Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa: Chờ ngày qua ngày

Đi lại 3-4 lần mới xin được giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), ít nhất hơn một tuần mới có được giấy chứng nhận chất lượng, tranh thủ làm đêm để truyền được dữ liệu hải quan điện tử...

Đó là những gì phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận được sau khi cùng các doanh nghiệp đi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp chờ làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Cát Lái (TP.HCM) - Ảnh: H.K.

Theo quy trình, thủ tục xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) hiện nay gồm một số bước: đóng gói kiểm đếm hàng hóa (do cơ quan đại diện của nhà nhập khẩu phụ trách), xin chứng nhận chất lượng, mở tờ khai hải quan, làm thủ tục và lấy vận đơn từ hãng tàu, rồi xin C/O (để được hưởng các ưu đãi thuế quan hoặc theo yêu cầu của bạn hàng). Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định thủ tục đã thông thoáng, nhưng thực tế những thủ tục hành chính ấy tưởng dễ mà vẫn khó.

Thoáng nhất là... đêm!

Máy soi tăng thêm chi phí

Khi thực hiện dự án máy soi container, Tổng cục HQ xác định đây là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiều DN than phiền họ mất thêm chi phí gần 1 triệu đồng/container cho công đoạn thuê cẩu, thuê xe để đưa hàng vào máy soi.

Không chỉ thêm chi phí, DN còn mất thời gian cho các khâu đăng ký, tính thuế, thông quan, đóng dấu... Tất cả công đoạn này DN phải di chuyển liên tục từ nơi đặt máy soi đến văn phòng chi cục HQ để giải quyết.

Thời gian gần đây, rất nhiều DN xuất nhập khẩu đã phản ảnh đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ về tình trạng đường truyền dữ liệu hải quan điện tử bị đứt mạng liên tục, khiến DN mệt mỏi và bị thiệt hại nhiều. Anh P. - nhân viên một công ty xuất khẩu - tiết lộ kinh nghiệm nên khai hải quan điện tử vào khoảng 21g trở đi. Khi chưa có kinh nghiệm làm vào ban đêm như vậy, có những lần anh P. phải mất tới hai ngày mới hoàn thành khai báo hải quan điện tử cho một lô hàng.

Một ngày cuối tháng 5-2010, để hoàn thành việc mở tờ khai cho lô hàng thủy sản xuất sang Hàn Quốc trong buổi sáng (sau khi đã mở tờ khai hải quan điện tử), anh P. có mặt tại cảng Cát Lái (TP.HCM) từ sớm. Chạy hết quầy này đến quầy kia trong phòng lạnh nhưng anh vẫn vã mồ hôi. Khi chiếc loa trong phòng thủ tục xuất nhập khẩu bật nhạc giải trí, thay vì đọc số thứ tự tiếp theo, đồng hồ đã báo 11g30, công việc của anh vẫn chưa hoàn tất.

Chạy ra quầy nhờ vả làm nốt cho xong, phải đến 11g45 anh mới thở phào nhẹ nhõm khi đã mở được tờ khai. “Làm trực tiếp chỉ một buổi, nhưng nếu tính cả khai báo điện tử, chuẩn bị hồ sơ... cũng mất đến gần hai ngày mỗi tờ khai”, anh P. nhẩm tính.

Theo anh P., việc xin cấp giấy chứng nhận chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhiều lô hàng xuất khẩu đang ngốn rất nhiều thời gian. Việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận tại Nafiqad - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thường mất hơn một tuần. DN bắt buộc phải có giấy này (mẫu bằng tiếng Việt) mới mở được tờ khai hải quan. Sau khi hàng lên tàu, DN lại phải quay lại Nafiqad xin mẫu tiếng Anh để gửi cho bạn hàng.

Mẫu này không được cấp đồng thời khi cấp mẫu tiếng Việt, mà phải chờ hàng lên tàu, hãng tàu cung cấp vận đơn, DN đem những giấy tờ đó qua Nafiqad. Dù DN làm sẵn mẫu, cung cấp đủ giấy tờ nhưng cũng phải mất 1-2 ngày mới được cấp mẫu tiếng Anh. “Như vậy nếu suôn sẻ, để làm xong thủ tục cho một lô thủy sản xuất khẩu, DN phải mất 9-10 ngày đi lại giữa các cơ quan”, anh P. bức xúc.

