Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy hoạch Ngành giấy : Thiếu chuẩn về công nghệ

Ngành giấy đang thiếu trầm trọng nguyên liệu đầu vào. Nhưng trong Đề án "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy VN đến năm 2020, có xét đến 2025" do Bộ Công Thương chủ trì lại chỉ đề cập nhiều đến... công nghệ. Điều đáng nói, tiêu chí này trong quy hoạch lại không được quy định một cách cụ thể.

Theo Đề án "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy VN đến năm 2020, có xét đến 2025", tổng vốn đầu tư mới và mở rộng đến năm 2025 của ngành sẽ đạt 12,897 tỷ USD, công suất các nhà máy bột giấy là 3.505.000 tấn/năm và công suất các nhà máy giấy là 10.528.000tấn/năm, đủ sức đáp ứng cho việc sản xuất 5.800.000 tấn giấy phục vụ 80-83% nhu cầu thị trường trong nước.Về trồng rừng, với tổng vốn trồng rừng, bảo vệ rừng khoảng gần 52.373 tỉ đồng, đến năm 2025 sẽ tạo lập được 8 vùng nguyên liệu giấy ổn định với diện tích là 984.575 ha rừng kinh doanh cây nguyên liệu giấy.

Hiện cả nước có 301 DN hoạt động trong ngành giấy với tổng năng lực sản xuất 2,075 triệu tấn giấy và 437.600 tấn bột giấy mỗi năm, nhưng không có DN nào sản xuất bột giấy thương phẩm với công suất lớn. Hệ quả là, lượng bột giấy sản xuất trong nước chỉ bằng 21% công suất các nhà máy sản xuất giấy hiện có.

Thực tế: thiếu trầm trọng bột giấy

Mặc dù đề án đã đưa ra các con số cho ngành giấy đến năm 2025 rất “hoành tráng” song nếu nhìn vào thực tế sản xuất và kinh doanh của ngành giấy hiện nay, thiết nghĩ để hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu vào năm 2020, thì các nhà quản lý cần phải siết chặt việc cấp phép và đánh giá đúng hiệu quả đầu tư hơn nữa.

Trên thực tế, các sản phẩm bột giấy sản xuất trong nước hiện chia làm 4 nhóm sản phẩm chính là: bột cơ học, bột hoá hoạc tẩy trắng, bột hoá học không tẩy trắng và bột bán hoá. Số lượng các DN sản xuất bột bán hoá chiếm tỉ lệ lớn nhất (65,45%), bao gồm 36 DN, nhưng công suất chỉ đạt tỉ lệ 31,83% trong tổng công suất bột giấy. Các DN này thường có công suất nhỏ, phân bố giải rác ở các tỉnh miền núi, trung du nơi tập trung nhiều nguyên liệu phi gỗ (tre, nứa, luồng, lồ ô...) Điều đáng nói là đa phần không có hệ thống xử lý nước thải nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây có thể coi là vấn đề cốt lõi liên quan tới sự tồn tại của DN trong tương lai nếu không có các giải pháp công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm.

Theo các chuyên gia, đến nay ngành công nghiệp giấy và bột giấy VN hầu như không có DN sản xuất bột giấy thương phẩm công suất lớn. Các DN sản xuất  bột chủ yếu để phục vụ nhu cầu sản xuất giấy của chính DN. Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 500 DN với tổng năng lực sản xuất đạt 2,075 triệu tấn giấy và 437.600 tấn bột giấy mỗi năm, tuy nhiên, công suất bột giấy mới chỉ chiếm khoảng 21,8% so với công suất giấy, số bột giấy còn lại được đảm bảo bởi bột giấy nhập khẩu, giấy loại thu gom nội địa và giấy loại nhập khẩu.

Thực tế đã xuất hiện sự vênh nhau giữa sản xuất và tiêu thụ, người có nguyên liệu thì không muốn bán cho DN sản xuất... vì đời sống người trồng rừng quá thấp. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất giấy trong nước thấp nên ngân hàng cũng "ngại" cho vay. Trong 10 năm qua, đã có một số dự án nhà máy bột giấy được đưa vào kế hoạch đầu tư, trong đó có Nhà máy bột giấy An Hòa (Tuyên Quang) công suất thiết kế 130.000 tấn/năm, Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) 100.000 tấn/năm, Nhà máy bột giấy Thanh Hóa, 2 nhà máy bột giấy của Tập đoàn Tân Mai tại Quảng Ngãi và Kon Tum.... song cho tới nay, tất cả dự án bột giấy này hoặc chưa đầu tư xong, hoặc gặp khó về nguồn nguyên liệu.

