Chỉ tính riêng con số TNLĐ trong 6 tháng đầu năm 2011 đã khiến không ít người phải giật mình, với 3.531 vụ TNLĐ làm 3.642 người thương vong.Trong đó, số vụ TNLĐ chết người: 233 vụ; TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 44 vụ; số người chết: 273 người; số người bị thương nặng: 544 người. Nạn nhân là lao động nữ: 630 người. Những con số này mới phản ánh phần nào diện mạo bức tranh ảm đạm về tình hình TNLĐ hiện nay, bởi thực tế sẽ còn rất nhiều trường hợp TNLĐ và tử vong do TNLĐ xảy ra tại nơi làm việc có quy mô nhỏ hơn chưa báo cáo.
Đi tìm nguyên nhân
Nếu làm phép tính so sánh 6 tháng đầu năm 2011 và 2010 thì thấy rất rõ số vụ TNLĐ đang ngày một nhiều.Cụ thể, nếu 6 tháng đầu năm 2010 có 2611 vụ thì 6 tháng/2011 con số này đã lên tới 3.531. Các địa phương có số vụ TNL Đ chết người ở mức cao trong thời gian qua vẫn là những địa phương tập trung nhiều KCN, DN khai thác mỏ và xây dựng.
Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai là hai địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất, đặc biệt Nghệ An là địa phương có số vụ TNLĐ giảm, nhưng số vụ chết người và số người chết lại tăng.
Điển hình của các vụ TNLĐ trong năm 2011 phải nhắc tới vụ sạt lở đá tại mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ngày 1/4/2011 làm 18 người bị đá đè chết và 6 người bị thương; Vụ TNLĐ do sập lò than ngày 26/5/2011 thuộc Cty TNHH một thành viên Khải Thành 2, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình làm 2 người chết...
Theo phân tích của các chuyên gia về ATLĐ thuộc VCCI, một trong những nguyên nhân của các vụ TNLĐ có phần không nhỏ do người sử dụng lao động “quên” không huấn luyện về ATLĐ cho người lao động, thiết bị không đảm bảo an toàn, không có quy trình, biện pháp ATLĐ, đặc biệt là không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Trong khi đó bản thân người lao động vẫn còn coi thường tính mạng của mình, hiện tượng vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn về ATLĐ hoặc không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân... thường xuyên xảy ra
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, còn một nguyên nhân khác, đặc biệt là các TNLĐ do xây dựng nhà cao tầng gây ra. Ngoài những nguyên nhân khách quan, chủ quan của loại hình TNLĐ này, phải kể tới nguyên nhân do sự cạnh tranh bỏ thầu xây dựng các công trình thấp đã để lại hậu quả không chỉ là chất lượng công trình không đảm bảo mà cả chi phí trang bị bảo hộ cá nhân, lưới che chắn, giàn giáo... cũng bị tiết giảm dẫn đến TNLĐ nghiêm trọng.
Tại một cuộc hội thảo gần đây về ATLĐ trong xây dựng, vị đại diện Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đưa ra một thực tế đáng lo ngại khi nhiều công trình xây dựng không thực hiện đầy đủ công tác ATLĐ - bảo hộ lao động. Trong đó, phải kể đến việc công nhân làm việc dưới bán kính quay của cần cẩu khi thi công ép cọc diễn ra thường xuyên. Thậm chí, công nhân còn đeo bám người trên móc cẩu.
“Việc thi công trên cao, đặc biệt khi thi công kết cấu cột bê tông cốt thép không có biện pháp đảm bảo an toàn, không có hệ thống sàn công tác đủ rộng, đủ chắc chắn để công nhân thao tác ở vị trí các hố móng sâu, các biên sàn, sàn mái, ô cầu thang... về nguyên tắc phải có lan can bảo vệ nhưng thực tế trong quá trình thi công ít được quan tâm làm rào chắn hoặc rào chắn chỉ trong một thời gian ngắn...là những nguyên nhân chính của TNLĐ” - vị đại diện nhấn mạnh.
Trong khi đó, công tác quản lý cũng còn nhiều bất cập, ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại các DN ở địa phương chưa đáp ứng được việc phát hiện và phòng ngừa TNLĐ nghiêm trọng. Trong khi đó,chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để các DN, người sử dụng lao động, người lao động chấp hành những quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ
Cần giải pháp mạnh tay
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững trực thuộc VCCI, để có thể giảm thiểu các vụ TNLĐ trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương trong đó đặc biệt phải kể tới DN và ngưòi lao động. Bên cạnh đó cần triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình quốc gia về ATLĐ, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015.
Ông Vinh khẳng định, ở góc độ là đơn vị triển khai Dự án 3 thuộc Chương trình quốc gia về ATLĐ, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 – 2015, VCCI sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ áp dụng các biện pháp kỹ thuật về ATVSLĐ tới các DN, đặc biệt là các DNNVV nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác và phòng ngừa TNLĐ của người sử dụng lao động và người lao động.
Ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, giảm thiểu TNLĐ, trước hết các bộ, ngành, địa phương và các DN cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ trung ương đến địa phương việc thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ và các chế độ BHLĐ của các DN thuộc các thành phần kinh tế. Kiên quyết đình chỉ những cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lao động.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động trong các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ theo hướng dẫn tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATLĐ và hướng dẫn cho người lao động trước khi làm việc. Đặc biệt chú ý đối với những người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp xúc với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com