Minh họa: Khều. |
Trong Công văn 451/TCT-TNCN ngày 8-2-2010 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2009 có một đoạn như sau: “Đối với tiền lương, tiền công... thì thu nhập được miễn thuế TNCN được xác định căn cứ vào Bảng thanh toán tiền lương, tiền công chi trả từ tháng 1-2009 đến hết tháng 6-2009, không phụ thuộc vào tháng hạch toán khoản tiền lương đó vào chi phí của doanh nghiệp.
Ví dụ: công ty A hạch toán 100 triệu chi phí tiền lương vào chi phí kinh doanh tháng 12-2008 nhưng chi trả cho người lao động theo bảng lương của tháng 1-2009 thì khoản tiền lương này được xác định là tháng lương đầu tiên của năm 2009 được miễn thuế. Tháng 6-2009, Công ty A hạch toán 100 triệu chi phí tiền lương vào chi phí kinh doanh nhưng thực tế khoản tiền lương này được chi trả cho người lao động theo bảng lương của tháng 7-2009 thì khoản tiền lương này không thuộc diện miễn thuế TNCN vì tính theo bảng lương từ tháng 1 đến hết tháng 6-2009 người lao động đã được miễn thuế TNCN đủ sáu tháng” (điểm 2.1.a, mục I). Hướng dẫn như trên là chưa thấy rõ mối liên hệ gắn bó giữa hai mặt của tiền lương: một mặt là chi phí của doanh nghiệp, mặt kia là thu nhập của người lao động. Từ mối liên hệ này, nguyên lý kế toán đã quy định: nếu doanh nghiệp hạch toán, thí dụ 100 triệu tiền lương tháng 6-2009, vào chi phí, thì đồng thời cũng phải hạch toán số tiền 100 triệu tiền lương tháng 6-2009 ấy như khoản phải trả cho người lao động. Phải trả mà chưa trả là nợ. Vì doanh nghiệp thường trả lương sau, nên vào cuối mỗi tháng, trên sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp luôn ghi nhận số tiền lương phải trả này. Do tiền lương phải trả gồm cả thuế TNCN, nên trong 100 triệu tiền lương tháng 6-2009 chưa trả, phần lớn là nợ lương (sẽ trả cho người lao động vào ngày trả lương) và có một phần là nợ thuế TNCN đã khấu trừ (sẽ nộp, chậm nhất vào ngày 20-7-2009 như quy định chung về thời hạn nộp thuế). Công văn 451 không những không giúp doanh nghiệp làm quyết toán thuế TNCN dễ dàng hơn, mà còn gây ra một số hệ lụy. 1. Gây bối rối cho doanh nghiệp trong quyết toán thuế TNCN năm 2009. Mọi người đều biết thuế TNCN ở nước ta có hiệu lực từ 1-1-2009. Trước đó thuế này mang tên là thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (TNC), có hiệu lực tới 31-12-2008. Rõ ràng là tiền lương tháng 12-2008 thuộc khung thời gian điều chỉnh của thuế TNC và thuế này năm 2008 cũng đã được quyết toán vào cuối tháng 2-2009. Nay công văn 451 lại hướng dẫn tính tiền lương tháng 12-2008 thành thu nhập chịu thuế TNCN tháng 1-2009 và do đó được miễn! Vậy là phải làm lại quyết toán thuế TNC hay sao? Về thuế TNCN, theo quyết định của Quốc hội, thuế về tiền lương sáu tháng đầu năm 2009 được miễn. Đương nhiên sáu tháng đầu năm phải được hiểu là từ tháng 1 đến tháng 6-2009. Cho nên tiền lương tháng 6-2009 phải tính là thu nhập chịu thuế tháng 6-2009, thuộc diện được miễn. Nhưng theo hướng dẫn trên, nếu tiền lương tháng 6-2009 trả vào tháng 7-2009 thì tính là thu nhập chịu thuế tháng 7-2009, không được miễn! 2. Nếu thi hành