Điều oái oăm ở đây là không phải nước ta cạn kiệt nguồn nguyên liệu giấy mà ngược lại. Trong năm 2010, với việc khoảng 3 triệu tấn dăm khô từ gỗ rừng trồng được xuất khẩu chính ngạch đi các nước, VN vươn lên trở thành nước thứ 2 xuất khẩu dăm mảnh (sau Australia). Và nguồn dăm mảnh xuất khẩu từ VN lại là đầu vào cho các nhà máy bột giấy ở một số nước trong khu vực. Xuất khẩu mạnh nguyên liệu để rồi cuối cùng, VN lại nhập khẩu bột giấy hoặc giấy thành phẩm với giá khá cao để đáp ứng... nhu cầu trong nước.

Ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch HĐQT Cty CP Giấy Sài Gòn nhận định, đã có một số DN tư nhân xuất khẩu dăm mảnh muốn đầu tư nhà máy bột giấy để gia tăng lợi ích của rừng nguyên liệu trong nước, song nhiều địa phương lại nói "không" với dự án bột giấy từ gỗ nguyên liệu, bởi e ngại ô nhiễm môi trường. 

Khó tiếp cận công nghệ

Ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy VN cho rằng, nếu vẫn duy trì những DN nhỏ như hiện nay sẽ rất khó tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến. Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, đòi hỏi nhà sản xuất không chỉ cần vốn mà cả kinh nghiệm. Với ngành giấy, nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm, dù lắp xong máy nhưng đến 1, 2 năm sau vẫn chưa hoạt động được vì còn phải chỉnh sửa các chỉ số. Khó khăn chồng chất, nhiều nhà sản xuất đã phải gồng mình để duy trì sản xuất.

Nhưng có một điều rất lạ, các DN nhỏ thường không thích hợp tác với nhau. Do đó, cần phải có quy chế buộc các DN nhỏ cùng hợp tác với nhau, chứ mỗi người một “nồi” thì sẽ có nhiều “cháy”, mà nhiều cháy thì sẽ ít “cơm” - ông Bảo chia sẻ.

“Chúng ta không nên làm quy hoạch để cho có, mà phải coi đây là cơ sở để nhà nước quản lý, điều tiết về mặt đầu tư, đồng thời các DN có thể xem xét mặt hàng nào, công nghệ nào, vùng nào cần phải đầu tư” .

(Ông Hoàng Quốc Lâm - Giám đốc Cty giấy Thanh Hóa)

Cùng quan điểm này, ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho rằng, chúng ta có rất nhiều nhà máy nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, nên có quy định về quy mô của nhà máy sản xuất bột giấy. Chẳng hạn, phải có công suất từ 250.000 tấn đến 400.000 tấn/năm, nhưng phải xét đến nguyên liệu và công nghệ. Tuy nhiên, ông Dũng lại băn khoăn, chúng ta nói nhiều đến mất cân đối giữa nguyên liệu và bột, ở góc độ khoa học tác động xấu tới môi trường, vậy có cần nhiều bột như quy hoạch không?

Ông Phạm Văn Tu - Ủy viên hội đồng thành viên TCty Giấy VN đề xuất, nên cân nhắc việc quy hoạch "cứng". Nếu làm thì cần phải làm tốt ngay từ đầu. Ví dụ, nhà máy bột giấy Long An đi vào hoạt động với công suất 100.000 tấn/năm rất khó để duy trì tồn tại, cả về nguyên liệu, sản phẩm và xử lý môi trường.

“Do vậy việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch các nhà máy bột giấy mà “cứng” thì càng phải cân nhắc kỹ. Để có một ngành công nghiệp giấy đến 2020 có tính thực tiễn cao, cần có dự báo chính xác về nhu cầu và xu hướng phát triển trên thế giới làm cơ sở cho sự phát triển ngành Giấy VN. Hiện nay, xu thế là sử dụng nguyên liệu giấy đã qua sử dụng để làm sản phẩm tái chế” - ông Tụ nói.

Ông Nguyễn Nị - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dăm gỗ miền Trung, giám đốc nhà máy chế biến dăm gỗ Dung Quất đề xuất, quy hoạch nhà máy bột giấy cần phải tính địa điểm đặt nhà máy, nguồn nước, cảng biến và xử lý môi trường. Cụ thể, một đời nông dân không thể có 500 triệu đồng, nhưng trồng rừng cho nhà máy ở Quảng Ngãi thì 5 năm sẽ có 500 triệu. Từ đó, chiến lược trồng rừng không lo, chủ yếu tác động cho họ thế nào để họ sinh lời mới phát triển được.

