Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Văn bản giảm tuổi thọ

Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm đang khiến "tuổi thọ" của các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng ngắn.
 
Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, Báo cáo tổng hợp rà soát pháp luật kinh doanh, được VCCI xây dựng trên cơ sở nghiên cứu rà soát 16 luật trong hai năm, tập trung vào làm rõ những vấn đề đang gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

"Tuổi thọ" không cao…

Rõ ràng, nhiều năm trở lại đây chúng ta đã liên tục tiến hành sửa đổi, bổ xung các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính song vẫn nảy sinh hàng loạt các bất cập, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Các điều tra từ chỉ số niềm tin doanh nghiệp gần đây vẫn cho thấy doanh nghiêp gặp nhiều khó khăn hơn về các thủ tục hành chính, bị gây phiền hà và cản trở… Thực tế có tình trạng, trong khi Luật Doanh nghiệp "mở" thì các luật chuyên ngành khác lại "đóng" hay siết chặt bằng các loại giấy phép con hoặc những thủ tục phiền hà. Thậm chí còn tồn tại những quy định trái ngược giữa các luật với nhau kéo dài nhiều năm không sửa, mà Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là những ví dụ tiêu biểu nhất.

Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn nhận xét, những năm gần đây, tư duy nhiệm kì và lợi ích nhóm đã có tác động nhất định vào việc soạn thảo luật, nghị định và rõ hơn là trong các thông tư. Từ tư duy làm luật chưa được sáng tỏ dẫn đến tình trạng lùng nhùng trong việc soạn thảo các luật. Ông Tuấn cũng chia sẻ, cách đây 10 năm chúng ta từng nói luật có 6 cái "không": không thống nhất, không minh bạch, không công khai… đến bây giờ điều này vẫn có ý nghĩa. Vị Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam còn cho rằng, có nhiều qui định pháp luật xa rời thực tế, không hợp lý, dẫn đến không thể áp dụng được, gây lãng phí, tốn kém cho doanh nghiệp và cả nhà quản lý.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, LS Trương Thanh Đức, Phó Tổng giám đốc Maritimebank cho rằng, chính tư duy nhiệm kỳ và 6 cái "không" tồn tại dai dẳng khiến thực trạng "tuổi thọ" của các đạo luật quá ngắn ngày càng phổ biến. Theo vị luật sư này, trong số 16 đạo luật VCCI tiến hành rà soát, tồn tại lâu nhất là Luật Xây dựng và Luật Kế toán, với tuổi thọ được 8 năm, còn lại trung bình chỉ 3-6 năm đã phát lộ nhiều điểm bất cập đến mức phải sửa đổi, bổ sung, thậm chí là đặt ra yêu cầu phải làm mới hoàn toàn như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản, Bộ luật Dân sự. Chưa kể, trong đó có nhiều luật đã ban hành lần thứ 2, lần thứ 3… Cá biệt, còn có những văn bản dưới luật có giá trị dưới 1 tháng! Đây cũng là hạn chế đáng kể trong việc xây dựng luật pháp.

Kết quả là có rất nhiều quy định, thủ tục không cần thiết, hoặc thiếu minh bạch, thậm chí gây cản trở, khó khăn cho việc thành lập doanh nghiệp, hiện thực hóa dự án đầu tư.

… nhưng "con, cháu" nhiều

Đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Hồng Hạnh, cho rằng, cần đổi mới quy trình và tư duy xây dựng pháp luật. Tiêu chí đánh giá của bản báo cáo tổng hợp chưa thống nhất bởi hiện các luật đang "đá nhau tơi bời khói lửa". Ông Hạnh ví von: "Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay không phải là rừng thông hay rừng bạch dương mà là rừng nhiệt đới. Rừng thông hay bạch dương thì còn đi được, chứ rừng nhiệt đới cây cối chằng chịt, dây rợ rườm rà thì bắt buộc doanh nghiệp phải lách mới đi được".

Minh chứng cho sự rườm rà của hệ thống pháp luật, LS Trương Thanh Đức tính toán, chỉ từ năm 1999 đến nay, số ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh được qui định trong các luật và nghị định đã tăng hơn 5 lần. Ông nhấn mạnh, việc giấy phép con mới "sinh" và giấy phép con mới "lên đời" trở thành giấy phép to (giấy phép qui định trong các thông tư được đẩy lên cấp nghị định và luật) đang dẫn đến tình trạng loạn giấy phép!

