Bị “đứt tay” bởi con dao hai lưỡi này là những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và các cơ quan chức năng hữu quan
Nghị định 51/CP của Chính phủ ban hành ngày 14-5-2010 về hóa đơn (HĐ) bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (thay thế cho Nghị định 89 ban hành năm 2002) có nội dung rất quan trọng: Trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp (DN) trong việc sử dụng HĐ khi cơ quan thuế không còn bán HĐ và không chịu trách nhiệm về HĐ phát hành.
Từ đó, những thắc mắc của DN về thủ tục mua HĐ, tình trạng xếp hàng chờ mua HĐ tại cơ quan thuế cũng sẽ được xóa bỏ. Điều này được đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về HĐ chứng từ trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trước thời điểm nghị định trên có hiệu lực (ngày 1-1-2011), các cơ quan thi hành và cộng đồng DN đã bày tỏ sự lo ngại về tính hai mặt, lợi bất cập hại của quy định mới.
Rộng cửa cho DN “ma”
Luật DN có hiệu lực cách nay 5 năm đã thổi làn gió mới vào nền kinh tế: Thủ tục thành lập DN đơn giản, thông thoáng hơn; số lượng DN, đặc biệt trong lĩnh vực tư nhân, ra đời nhiều hơn.
Tuy nhiên, mặt trái của sự thông thoáng chính là DN “ma” xuất hiện ngày càng nhiều và biến ảo rất tinh vi, phương hại nghiêm trọng đến an ninh kinh tế. Thủ đoạn của DN “ma” chủ yếu là dùng hồ sơ giả lập DN để mua bán HĐ trái phép, xuất HĐ khống nhằm thu lợi, không thực hiện báo cáo thuế và sau một thời gian ngắn thì ngưng hoạt động, biến mất.
Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, riêng tại Hà Nội và TPHCM hiện còn khoảng 10.000 DN “ma”, gây thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Lâu nay, tuyệt đại đa số DN phải đăng ký mua HĐ qua cơ quan thuế và tự chịu trách nhiệm về HĐ phát hành, vậy mà DN “ma” đã hoành hành; sắp tới đây, khi quyền in và phát hành HĐ được trao cho DN, nguy cơ DN “ma” bùng phát và trục lợi từ HĐ tự in là không thể tránh khỏi.
Doanh nghiệp đóng dấu hóa đơn thuế GTGT tại Phòng Quản lý Ấn chỉ, Cục Thuế TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Trần Đình Cử, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, nhận định: “Nhiều năm qua, các cơ quan pháp luật đã tập trung ngăn chặn, xử lý DN “ma” nhưng hiệu quả còn hạn chế. Nay, nếu các DN “ma” tự in HĐ thì hậu quả sẽ rất khó lường”.
Theo bà Phạm Thị Bạch Mai, Trưởng Phòng Ấn chỉ - Cục Thuế TPHCM, Nghị định 51/CP là một bước đột phá về quản lý song chưa đúng thời điểm, chưa phù hợp với điều kiện ở nước ta hiện nay. Việc trao cho DN quyền tự in HĐ, chịu trách nhiệm về HĐ của mình là điều cần thiết song đó cũng là điều kiện tốt để các đối tượng lợi dụng gian lận thuế...
Cơ quan thuế nắm đằng chuôi
Theo quy định tại điều 6, Nghị định 51/CP, chỉ một số DN hội đủ điều kiện mới được tự in HĐ. Tuy nhiên, thủ tục để phát hành HĐ tự in khá đơn giản, DN chỉ cần ra quyết định tự in và lập tờ “Thông báo phát hành HĐ” theo đúng nội dung quy định, kèm theo tờ “HĐ mẫu” gửi đến cơ quan thuế nơi DN đóng trụ sở chính, đồng thời niêm yết thông báo phát hành tại DN là có thể sử dụng.
Do quy định quản lý thông thoáng như trên nên sẽ có những DN tự nhận mình có đủ điều kiện tự in HĐ và thoải mái phát hành HĐ tự in. Đáng lo nhất là DN “ma” có thể lợi dụng sự thông thoáng này để phát hành HĐ tự in, kiếm thu nhập bất chính, sau đó bỏ trốn. DN làm ăn ngay ngắn nào bị “dính” loại HĐ kể trên sẽ phải chịu thiệt thòi.
Bà Phạm Thị Bạch Mai cho biết thêm: Theo quy định tại Nghị định 51/CP, DN sử dụng HĐ tự in chỉ phải báo cáo tình hình sử dụng HĐ cho cơ quan thuế theo định kỳ hằng quý, tức là DN có lập thông báo phát hành HĐ thì phải 3 tháng sau mới phải báo cáo cơ quan thuế về tình hình sử dụng HĐ tự in của mình.
Như vậy, ít nhất là sau 3 tháng kể từ khi phát hành HĐ, nếu cơ quan thuế nhận thấy báo cáo đó không hợp lý, nghi ngờ gian lận thì mới thực hiện việc kiểm soát sử dụng HĐ tự in của DN. Nói cách khác, nếu một DN thành lập trong vòng 2 - 3 tháng rồi tự động giải thể sau khi đã “đánh quả” thì cơ quan thuế đành bất lực.
Những DN được quyền tự in hóa đơn HĐ tự in là HĐ do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, dịch vụ. Các loại hình DN được quyền tự in HĐ bao gồm: Những DN được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; những DN có mức vốn điều lệ theo quy định của Bộ Tài chính; những đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật được tự in HĐ kể từ khi có mã số thuế. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác được tự in HĐ, nếu có đủ các điều kiện sau: Đã được cấp mã số thuế; có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; không bị xử phạt về các hành vi vi phạm pháp luật về thuế theo mức do Bộ Tài chính quy định trong 365 ngày liên tục tính đến ngày thông báo phát hành HĐ tự in; có hệ thống thiết bị bảo đảm cho việc in và lập HĐ khi bán hàng hóa, dịch vụ; là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, bảo đảm việc in và lập HĐ chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh. (Theo Nghị định 51/CP) |
(Theo Khánh Mai/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com