Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần sửa triệt để hơn

Minh họa: Khều.

Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành, ngày 29-8-2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh. Để hướng dẫn thêm, ngày 5-9-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2007/NĐ-CP “Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp”. Từ năm 2007 đến nay, rất nhiều vấn đề mới đã phát sinh liên quan đến những quy định của Luật Doanh nghiệp.

Do đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chủ trì soạn thảo một nghị định mới nhằm thay thế Nghị định số 139 nêu trên (NĐ thay thế). Tại cuộc hội thảo góp ý cho NĐ thay thế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 1-4, nhiều ý kiến tham luận đã cho rằng, những bổ sung và sửa đổi là rất cần thiết nhưng cần triệt để hơn.

Những quy định mới chưa hợp lý

Dự thảo NĐ thay thế có 44 điều khoản, tức là có 13 điều khoản mới so với NĐ 139/2007. Phần lớn những điều khoản mới được bổ sung là cần thiết. Tuy nhiên, có những điều khoản rất cần được hướng dẫn chi tiết hơn hoặc phải sửa lại để tránh tình trạng “Nghị định sửa luật”. Những vấn đề cơ bản được nhiều ý kiến đồng thuận như sau:

Thứ nhất, về quyền góp vốn bằng sở hữu trí tuệ

Điều 5 của dự thảo NĐ thay thế quy định: “Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm đối tượng quyền tác giả, đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả, đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và đối tượng quyền đối với giống cây trồng theo quy định của luật sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn. Việc định giá trong trường hợp này được thực hiện theo điều 30 Luật Doanh nghiệp”.

Quy định nêu trên rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp có khả năng góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ nhưng đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối trong thời gian vừa qua. Song, quy định như nội dung đã nêu là quá chung chung và chắc chắn sẽ không thể đi vào cuộc sống.

Vì vậy, cần sửa lại là “Quyền góp vốn bằng tài sản vô hình” và hướng dẫn cụ thể hơn: những tài sản vô hình nào được sử dụng để góp vốn? Hồ sơ, thủ tục của tài sản vô hình được sử dụng để góp vốn như thế nào? Việc định giá tài sản vô hình để góp vốn theo quy định nào?... Có thể cần một thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ Tài chính để hướng dẫn chi tiết những vấn đề rất cụ thể nêu trên.

Thứ hai, về vốn điều lệ của công ty cổ phần

Khoản 3, điều 6, dự thảo NĐ thay thế quy định: “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký kinh doanh là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông khác đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Quy định trên nhằm khắc phục tình trạng “vốn ảo” trong các doanh nghiệp, phần lớn là trong các công ty cổ phần hiện nay. Song, nếu theo quy định đó, một công ty cổ phần có vốn điều lệ được ghi trong điều lệ công ty là 10 tỉ, các cổ đông sáng lập đăng ký mua trong 90 ngày là 2 tỉ, 8 tỉ còn lại sẽ bán trong ba năm theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thì trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ chỉ ghi vốn điều lệ là 2 tỉ đồng. Điều đó mâu thuẫn với khái niệm vốn điều lệ tại khoản 6, điều 4, Luật Doanh nghiệp: “Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty”.

Thứ ba, về quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp

Điều 15 dự thảo NĐ thay thế quy định về bảo quản và sử dụng con dấu của doanh nghiệp như sau: “1. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp, phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Không ai được quyền sử dụng con dấu của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích cá nhân của mình hoặc của người khác. Cá nhân, tổ chức chiếm hữu và cất giữ con dấu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật. 2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân về những thiệt hại đối với doanh nghiệp và người khác do bảo quản, lưu giữ con dấu không đúng quy định, sử dụng con dấu không đúng mục đích”.

Quy định nêu trên không có gì mới so với điều khoản liên quan trong Luật Doanh nghiệp, song vẫn là cần thiết để góp phần ngăn chặn tình trạng “chiếm giữ” con dấu khi có những mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, khoản 2, điều 36, Luật Doanh nghiệp quy định: “Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai”. Đây là một quy định chưa được hướng dẫn ở văn bản nào. Vì vậy, để triệt để hơn cần bổ sung vào điều khoản này hướng dẫn về việc doanh nghiệp xin khắc con dấu thứ hai với những nội dung: Trong những trường hợp nào thì doanh nghiệp được khắc con dấu thứ hai? Thủ tục khắc và quản lý con dấu thứ hai như thế nào?