Thay lời kết

Giấy là mặt hàng đặc biệt mang tính chất xã hội cao, đối tượng hưởng thụ lớn, có những đặc trưng riêng về công nghệ, dây chuyền, thiết bị, quá trình sản xuất và quá trình đầu tư. Để ngành giấy phát triển theo đúng vai trò của nó trong xã hội, thiết nghĩ, trước tiên chúng ta cần phải xác định ngành công nghiệp giấy là một trong những ngành công nghiệp quan trọng. Do vậy, cần đầu tư thích đáng cho công tác định hướng, quy hoạch và có những chính sách ưu tiên về đầu tư.

Các DN cho biết, họ mong muốn được các Bộ, ngành liên quan có chính sách khuyến khích thông qua việc hỗ trợ DN, các hộ gia đình trong việc đưa giống mới, năng suất cao vào trồng rừng nguyên liệu, các đối tượng tham gia trồng rừng cần được ưu tiên, ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu. Ngoài ra, để ngành giấy tiếp cận những công nghệ mới, cần tăng cường công tác đầu tư cho khoa học công nghệ, bảo vệ  môi trường, khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được đầu tư xứng đáng.

Đây là những điều mà hầu hết các DN sản xuất, kinh doanh ngành giấy đang mong chờ.

Bà Phạm Thu Giang - Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương: “Liệu cơm gắp mắm”

Cần xem xét công nghệ nào khuyến khích đầu tư, chú trọng công nghệ tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn các loại giấy đưa ra cũng chưa đầy đủ, phải căn trên tiêu chuẩn của thế giới để đưa ra và trên cơ sở đó sẽ đầu tư công nghệ theo hướng nào, vùng nguyên liệu quy hoạch có bị chồng chéo hay không. Tiêu chuẩn nước thải đối với ngành giấy hiện quá cao, nhưng phải theo mức nào là hợp lý.

Ông Nguyễn Kim Huệ - Trưởng phòng Quản lý Khoa học & TT Cty TNHH Viện công nghiệp Giấy và Xenluylô: Nên sử dụng sản phẩm giấy tái chế

Một trong những yếu tố tác động mạnh đến quy mô công suất của ngành giấy là yếu tố đầu tư nước ngoài. Hiện nay, số lượng các DN FDI có công suất lớn chỉ có 04 DN, chiếm tỉ lệ 1,4%, nhưng tổng công suất chiếm tới 24%. Trong lúc đó, số lượng các DN ngoài quốc doanh là 295 DN, chiếm tỉ lệ 98%, với tổng công suất giấy đạt 70% tổng công suất giấy toàn ngành. Tuy nhiên, phần lớn các DN này có công suất nhỏ, gây tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là các xí nghiệp sản xuất vàng mã xuất khẩu.

Một điểm cần lưu ý là khả năng tái chế các sản phẩm đã sử dụng của ngành giấy rất cao, có thể đạt đến 90%, cần có chính sách khuyến khích thu gom, tái chế và nâng cao giá trị sử dụng nguồn nguyên liệu xơ sợi thứ cấp này, nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, gắn kết lợi ích của sự phát trển ngành giấy với lợi ích môi trường.

Hơn thế, giai đoạn 2005-2010, diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy chỉ đạt 51,0% so với quy hoạch đã được phê duyệt. Thực tế này dẫn đến việc đầu tư các dự án sản xuất bột giấy gặp nhiều khó khăn, sản lượng bột giấy không đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN: Nhiều rào cản lớn

Ngành giấy vẫn còn nhiều rào cản lớn. Thứ nhất là sự hỗ trợ của nhà nước chưa rõ ràng, cào bằng giữa các DN; địa điểm xây dựng nhà máy giấy lại càng khó khăn do các địa phương từ chối vì sợ ô nhiễm môi trường.

Đây là hệ lụy của việc nhiều DN nhỏ và vừa với công nghệ sản xuất giấy lạc hậu, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đúng mức. Rào cản thứ hai là vốn đầu tư. Nếu xây dựng nhà máy với vốn đầu tư thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về công nghệ.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Thuế thu nhập DN : Nên giảm và không cào bằng
  • Đại lý hải quan: 6 năm vẫn chưa... đúng nghĩa
  • Quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam: Thừa quan liêu - thiếu thực tế
  • C/O: Khó hưởng, khó quản
  • Người đại diện theo pháp luật, anh là ai?
  • Cấm lãnh đạo chơi gôn: mỗi người mỗi ý!
  • Cấm chơi gôn và trách nhiệm công việc
  • Thế nào là thu nhập khác?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%