Ảnh minh họa: Bình Nguyên |
Trong những ngày gần đây, báo chí trong nước, cả báo giấy và báo mạng, đã khơi ra một luồng tranh luận khá “nóng” xoay quanh sự việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có văn bản cấm lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc bộ tham gia chơi gôn.
Theo nội dung văn bản 6630/BGTVT-TCCB, trong thời gian qua, có tình trạng một số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của bộ chưa tích cực chỉ đạo, điều hành công việc, dẫn đến việc xử lý công việc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án và hoạt động chung của đơn vị. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do cán bộ mất quá nhiều thời gian để chơi gôn (kể cả trong các ngày nghỉ).
Để chấn chỉnh vấn đề này, ông Thăng yêu cầu chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), chủ tịch công ty và tương đương tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ (bao gồm cả tập đoàn, tổng công ty 91), các lãnh đạo thuộc diện bộ quản lý cấp vụ và tương đương trở lên không chơi gôn, không tổ chức hoặc tham gia các giải gôn, để tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh và giải quyết công việc chuyên môn được giao, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy lệnh cấm bị một số ngưới phản ứng khi cho rằng "thiếu thực tế và có nội dung sai thẩm quyền, vi phạm quyền cán bộ công chức..." Nhưng, ông Thăng đã có lý lẽ của riêng mình khi trả lời một số báo rằng: đây là quy định nội bộ, làm lãnh đạo thì phải chấp nhận hy sinh, không có gì vi phạm luật cả.
Quan điểm của ông Thăng đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình của người dân, của các doanh nghiệp vì hơn ai hết, họ đã quá thấu hiểu những tác động tiêu cực do tình trạng bê trễ, đình trệ ở các công trình giao thông trong nhiều năm qua gây ra cho đời sống sinh hoạt hằng ngày và cả hoạt động kinh doanh của họ.
Trong thực tế, hầu hết các giải gôn và một lần đánh gôn thường bắt đầu từ trưa và kéo dài cho đến chiều tối (tùy theo số người tham dự và số lỗ các tay gôn muốn đánh) nhưng những người tham gia chơi gôn phải mất cả ngày cho việc di chuyển đến sân gôn và rồi chơi môn thể thao này.
Bản thân gôn là một môn thể thao tốt, lành mạnh vì nó giúp người chơi, nhất là người lớn tuổi rèn luyện sức khỏe và sự tập trung; thiết lập quan hệ trong kinh doanh; tìm được đối tác trong công việc và các hợp đồng trong tương lai. Nhưng, cũng như bóng đá và các môn thể thao khác, gôn cũng đang bị một số người chơi lợi dụng để cá cược thay vì để rèn luyện sức khỏe, tìm đối tác trong công việc.
Việc một số tay gôn “ăn thua” với nhau từ vài trăm đến cả chục ngàn đô la Mỹ trên sân gôn không còn là chuyện xa lạ trong cộng đồng những người chơi gôn ở Việt Nam. Không phải tất cả các công chức chơi gôn đều bằng tiền của họ vì, theo những những người làm việc tại các sân gôn, thì mỗi một lần chơi gôn cũng đã mất hàng triệu đồng, đấy là chưa kể việc mua các thẻ thành viên của sân gôn cũng mất đến vài chục ngàn đô la Mỹ.
Trang phục, phụ kiện và bộ gậy để chơi gôn có thương hiệu cũng chẳng rẻ chút nào, có giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Với việc đầu tư khá lớn cho môn thể thao này thì liệu với đồng lương công chức hiện tại thì nhiều quan chức có đủ tiền để chơi gôn?
Trên thực tế, đã có trường hợp một số doanh nghiệp tặng thẻ thành viên sân gôn trị giá hàng chục ngàn đô la Mỹ cho những viên chức, quan chức mà họ nhờ cậy công việc và những người này sau đó có thể bán lại thẻ cho người khác để “bỏ túi” vài chục ngàn đô la. Vậy đây có phải là hành vi hối lộ một cách tinh vi?
Chắc hẳn các lãnh đạo cơ quan, đơn vị, công ty thuộc Bộ GTVT và các bộ khác đều hiểu rất rõ rằng gôn là một môn thể thao đòi hỏi người chơi phải có tâm trạng thoải mái và không gian yên tĩnh để họ có thể sự tập trung cao độ cho mỗi lần đánh bóng. Vậy họ có thể có tâm trạng thoải mái đánh gôn được không khi công việc thuộc thẩm quyền của họ chưa được giải quyết đúng kế khoạch, các công trình cầu đường tiếp tục bê trễ làm khổ người dân, các đơn xin đủ điều kiện đang được các doanh nghiệp ngóng chờ phê duyệt từng giờ, từng ngày?
Liên hệ với câu chuyện cấm chơi gôn ở Bộ GTVT, nếu bỏ qua góc nhìn chỉ một vài quan chức do chơi gôn rồi bê trễ công việc, gây ảnh hưởng chung đến tất cả những người yêu thích môn thể thao này; có thể nhìn thấy lệnh cấm này hướng tới một mục đích xa hơn: đó là tính kỷ luật, tính đạo đức và tính chịu trách nhiệm trong công việc - vốn là những yêu cầu cần thiết và cấp thiết ở đội ngũ những người làm việc trong bộ máy nhà nước hiện nay.
Sau khi ông Thăng đưa ra các chỉ đạo về việc cấm chơi gôn, thay tổng chỉ huy công trình bị bê trễ thì có ý kiến cho rằng đây không phải là việc của một người đứng đầu Bộ GTVT mà ông cần phải tập trung thời gian, sức lực cho các kế hoạch, chiến lược mang tính định hướng của ngành trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu vị bộ trưởng này không giải quyết được những “căn bệnh” hiện tại trong ngành thì chắc hẳn ông không thể điều hành những phần việc mang tính định hướng cho tương lai như mong muốn được.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com