Theo các chuyên gia từ VCCI, các điểm hạn chế, bất cập thường nằm ở những văn bản pháp luật chuyên ngành về đầu tư kinh doanh. "Thực tế có tình trạng trong khi Luật Doanh nghiệp "mở" thì các luật chuyên ngành lại "đóng" hoặc các luật của Quốc hội hay văn bản của Chính phủ thì quy định thông thoáng nhưng các cơ quan quản lý lại siết chặt lại bằng những loại giấy phép "con" hay bằng những thủ tục phiền hà không đáng có", báo cáo khẳng định.

Xóa bỏ thông tư?

Theo nhiều chuyên gia, hướng giải quyết cho vấn nạn trên là khi xây dựng luật phải cụ thể hơn nữa, đến nghị định chỉ là hướng dẫn một số điều trong luật và tốt nhất là xóa hẳn thông tư. Nếu buộc phải còn thông tư thì chỉ nên là văn bản hướng dẫn về hợp đồng mẫu, nghiệp vụ, kỹ thuật tính toán, tuyệt nhiên không đề cập về chính sách trong thông tư. Bên cạnh đó, để tăng dần tính hiệu lực trong việc thi hành luật, Quốc hội hiện nay có chủ trương rất đúng đắn là cố gắng giải quyết dần các luật khung, tăng dần các luật có tính hướng dẫn. Ông Vũ Quốc Tuấn khẳng định: "Cần sửa đổi cách làm luật hiện nay, luật phải cụ thể hơn, trong khi các nghị định chỉ hướng dẫn một số điều, còn thông tư thì ngày càng phải hạn chế. Hiện giờ thông tư cũng đề ra chính sách, thêm vào đó, công văn của các cục, vụ thì nhiều vô kể".

Đây là bước đi tiến bộ để tránh việc luật bị méo mó trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa khả năng người thi hành luật có thể đứng ra bảo hộ quyền lợi cho một nhóm lợi ích nào đó. Nếu làm được những điều trên sẽ nâng cao tính thống nhất và tôn nghiêm của các đạo luật, hạn chế việc hướng dẫn các quy định "lạ" trong việc thực hiện luật sau đó.

Từ góc độ giám đốc một doanh nghiệp dân doanh, ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch VAFM Việt Nam, nhận xét: doanh nghiệp là người nộp thuế, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Các bộ công chức nhà nước là đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Nhưng khi doanh nghiệp có việc cần phải gặp cán bộ quản lý nhà nước, trong nhiều trường hợp họ thực sự bức xúc về cung cách làm việc của người đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, ông Tiền cho rằng, việc sửa đổi các luật nên nhìn nhận từ góc độ coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý thông thường. Đáng nói, cần luật hóa việc cung cấp thông tin của cán bộ công chức đối với doanh nghiệp với việc quy định rõ ràng trách nhiệm của người cung cấp. Đây là những hành lang pháp lý đảm bảo điều kiện để doanh nghiệp được coi là đối tượng phục vụ.

Với tư duy nhà nước phục vụ, quy trình xây dựng luật sẽ được tiếp cận từ những cách làm mới. Đây cũng là một phần của việc chuyên nghiệp hóa công tác xây dựng và ban hành pháp luật.
 
Báo cáo tổng hợp rà soát pháp luật kinh doanh dựa trên những đánh giá cụ thể đối với 16 Luật là: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Hải quan, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường và 200 văn bản hướng dẫn các luật này.
 
Theo báo cáo, trong tổng số 683 quy định được phát hiện bất cập, có 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa đạt tiêu chí hợp lý, 149 quy định chưa đạt tiêu chí thống nhất, và 85 tiêu chí còn lại là thiếu tính khả thi.

(Doanh nhân)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Hạn chế tai nạn lao động: Chế tài chưa đủ mạnh
  • Quy hoạch Ngành giấy : Thiếu chuẩn về công nghệ
  • Thuế thu nhập DN : Nên giảm và không cào bằng
  • Đại lý hải quan: 6 năm vẫn chưa... đúng nghĩa
  • Quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam: Thừa quan liêu - thiếu thực tế
  • C/O: Khó hưởng, khó quản
  • Người đại diện theo pháp luật, anh là ai?
  • Cấm lãnh đạo chơi gôn: mỗi người mỗi ý!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%