như hướng dẫn trên, việc thi hành chính sách thuế trở nên không nhất quán, không chính danh, rõ nhất là trong giai đoạn giao thời giữa chính sách cũ và mới. Cần lưu ý rằng thực tế thi hành chính sách luôn có độ trễ. Có nghĩa là không phải cứ đến đúng 0 giờ ngày 1-1-2009 thì mọi công việc liên quan tới thuế TNCN đều chấm dứt và chuyển thành thuế TNCN. Điều này bắt nguồn từ quy định thời hạn nộp thuế TNCN hàng tháng cũng là ngày 20 tháng sau và thời hạn quyết toán thuế TNCN hàng năm là cuối tháng 2 năm sau. Thời hạn cuối cùng nộp thuế TNCN tháng 12-2008 (tính theo tiền lương tháng 12-2008) là ngày 20-1-2009 và thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2008 là ngày 28-2-2009. Phải tới thời điểm đó, mọi công việc về thuế TNCN mới có thể coi là kết thúc. Do đó tiền lương tháng 12-2008, dù trả trong tháng 1-2009, nhưng vì nó phát sinh trong khung thời gian có hiệu lực của thuế TNCN, vẫn nằm trong thời hạn nộp và quyết toán thuế TNCN, thì vẫn phải nộp và quyết toán theo Pháp lệnh thuế TNCN. Trường hợp miễn thuế TNCN về tiền lương sáu tháng đầu năm 2009 cũng tương tự. Chính sách là miễn thuế TNCN về tiền lương trong sáu tháng đầu năm 2009, cho nên thu nhập chịu thuế TNCN năm 2009, nếu thi hành nhất quán, thì chỉ được tính từ tiền lương tháng 7 đến tháng 12-2009, tiền lương tháng 6-2009 phải thuộc diện được miễn. 3. Phức tạp hóa công việc thu nộp thuế TNCN ở doanh nghiệp. Hiện nay để tính chi phí sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp hàng tháng đều phải lập bảng lương (phải trả) để có căn cứ hạch toán chi phí tiền lương và hạch toán tiền lương phải trả cho người lao động. Bảng lương này cũng là căn cứ tính thu nhập chịu thuế và số thuế phải khấu trừ (và phải nộp) từng tháng. Với cách làm như vậy, chi phí về lao động của doanh nghiệp và thu nhập chịu thuế của từng người được xác định chỉ căn cứ vào một nguồn thông tin duy nhất. Rất thuận tiện, đơn giản, chính xác, dễ kiểm tra. Nay theo hướng dẫn trên, căn cứ xác định thu nhập chịu thuế không phải là bảng lương (phải trả) đã có sẵn, mà phải lập thêm một bảng được gọi là “bảng thanh toán tiền lương, tiền công chi trả” như đã ghi trong Công văn 451. Cần thấy việc lập bảng này khá phức tạp, bởi thực tế khoảng một nửa lương tháng đã được trả trong tháng, phần còn lại mới trả trong tháng sau. Hơn nữa hết tháng sau có thể vẫn có người lao động chưa lĩnh lương. Chưa có số liệu điều tra để biết có bao nhiêu doanh nghiệp lập được bảng trả lương theo hướng dẫn trên. 4. Tạo lý do cho doanh nghiệp dây dưa nộp thuế. Như đã nêu, thời hạn doanh nghiệp nộp thuế TNCN hàng tháng là ngày 20 tháng sau. Đối với doanh nghiệp, thời hạn như vậy là hợp tình, hợp lý. Tuy vậy thời hạn này chỉ có thể thực hiện nếu tính thu nhập chịu thuế theo bảng lương (phải trả) của doanh nghiệp. Còn nếu thực hiện máy móc theo hướng dẫn, thì doanh nghiệp có thể vin cớ chưa trả lương, chưa đến thời điểm xác định thu nhập chịu thuế, do đó chưa phải kê khai (và nộp thuế) đúng hạn quy định.
(Theo Lê Văn Tứ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com