Những quy định cũ thiếu tính khả thi

Dự thảo NĐ thay thế kế thừa khá nhiều quy định của Nghị định 139/2007. Đó là những quy định hợp lý song một số quy định đã không được thực thi trên thực tế.

Trước hết, các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Theo khoản 3, điều 5, Nghị định 139/2007: “Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật nói tại khoản 1 điều này đều hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2008”.

Quy định của nghị định rõ ràng như vậy, nhưng sau ngày 1-9-2008, không một cơ quan có thẩm quyền nào công bố về những quy định trái thẩm quyền và hết hiệu lực thi hành. Ngược lại, những điều kiện kinh doanh, những giấy phép con vô lý lại tăng lên gây không ít khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Khoản 3, điều 8, dự thảo NĐ thay thế quy định: “Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật nói tại khoản 1 điều này đều không có hiệu lực thi hành”. Quy định nêu trên cũng sẽ trở thành một “mệnh lệnh” nhanh chóng bị chìm trong quên lãng. Bởi lẽ, để các bộ, ngành tự công bố những điều kiện kinh doanh, những giấy phép con do chính bộ, ngành đó ban hành hết hiệu lực sẽ chỉ là... “ước mơ xa” trong nền hành chính nước ta hiện nay.

Vì vậy, nhiều ý kiến kiến nghị, để nghị định được thực thi nghiêm túc, cần giao cho một cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ Tư pháp, định kỳ (sáu tháng hoặc một năm) rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố bãi bỏ những điều kiện kinh doanh, những giấy phép con được ban hành trái thẩm quyền.

Những ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề cũng là vấn đề bức xúc của nhiều doanh nghiệp. Các ý kiến trao đổi đều kiến nghị cần có một nghị định của Chính phủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí của chứng chỉ hành nghề. Bởi lẽ, trong thời gian hiện nay đã và đang xảy ra tình trạng “lạm phát” chứng chỉ hành nghề và không ít chứng chỉ hành nghề chỉ là một “giấy phép con vô lý”. Bởi vì một chứng chỉ được cấp sau một khóa học ngắn hạn khoảng 2-3 tháng đã thay thế cho bằng đại học thậm chí là bằng thạc sĩ, tiến sĩ là điều khó có thể chấp nhận được.

Khá nhiều ý kiến trong hội thảo tranh luận về việc sử dụng cụm từ “tập đoàn” là một thành tố phụ trợ cấu thành tên doanh nghiệp. Nghị định 139 và dự thảo NĐ thay thế đều quy định: ““Cụm từ “tập đoàn” có thể sử dụng như một thành tố phụ trợ cấu thành tên riêng của công ty mẹ, phù hợp với các quy định từ điều 31 đến điều 34 Luật Doanh nghiệp về đặt tên doanh nghiệp”. Nhiều ý kiến trong hội thảo đề nghị bỏ điều khoản nêu trên để đảm bảo sự minh bạch, phân biệt rõ giữa công ty và tập đoàn - hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Khó khăn của các chủ doanh nghiệp khi giải thể doanh nghiệp cũng là vấn đề được đề cập khá nhiều. Khó khăn lớn nhất của các chủ doanh nghiệp khi giải thể là phải có: “d. Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế”.

Với một doanh nghiệp chuẩn bị giải thể, việc mời cơ quan quản lý thuế tới kiểm tra xác nhận việc hoàn thành các nghĩa vụ về thuế là không đơn giản. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào điều 41 dự thảo NĐ thay thế khoản 7 với nội dung: “7. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị kiểm tra xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận cho doanh nghiệp để phục vụ mục đích giải thể. Quá thời hạn trên, doanh nghiệp được phép giải thể mà không cần xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan quản lý thuế” (xem thêm bài “Không thể sửa luật bằng nghị định”).

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Không thể sửa luật bằng nghị định
  • Hành lang pháp lý nào cho lao động nước ngoài?
  • Cần góc nhìn chia sẻ
  • Sửa luật theo hướng dung hòa các nhóm lợi ích
  • Xe du lịch hay xe tăng?
  • Được “vạ”, “má” vẫn sưng!
  • Liệu có kịp?
  • “Nóng” chuyện đình công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%