương hiệu nổi tiếng như Honda, Castrol… khi liên doanh đều ép công ty liên doanh phải ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ mà trong đó tính cả phí sử dụng thương hiệu (thường tính theo tỷ lệ % trên doanh thu). Theo cách này, bên nước ngoài có được khoản thu nhập riêng biệt từ việc cho thuê thương hiệu, không liên quan đến kết quả sản xuất - kinh doanh của liên doanh”, ông Sơn phân tích.
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (Công ty Luật Phạm và Liên danh) lại có phần hoài nghi về tính khả thi của Dự thảo thông tư này. “Vấn đề đặt ra ở đây là liệu thông tư này có thể thực hiện được không, nếu những điểm vênh nhau trong các nghị định, thông tư, chuẩn mực kế toán hiện nay không được sửa đổi, bổ sung. Không thể hướng dẫn thực hiện như tên gọi của Dự thảo, khi những quy định còn vênh nhau và không rõ ràng”, ông Toàn bình luận.
Ông Toàn cho biết thêm một vấn đề quan trọng khác là để nhãn hiệu có thể trở thành tài sản có thể góp vốn là phải xác định được giá trị của nhãn hiệu. Vấn đề này hiện chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể.
“Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP có quy định về cách xác định lợi thế kinh doanh, giá trị thương hiệu, nhưng rất chung chung và chỉ có ý nghĩa đối với việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết… bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đến nay vẫn còn là một khoảng trống pháp lý”, ông Toàn cho biết.
(Theo Nguyễn Trang // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com