Từ khi đưa vào hoạt động máy soi container, doanh nghiệp phải "cõng" thêm khoản phí gần 1 triệu đồng/container để thuê cẩu, xe đưa hàng vào máy soi - Ảnh: H.K.

Nỗi ám ảnh mang tên C/O!

Một ngày đầu tháng 5-2010, chúng tôi theo chân Công ty TNHH thương mại sản xuất TV (trụ sở tại Bình Dương) đi xin cấp C/O cho lô hàng đồ gỗ nội thất xuất khẩu sang thị trường New Zealand theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ xin cấp C/O gồm đơn đề nghị cấp C/O, mẫu C/O (cả bản gốc và bản sao), tờ khai hải quan... chúng tôi có mặt tại phòng thủ tục xuất nhập khẩu (văn phòng 2 Bộ Công thương tại TP.HCM) vào giữa buổi sáng. Nhưng phải đến 11g trưa mới nộp được hồ sơ. Tại thời điểm đó, cán bộ tiếp nhận không kiểm tra hồ sơ.

Qua ngày hôm sau trở lại, anh N.X.N. - nhân viên đi xin C/O - được thông báo có chi tiết sai cần sửa lại. Sau khi đã sửa, anh N. đem nộp. Tiếp tục đúng hẹn lên nhận hồ sơ, anh N. lại được thông báo có chi tiết chưa đúng. Lần thứ ba đem nộp anh N. được hẹn ba ngày sau lên lấy. Rồi lại thêm thông báo hồ sơ còn một điểm chưa đúng được gửi đến anh N.. Lần này, anh N. phải đem hồ sơ về tận Bình Dương để sửa lại vì... con dấu của công ty đóng chưa đúng điểm. Tính ra để nhận được C/O gửi cho khách hàng, anh N. phải mất hơn 10 ngày.

“Nếu đem hồ sơ lên cán bộ tiếp nhận xem ngay, thông báo tất cả các điểm sai sót để chúng tôi sửa một lần thì đã không mất tới trên 10 ngày cho một mẫu C/O như vậy”, anh N. than. Theo anh, đây không phải trường hợp cá biệt, bởi cùng với bộ hồ sơ này công ty còn xin cấp C/O cho một lô hàng khác và bộ này cũng phải mất hai lần làm đi làm lại. Theo quy định, nếu hồ sơ xin cấp C/O không có vấn đề gì, thời hạn tối đa để cấp là ba ngày. Tuy nhiên, lô hàng trên khi C/O đến tay khách hàng đã chậm ba ngày và họ đang đòi phạt công ty 500 USD/ngày.

Tưởng dễ mà khó

Theo bà Đặng Phương Dung, nhóm trưởng tổ công tác hải quan - xuất nhập khẩu đề án 30, hiện có 34 thủ tục hải quan xuất nhập khẩu của các hiệp hội ngành hàng kiến nghị chuyển lên các bộ, ban ngành từ giữa năm 2009 để rà soát, xem xét loại bỏ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bà Dung cho biết có 16-17 kiến nghị khác được thống kê trong giai đoạn hai cần tháo gỡ đã được rà soát xong và gửi lên hội đồng tư vấn của nhóm thực hiện đề án 30 để chuyển tiếp lên các bộ. “Trên thực tế những kiến nghị cũ vẫn chưa được giải quyết thì những đề xuất của giai đoạn 2 coi như quay về chỗ cũ vì các đề xuất gỡ bỏ, sửa đổi đều có liên quan đến các thông tư, nghị định đang áp dụng nên cũng khó có kết quả nhanh như doanh nghiệp kỳ vọng”, bà Dung nói.

Đơn cử như đề xuất luồng xanh 100% miễn khai báo cho các DN dệt may thực hiện tốt các thủ tục xuất nhập khẩu, nhưng đề xuất này vẫn đang trong giai đoạn bàn bạc. “DN thật sự nản vì đề án 30 gần hết thời hạn, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn triển khai thực tế các kiến nghị, vướng mắc đã được thống kê nhưng hiện nay vẫn chưa thông được”, bà Dung nói.

Muốn nhanh phải "biết điều"

Chiều 25-5, có mặt tại hải quan (HQ) cửa khẩu Tân Cảng và HQ khu vực 3 (cảng Vict), chúng tôi chứng kiến hàng trăm người đi làm thủ tục HQ đứng ngồi la liệt.

