Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam: Thừa quan liêu - thiếu thực tế

Hiệp hội vận tải TP HCM vừa có đơn kiến nghị gửi Cục Đăng kiểm VN vì quy định “chỉ công nhận trong sổ chứng nhận kiểm định đối với loại xe container đầu kéo về số người được phép chờ là: 2 người”. Vướng mắc ở chỗ mỗi xe loại này đều có thêm giường nằm nhưng lại không được ghi nhận trong sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật.

Trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng ô tô, xe tải đường dài việc mỗi xe sử dụng tới hai tài xế kèm một phụ xe đi cùng để luân phiên nhau trên suốt chặng đường dài là điều hết sức bình thường. Với một số loại xe đầu kéo container, ngoài hai ghế ngồi trong cabin, nhà sản xuất còn thiết kế thêm giường nằm phía sau để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, rắc rối ở chỗ khi các loại xe này được nhập về, Cục Đăng kiểm VN lại chỉ công nhận hai ghế ngồi phía trước chứ không công nhận giường nằm phía sau.

Mắc mớ từ một quy định

Không riêng gì TP HCM mà hầu hết các DN vận tải hiện nay đều sử dụng các loại đầu kéo nhập khẩu, chủ yếu là nhãn hiệu Freightliner do Mỹ sản xuất để vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại. Thế nhưng, trong quy định của Cục Đăng kiểm VN chỉ công nhận trong sổ chứng nhận kiểm định đối với loại xe này về số người được phép chờ là: 2 người. Điều đó đồng nghĩa là trong mỗi cabin xe đầu kéo chỉ được phép chở hai người gồm một lái xe và một phụ xe hoặc hai lái xe. Nếu quá hai người là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt.

Với một số loại xe đầu kéo container, ngoài hai ghế ngồi trong cabin,
nhà sản xuất còn thiết kế thêm giường nằm phía sau để nghỉ ngơi

Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM cho biết: Đối với loại hình vận tải hàng hóa đường dài rất cần thiết phải có hai tài xế và một phụ xe. Chính quy định ấy đã khiến DN vận tải thường gặp khó khăn do thời gian vận chuyển hàng hóa cho các chủ hàng thường bị chậm chễ, xuất phát từ việc “thiếu một tài xế hoặc 1 phụ xe”. Mặc dù chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị lên Cục Đăng kiểm nhưng vẫn chưa có trả lời chính thức về vấn đề này.

Khó cho DN

Vậy là từ khi DN được phép nhập khẩu loại xe đầu kéo phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa cũng là thời điểm đánh dấu những khó khăn do quy định mà Cục Đăng kiểm ban hành. Từ việc chưa ghi nhận giường nằm theo hồ sơ thiết kế của nhà sản xuất trong sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật đối với các loại xe đầu kéo nói trên dẫn đến nhiều hệ quả gây rất nhiều khó khăn mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 65 luật giao thông đường bộ hiện nay thì: “Thời gian làm việc của người lái xe ôtô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”. Do đó, với những chuyến hàng đường dài, nếu DN cử hai tài xế đồng hành thì có thể đảm bảo được an toàn và tiến độ giao nhận hàng với chủ hàng, nhưng lại không có một phụ xe đi cùng để làm những việc phụ cần thiết như: Đổ dầu, vá lốp, chăm bình nước, làm các thủ tục giao nhận hàng... Ngược lại, nếu DN chỉ cử một lái xe và một phụ xe cho chuyến đi thì nguy cơ giao hàng chậm chễ là điều chắc chắn. Vì không có lái xe để thay thế nên cứ sau 4 giờ lái xe liên tục người tài xế phải cho xe dừng để nghỉ ngơi hoặc sau 10 giờ lái xe trong ngày thì phải dừng xe chờ tới ngày hôm sau mới đi tiếp. Đó là chưa kể tới những sự cố ngoài ý muốn như ốm đau...

Ông Phạm Trung Thành - GĐ Cty TNHH TM Vận tải Trung Thành cho rằng: Khó khăn lớn nhất của DN vận tải là nghĩa vụ phải giao hàng đúng thời gian, địa điểm theo cam kết với chủ hàng, đặc biệt là đối với việc vận chuyển các mặt hàng đông lạnh, tươi sống... Càng đòi hỏi khắt khe về thời gian và tiến độ giao hàng. Việc xe đầu kéo chỉ được phép chở 2 người thì vô hình trung tạo áp lực lớn cho người lái xe và ảnh hưởng tới DN. Với những lô hàng trị giá hàng tỉ đồng, nếu vận chuyển chậm chễ so với hợp đồng đã ký kết, DN sẽ bị phía đối tác phạt.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Kề - GĐ Cty CP Chế biến XNK Thủy sản Hùng Cường thì: Với những container có giá trị hàng hóa lớn, để đảm bảo an toàn trên suốt chặng hành trình thường thì chủ hàng phải cử người đi áp tải, nhưng do vướng quy định: Xe chỉ có 2 chỗ ngồi nên khó khăn trong việc bố trí cho người giám sát hàng hóa.

Đồng quan điểm này, ông Đinh Nam Dinh chia sẻ: Điều khó hiểu ở chỗ, với các loại xe tải nhỏ 1,5 tấn, 4,3 tấn lắp ráp tại VN thì được chứng nhận trong sổ chứng nhận kiểm định số người được chở là 3 người theo thiết kế của nhà sản xuất. Trong khi đó xe đầu kéo thì không được phép dù có thêm giường nằm.

Xuất phát từ thực tế đó, nhiều DN vận tải mà đại điện là Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM đã kiến nghị lên Cục Đăng kiểm VN xem xét cho phép ghi nhận thêm “một chỗ nằm” phía sau ghế ngồi theo đúng thiết kế của nhà sản xuất với loại xe nhãn hiệu Freightliner nói riêng và các loại xe đầu kéo nói chung. Từ đó tạo điều kiện cho DN chủ động bố trí lái xe, phụ xe cần thiết cho hành trình vận chuyển hàng hóa đường dài.

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • C/O: Khó hưởng, khó quản
  • Người đại diện theo pháp luật, anh là ai?
  • Cấm lãnh đạo chơi gôn: mỗi người mỗi ý!
  • Cấm chơi gôn và trách nhiệm công việc
  • Thế nào là thu nhập khác?
  • Vi phạm an toàn hành lang tuyến ống dẫn khí: Báo động đỏ
  • “Núp” hội chợ, triển lãm, hàng tiêu dùng “lọt cửa” giấy phép
  • Xem lại tiêu chuẩn kế toán trưởng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%