Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp đơn giản hóa điều kiện xác nhận vốn pháp định

Vốn pháp định được hiểu là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật và là một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy phép hoạt động đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về vốn. Theo pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, để được cấp giấy chứng nhận, trong hồ sơ phải có giấy xác nhận vốn pháp định. Pháp luật chuyên ngành cũng có quy định tương tự đối với thủ tục cấp giấy phép hoạt động. Như vậy, tổ chức, cá nhân phải hai lần nộp văn bản xác nhận vốn pháp định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được thành lập, hoạt động trong khi các cơ quan này có đủ điều kiện để thừa nhận kết quả của nhau hoặc áp dụng cơ chế liên thông trong giải quyết, giảm giấy tờ, thời gian, công sức đi lại cho tổ chức, cá nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý của chính các cơ quan này.

Rắc rối từ quy định về xác nhận vốn pháp định

Quy định vốn pháp định hướng đến việc bảo đảm an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp trước đối tác và chủ nợ, nhất là trong những ngành, nghề kinh doanh tiền tệ – tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán... Trên cơ sở quy định của Nhà nước về mức vốn tối thiểu đối với một số ngành nghề cụ thể, cá nhân, tổ chức muốn thành lập hoặc hoạt động phải đáp ứng số vốn này ở mức bằng hoặc lớn hơn mức Nhà nước quy định và phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản. Đây là thành phần hồ sơ bắt buộc khi đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hoạt động kinh doanh ngành nghề mà pháp luật quy định phải có vốn pháp định.Điều kiện vốn pháp định được thể hiện qua hai trường hợp sau đây:

Thứ nhất, vốn pháp định được coi là một điều kiện để doanh nghiệp (sau khi đăng ký) xin giấy phép kinh doanh chuyên ngành. Ví dụ, cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức.... Nghĩa là doanh nghiệp phải xin giấy phép để được quyền kinh doanh ngành, nghề tương ứng ngay sau khi đăng ký doanh nghiệp.

Thứ hai, điều kiện vốn pháp định trong trường hợp đăng ký doanh nghiệp cũng đồng thời là đăng ký hoạt động. Nghĩa là việc cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hoạt động thường do một cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cấp (như: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch...) và một số ít ngành, lĩnh vực do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp, như kinh doanh bất động sản, dịch vụ đòi nợ…
 

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp chưa phân định rõ hai trường hợp nêu trên. Do đó, khi đăng ký doanh nghiệp hay đăng ký hoạt động những ngành, nghề phải có vốn pháp định, người đề nghị đều phải chứng minh năng lực tài chính, thậm chí phải chứng minh hai lần (trường hợp đăng ký hoạt động kinh doanh sau khi đăng ký doanh nghiệp). Thực tế, người đề nghị có thể vận dụng nhiều cách khác nhau để chứng minh năng lực tài chính, như mở tài khoản tại một tổ chức mà Nhà nước quy định (thường là tại ngân hàng) để lấy giấy xác nhận của tổ chức này, hoặc có kết quả kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập về hiện trạng tài sản của doanh nghiệp, hoặc chứng thư định giá đối với tài sản bằng hiện vật của tổ chức định giá hoạt động hợp pháp tại Việt Nam… Song, tính giản đơn của việc chứng minh cũng như mức độ tin cậy và ổn định của kết quả chứng minh đang là vấn đề cần phải làm rõ. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và hầu hết các pháp luật chuyên ngành chỉ quy định chung chung về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định mà không quy định rõ đó là cơ quan, tổ chức nào, đồng thời cũng không quy định rõ hình thức xác nhận. Do đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc xác nhận vốn pháp định như hiện nay còn mang tính hình thức, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hơn nữa, các cơ quan quản lý cũng khó có thể kiểm soát được chất lượng của các văn bản xác nhận.

Giảm bớt số lần yêu cầu nộp, giảm thiểu sự phức tạp trong quy định

Những quy định mang tính trùng lặp, phức tạp nhưng lại thiếu rõ ràng về văn bản xác nhận vốn pháp định dẫn đến không ít phiền phức, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp và xin giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, sự không chặt chẽ trong phối hợp giữa cơ quan cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cơ quan cấp giấy phép hoạt động cũng là vấn đề làm phức tạp hóa quy trình giải quyết các thủ tục hành chính này.

Gần đây, Chính phủ đã thực hiện thành công giải pháp cải cách đối với các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp mã số thuế và cấp con dấu, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước. Kinh nghiệm và bài học từ kết quả cải cách này cần được nghiên cứu, áp dụng để xây dựng cơ chế kiểm soát về vốn pháp định trước, trong và sau khi thành lập, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có điều kiện. Giải pháp cho vấn đề này đã được Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (tiền thân của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ) nghiên cứu, đề xuất và đã được Chính phủ quyết nghị tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 với hai phương án:

Phương án 1: Bỏ yêu cầu phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định (người đề nghị chỉ xuất trình các giấy tờ nêu trên khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định);

Phương án 2: Trong hồ sơ đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, kể cả các giấy tờ nêu trên. Cơ quan Đăng ký kinh doanh làm đầu mối kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ, liên hệ giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa liên thông.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch đầu tư (cơ quan được Chính phủ giao thực hiện) đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định liên quan tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành về đăng ký doanh nghiệp

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Lao động nước ngoài thuê nhà: Nên hoàn thuế GTGT
  • Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Sờ đâu sai đó
  • Văn bản giảm tuổi thọ
  • Hạn chế tai nạn lao động: Chế tài chưa đủ mạnh
  • Quy hoạch Ngành giấy : Thiếu chuẩn về công nghệ
  • Thuế thu nhập DN : Nên giảm và không cào bằng
  • Đại lý hải quan: 6 năm vẫn chưa... đúng nghĩa
  • Quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam: Thừa quan liêu - thiếu thực tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%