Anh S., nhân viên giao nhận hàng, sốt ruột cho biết: “Tôi mở tờ khai từ đầu giờ sáng, lấy số thứ tự nhưng đến 15 giờ vẫn chưa được phân tờ khai (hiện lên bảng điện tử). Trong khi đó những người có số thứ tự lớn hơn đã được phân tờ khai hoặc chuyển qua công đoạn kiểm hóa, tính giá thuế”.

Trong khi đó, tại chi cục HQ khu vực 4 (ICD Phước Long), một số DN phàn nàn việc chờ phân tờ khai quá lâu, rồi người sau nhưng lại được ưu tiên trước, xảy ra cãi cọ, thắc mắc. Ông Vũ Hoàng Đồng, chi cục trưởng Chi cục HQ khu vực 4, cho biết do hệ thống cấp số thứ tự tự động bị “điếc” từ sáng nên phải phân thủ công. Một số nhân viên giao nhận cho biết muốn được phân tờ khai nhanh cũng phải “biết điều” với cán bộ HQ.

Quá nhiều thủ tục nhiêu khê

Chiều 25-5, tại một số chi cục hải quan (HQ) cửa khẩu cảng Sài Gòn, nhiều DN cho biết nộp hồ sơ cho HQ xin điều chỉnh thuế đã lâu nhưng không được giải quyết. Anh T., giám đốc một công ty ở Q.1 (TP.HCM), nói đã nộp hồ sơ xin hoàn thuế gần một tháng nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo tìm hiểu, việc chậm thực hiện thủ tục hoàn thuế cho DN chưa hẳn do HQ “làm ngơ” mà do chính sách, quy định ban hành kèm theo quá bất hợp lý và máy móc. Theo thông tư 79/2009 của Bộ Tài chính, muốn được xét hoàn thuế DN phải đợi HQ thực hiện một loạt các khâu: kiểm tra hồ sơ, đối chiếu tính thống nhất, hợp lệ của hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán, phiếu nhập xuất kho, chứng từ thanh toán tiền hàng; việc hạch toán kế toán tại đơn vị; định mức tiêu hao nguyên liệu, vật tư; kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Không chỉ DN than thở mà ngay HQ cũng “kêu trời” vì các thủ tục “hổng giống ai” này. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho rằng việc “đẻ” ra các thủ tục nhiêu khê đã gây khó, gây khổ cho HQ và DN. HQ không thể đi kiểm tra hồ sơ, sổ sách, khả năng hoạt động của DN.

Trong khi đó DN bất hợp tác vì họ cho rằng một số nội dung kiểm tra không thuộc thẩm quyền của HQ. Theo ông Nghiệp: “Chỉ cần kiểm tra tính hợp lệ của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đúng với mẫu quy định, chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền theo thông báo của nước cấp C/O thì nên hoàn thuế (đã nộp dư) cho DN như trước đây đã làm”.

Nhiều DN nhập khẩu máy tính đã qua sử dụng cũng đang “đau khổ” vì mất quá nhiều thời gian, chi phí vì một số thủ tục không hợp lý. Thông tư 43 của Bộ Thông tin và truyền thông quy định đối với mặt hàng máy tính xách tay có thời hạn không quá ba năm kể từ ngày sản xuất cho đến ngày mở tờ khai mới được nhập khẩu.

Các DN cho rằng làm sao biết được ngày sản xuất vì trên sản phẩm không thể hiện. Còn nếu nhập theo kiểu “hên xui” thì phải đưa đi giám định, mất rất nhiều thời gian xác minh từ nhà sản xuất, chờ kết quả gây phiền hà cho DN.

 

(Theo tuoitre onlnie)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Gỡ “nút thắt” trong cấp phép xây dựng
  • Doanh nghiệp thờ ơ với tài sản trí tuệ
  • Giảm dần mặt bằng lãi suất, giám sát chặt chẽ tình hình tăng giá đất
  • Thất thu thuế khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm vì... gas giả
  • Khéo không mất tiền oan
  • Chưa thể phạt nặng thuê bao đăng ký thông tin ‘ma’
  • Trở lại cơ chế xin - cho?
  • Thuế thu nhập cá nhân: Đề nghị gia hạn quyết toán thuế đến 30-6
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%