Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác) đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp được giữ lại 2% tiền đóng BHXH, thay vào đó việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động nên do cơ quan BHXH thực hiện.
Việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản của người lao động nên do tổ chức BHXH trực tiếp thực hiện theo một trình tự hợp lý-Ảnh minh họa |
Bởi theo phân tích của Tổ công tác, việc quy định doanh nghiệp giữ lại 2% tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động sau đó quyết toán với tổ chức BHXH đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ít lao động, doanh nghiệp nhiều lao động nữ. Hơn nữa việc quyết toán với tổ chức BHXH cũng gặp khó khăn do doanh nghiệp không nắm chắc được chính sách nên giải quyết chế độ cho người lao động không đúng quy định.
Nên bổ sung Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày
Đồng thời với đề nghị bãi bỏ quy định doanh nghiệp giữ lại 2% tiền đóng BHXH để giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động, Tổ công tác cho rằng cần quy định cụ thể trình tự thực hiện việc giải quyết chế độ này theo quy định sau:
Bước 1: Người sử dụng lao động tập hợp giấy tờ từ người lao động và lập hồ sơ gửi tổ chức BHXH.
Bước 2: Tổ chức BHXH tiếp nhận hồ sơ từ người sử dụng lao động xem xét, giải quyết chế độ.
Bước 3: Người sử dụng lao động nhận kết quả từ tổ chức BHXH chuyển cho người lao động.
Cũng trong phương án đơn giản hóa thủ tục hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động khám chữa bệnh trong nước, Tổ công tác đề xuất nên bổ sung, quy định chi tiết Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, chẳng hạn như các bệnh về nội tiết, bệnh sang chấn hệ thần kinh...
Lý do Tổ công tác đưa ra là danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày đã được ban hành từ năm 1987, trong khi thực tế hiện nay có một số trường hợp ốm đau dài ngày nhưng chưa được bổ sung vào danh mục chữa bệnh dài ngày, gây thiệt thòi cho người lao động.
Mặt khác, trong thực tế có một số bệnh do không có hướng dẫn chi tiết nên khó khăn trong quá trình thực hiện, Phiếu hoặc Biên bản hội chẩn không ghi thời gian cần nghỉ việc để điều trị bệnh nên đã không đảm bảo căn cứ giải quyết dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.
... và quy định cụ thể thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động
Vì theo Tổ công tác, Thông tư số 19/2008/TT- BLĐTBXH quy định thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện theo quy định khi nghỉ việc được tính từ tháng liền kề sau tháng cơ quan, đơn vị nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho tổ chức BHXH. Tuy nhiên, Nghị định số 46/2010/NĐ-CP lại quy định cụ thể thời điểm hưởng lương hưu đối với công chức là ngày 01 tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu (trừ trường hợp được lùi tuổi nghỉ hưu), thời điểm hưởng là thời điểm ghi trong quyết định. Do vậy, phương án đơn giản hóa thủ tục "hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH bắt buộc đang đóng BHXH" là nên quy định cụ thể thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động.
Thêm nữa, Tổ công tác cũng cho rằng, cần quy định thời hạn lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưu trí của người sử dụng lao động. Lý do là theo quy định thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện theo quy định khi nghỉ việc được tính từ tháng liền kề sau tháng cơ quan, đơn vị nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho tổ chức BHXH. Tuy nhiên, lại không có quy định thời hạn cơ quan, đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH dẫn đến tình trạng người lao động không được nhận lương hưu từ khi đủ điều kiện về tuổi đời, gây thiệt thòi cho người lao động.
Về thời hạn giải quyết, nên giảm thời hạn giải quyết từ 30 ngày xuống còn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định để giải quyết nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.
(Theo Chí Kiên // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com