Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự lệnh và động lệnh

(minh họa: Khều)

Để cho phép làm hoặc cấm làm một việc gì đó, trong lĩnh vực quân sự, thể dục, thể thao thường có hai loại lệnh là dự lệnh và động lệnh. Dự lệnh là một lệnh báo hiệu để người thực hiện chuẩn bị và động lệnh là lệnh để người thực hiện thực hiện yêu cầu.

Chẳng hạn khi xuất phát trong một cuộc thi chạy, người ta có dự lệnh là “Chuẩn bị sẵn sàng” và động lệnh là “Chạy!”.

Sự phân biệt như trên là hoàn toàn hợp lý, và không chỉ hợp lý trong lĩnh vực quân sự, thể thao, văn hóa - xã hội mà còn cần thiết hơn trong quản lý kinh tế. Bởi lẽ, một sự cấm đoán đột ngột trong quản lý kinh tế sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến sự phá sản của không ít doanh nghiệp.

Hiện nay, việc cấm đoán đột ngột trong kinh doanh thương mại gần như không còn nữa vì các văn bản quy phạm pháp luật đều có một “dự lệnh” trong một thời gian nhất định.

Chẳng hạn, một nghị định của Chính phủ thường “có hiệu lực thi hành sau x ngày kể từ ngày đăng công báo” hoặc một đạo luật cũng thường có hiệu lực sau khoảng sáu tháng đến một năm kể từ ngày được Quốc hội thông qua.

Thế nhưng, những mệnh lệnh không hợp lý trong lĩnh vực đầu tư vẫn xảy ra, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp.

Sự việc điển hình và đang gây xôn xao dư luận là Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 9-12-2009 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thông báo này yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.

Thông báo 348/TB-VPCP là một “động lệnh”. Do đó, khá nhiều dự án đầu tư xây dựng văn phòng và căn hộ cho thuê tại các quận nội thành thuộc trung tâm Hà Nội đã bị dừng lại, các chủ đầu tư đang như ngồi trên đống lửa. Nguyên nhân cơ bản là, yêu cầu dừng ngay việc xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm Hà Nội là một “động lệnh” quá đột ngột. Bởi lẽ, trong quy trình thực hiện một dự án đầu tư xây dựng, việc xin giấy phép xây dựng và tiến hành xây dựng là khâu cuối cùng.

Để đến được khâu đó, chủ đầu tư đã phải vượt qua một chặng đường dài gian nan với thời gian từ 2-5 năm, có trường hợp tới bảy năm như Công ty cổ phần Trần Hưng Đạo với dự án xây dựng trung tâm thương mại, căn hộ và văn phòng cho thuê tại 114 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số lượng các thủ tục hành chính phải vượt qua cũng không ít.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn Cầu đã phải xin tới 20 con dấu cho dự án xây dựng khu trường học - văn phòng - nhà ở cao tầng và thấp tầng tại 170 đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội... Cùng với các công việc chuẩn bị trong thời gian dài như vậy là hàng chục tỉ đồng đã chi ra để di dời cơ sở sản xuất cũ, nộp tiền sử dụng đất, lập dự án đầu tư, phí tư vấn và chi phí cho ban quản lý dự án...

Ngoài ra, không ít trường hợp đã vay vốn ngân hàng. Chẳng hạn, theo báo cáo của Công ty TNHH Minh Khang, công ty đã vay để giải ngân cho dự án 144 tỉ đồng và chỉ trong sáu tháng công trình bị tạm dừng, gây thiệt hại tới 11 tỉ đồng là lãi trả tiền vay...

Do đó, không được phép tiếp tục thực hiện dự án, chắc chắn không ít doanh nghiệp-chủ đầu tư sẽ tuyên bố phá sản. Từ nguy cơ nhãn tiền nêu trên, bảy trong số những công ty có dự án bị dừng thi công theo Thông báo số 348/TB-VPCP đã có đơn kêu cứu đến Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xem xét lại (xem bảng).

Thiết nghĩ, trong lĩnh vực thực hiện các dự án đầu tư, không thể sử dụng các “động lệnh”, cấm xây dựng ngay tức khắc vì làm như vậy, thiệt hại cho các chủ đầu tư và toàn xã hội là quá lớn. Hợp lý hơn cả là thông báo cấm thực hiện khâu đầu tiên là khâu chấp thuận dự án.

Vì vậy, ngày 13-4-2010, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn số 2502/UBND-XD gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục triển khai các dự án, công trình xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm đã cấp phép xây dựng, hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch chi tiết, phê duyệt tổng mặt bằng, kiến trúc công trình kể từ 31-12-2009 trở về trước mà phù hợp với quy hoạch xây dựng chung.

__________________________________________________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Loại trừ hàng giả – yêu cầu ngày càng bức thiết
  • Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước khó về đích
  • Quy định về bằng FC trước ngày 1/7/2010: DN ngổn ngang lo
  • Ách tắc nộp tiền sử dụng đất vì Nghị định 69
  • Ngăn chặn việc khai thác, xuất khẩu than trái phép
  • Liên kết rồi... dừng lại?
  • DN đối thoại với thuế và hải quan : Lại cùng nhau tháo gỡ
  • 139 m2 đất... ách tắc 1 công trình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%